Cảnh báo về phương pháp làm đẹp cấp tốc từ cái chết đột ngột của nữ diễn viên Bollywood

An Khê, Theo vtv.vn 20:00 06/07/2025
Chia sẻ

Cái chết đột ngột của nữ diễn viên Bollywood Shefali Jariwala, 42 tuổi, người nổi tiếng với việc sử dụng các liệu pháp tiêm trẻ hóa da, đang làm dấy lên làn sóng tranh cãi và lo ngại ngày càng lớn về các phương pháp làm đẹp cấp tốc.

Shefali Jariwala được phát hiện tử vong tại nhà riêng ở Mumbai vào tuần trước, nghi do một cơn ngừng tim cấp tính. Theo thông tin từ cảnh sát, cô đã sử dụng các loại thuốc tiêm chống lão hóa trong nhiều năm, cùng với nhiều loại dược phẩm hỗ trợ khác.

Nữ diễn viên Bollywood Shefali Jariwala bị đột tử do ngừng tim. (Ảnh: Instagram)

Nữ diễn viên Bollywood Shefali Jariwala bị đột tử do ngừng tim. (Ảnh: Instagram)

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện hai hộp thuốc làm trắng da và trẻ hóa da có chứa glutathione cùng các loại vitamin. Đáng chú ý, glutathione là chất chưa được cơ quan y tế Ấn Độ cấp phép sử dụng và Jariwala được cho là từng trải qua nhiều liệu trình tiêm truyền tĩnh mạch - một xu hướng làm đẹp "nhanh - tiện" đang ngày càng phổ biến.

Mặc dù kết luận pháp y cuối cùng vẫn đang chờ công bố, các kết quả ban đầu cho thấy Shefali có dấu hiệu tụt huyết áp nghiêm trọng trước khi tử vong - một nguyên nhân phổ biến dẫn đến ngừng tim. Cái chết của cô đã gây chấn động cộng đồng người hâm mộ và giới y khoa, làm dấy lên lo ngại về việc lạm dụng các liệu pháp làm đẹp thiếu kiểm soát, đặc biệt trong giới trẻ đang chạy đua theo hình mẫu "thân hình đẹp, làn da không tì vết".

Một cư dân mạng đặt câu hỏi trên mạng xã hội: "Tập gym thường xuyên, ăn uống lành mạnh, mới 42 tuổi mà lại đột tử vì tim. Có điều gì đó đang sai?", phản ánh tâm lý hoang mang của nhiều người khi chứng kiến người có vẻ ngoài khỏe mạnh lại tử vong vì bệnh lý tim mạch.

Cảnh báo về phương pháp làm đẹp cấp tốc từ cái chết đột ngột của nữ diễn viên Bollywood- Ảnh 2.

Nữ diễn viên Bollywood Shefali Jariwala, 42 tuổi, đột tử vì ngưng tim. (Ảnh: ANI)

Những cái chết tương tự từng xảy ra

Đây không phải lần đầu các nghệ sĩ Ấn Độ trẻ tuổi đột tử vì ngừng tim. Năm 2021, nam diễn viên Siddharth Shukla qua đời vì cơn đau tim khi mới 40 tuổi. Cùng năm, nam diễn viên Puneeth Rajkumar cũng tử vong ở tuổi 46 vì lý do tương tự.

Chuyên gia phân tích ngành điện ảnh Kamal Nahta cảnh báo: "Các phương pháp làm đẹp cấp tốc, đặc biệt là tiêm truyền, luôn tiềm ẩn rủi ro y tế nghiêm trọng. Các nghệ sĩ ngày càng tìm đến những giải pháp ngắn hạn để giữ gìn ngoại hình, nhưng điều đó có thể đánh đổi bằng chính sức khỏe, thậm chí là mạng sống".

Dù lượng khán giả đến rạp đang giảm, ngành giải trí Ấn Độ vẫn sôi động với các nền tảng trực tuyến, khiến áp lực giữ gìn hình ảnh trong giới nghệ sĩ ngày càng lớn. Tuy vậy, Nahta cho rằng tấm gương của nam diễn viên kỳ cựu Aamir Khan - người từng tăng cân để đóng phim Dangal, sau đó giảm cân theo hướng dẫn y khoa - là hình mẫu cần được noi theo.

Bác sĩ Aparna Jaiswal, Giám đốc Khoa Điện sinh tim tại Bệnh viện Fortis (New Delhi), cho biết: "Nhiều người trẻ hiện nay bị bệnh mạch vành. Họ có thể trông khỏe mạnh bên ngoài, nhưng tim lại có vấn đề. Một số tập luyện quá sức mà không biết rằng họ đang mang bệnh tiềm ẩn".

Bên cạnh đó, lối sống ít vận động cũng là một nguyên nhân lớn. "Phần lớn đều di chuyển bằng xe cá nhân, ít đi bộ, ăn thực phẩm chế biến sẵn, ngủ muộn. Những điều đó tạo áp lực lớn lên hệ tim mạch", bác sĩ Jaiswal cảnh báo.

Cũng theo bà Jaiswal, làn sóng COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ vào năm 2022, với biến thể Delta tấn công dữ dội, đã để lại nhiều di chứng, đặc biệt đối với những người có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp. Việc sử dụng thuốc steroid trong điều trị COVID-19 cũng khiến tình trạng tim mạch của nhiều người xấu đi đáng kể.

Tình trạng người trẻ tuổi tử vong vì bệnh tim mạch không chỉ là vấn đề của riêng Ấn Độ. Theo nghiên cứu của Trường Y Đại học Duke (Mỹ), số ca tử vong liên quan đến suy tim ở người dưới 45 tuổi tại Mỹ đã tăng tới 906% trong giai đoạn 2012 - 2021 - một con số khiến giới y tế toàn cầu cảnh báo.

Riêng tại Ấn Độ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 25% người trưởng thành, tương đương 220 triệu người, đang sống chung với bệnh cao huyết áp. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ có khả năng kiểm soát huyết áp một cách hiệu quả.

Một báo cáo khác của The Lancet chỉ ra rằng khoảng 11,4% dân số Ấn Độ mắc bệnh tiểu đường, tương đương 101 triệu người, khiến nguy cơ đột quỵ và các biến chứng tim mạch tăng cao.

Bác sĩ Jaiswal nhấn mạnh, ngoài việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, người dân cần thay đổi thói quen sống: "Hãy ăn nhiều rau củ, trái cây tươi, thực phẩm nguyên chất. Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn và tăng cường vận động nhẹ nhàng mỗi ngày".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày