Nhiều nước châu Âu sử dụng chứng chỉ COVID-19 như một cách để ép người dân phải đi tiêm chủng. Không có chứng chỉ thì không được vào một số nơi, mất thêm thời gian, chịu nhiều phiền toái, thậm chí mỗi khi cần lại tốn tiền làm xét nghiệm.
Nhiều người phản đối hộ chiếu vaccine, vì không thích bị ép buộc phải đi tiêm chủng. Những người đã tiêm chủng thì không thích cảm giác cứ phải để lại vết tích của mình mỗi khi vào hộp đêm, quán bar, hoặc những nơi không muốn mọi người biết là mình lui tới.
Ông David Ross - Người dân London (Anh) nói: "Tôi đã tiêm phòng đầy đủ, đâu cần phải có hộ chiếu vaccine. Mọi năm, tiêm phòng cúm mùa, đâu cần chứng nhận gì đâu, cứ để cho cuộc sống diễn ra bình thường đi".
Các doanh nghiệp dịch vụ cũng không mặn mà với việc phải kiểm tra chứng chỉ COVID của khách hàng. Tại một số nước như Pháp, doanh nghiệp chỉ được cho nhân viên có chứng chỉ COVID-19 đi làm, đó cũng là cách để buộc mọi người phải tiêm chủng.
Ông Virgile Grunberg - Chủ quán ăn Le Square Gardette (Pháp) chia sẻ: "Trước khi mở quán, chúng tôi phải kiểm tra mọi nhân viên xem họ có chứng chỉ hay không. Theo quy định mới chúng tôi sẽ phải kiểm tra hàng ngày như thế không biết trong bao lâu".
Chứng chỉ COVID-19 hay hộ chiếu vaccine vậy là chủ yếu liên quan tới tỷ lệ tiêm chủng. Nước Anh đã tiêm đủ 2 liều vaccine cho hơn 80% người dân trên 16 tuổi, cho rằng có thể chấm dứt biện pháp gây phiền nhiễu này.
Ông Sajid Javid - Bộ trưởng Y tế Anh cho biết: "Chúng tôi đã cân nhắc và sẽ không triển khai hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn là lựa chọn tiềm năng trong tương lai".
Tại các nước châu Âu, áp đặt hay bãi bỏ chứng chỉ COVID-19 ít liên quan tới tỷ lệ lây nhiễm hay tử vong, nước nào còn áp đặt biện pháp này cho công dân nước mình, tức là tỷ lệ tiêm chủng ở nước đó chưa đủ cao. Đa số người châu Âu cho rằng chỉ nên áp đặt chứng chỉ COVID-19 cho khách du lịch nước ngoài mà thôi.