Có câu nói trong di truyền học: “Gen nạp sẵn đạn, môi trường bóp cò”. Ý là gen của chúng ta có thể là yếu tố bẩm sinh, nhưng việc bệnh tật có xảy ra hay không lại phụ thuộc nhiều vào môi trường xung quanh cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày, trong đó phải kể đến việc rửa bát - liên quan đến những thứ đưa trực tiếp vào cơ thể mình.
Dưới đây là 3 thói quen rửa bát mà nhiều người thường mắc phải, tưởng nhỏ nhặt nhưng có thể vô tình tạo điều kiện cho ung thư ghé thăm.
1. Chén bát để lâu mới rửa
Khi chén bát để lâu mới rửa, thức ăn thừa và dầu mỡ bám trên bề mặt sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi. Đặc biệt, trong điều kiện nóng ẩm, những vi khuẩn có hại như E.coli hay Salmonella dễ phát triển, gây ngộ độc thực phẩm nếu bát đũa không được làm sạch kỹ càng.
Thức ăn thừa phân hủy còn sinh ra các độc tố, trong đó nguy hiểm nhất là aflatoxin – chất có khả năng gây ung thư gan. Mùi hôi từ chén bát bẩn cũng thu hút ruồi muỗi, gián, làm mất vệ sinh không gian bếp. Ngoài ra, để bát đũa bẩn lâu ngày khiến việc cọ rửa trở nên khó khăn, mất thời gian hơn, thậm chí phải ngâm nước lâu gây ẩm mốc dụng cụ nhà bếp.
Vì vậy, duy trì thói quen rửa chén bát ngay sau khi ăn sẽ giúp hạn chế nguy cơ bệnh tật, giữ gìn vệ sinh và đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
2. Cất bát đĩa khi chưa khô ráo
Cất bát đĩa khi chưa khô ráo có thể gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và vệ sinh gia đình. Đầu tiên, môi trường ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, đặc biệt là loại nấm có thể sản sinh độc tố aflatoxin gây ung thư. Thứ hai, bát đĩa ẩm khi xếp chồng lên nhau dễ làm đọng nước, lâu ngày sẽ tạo ra mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến mùi vị thức ăn khi sử dụng.
Ngoài ra, chất liệu gỗ hoặc tre nứa của đũa, thớt, muôi... càng dễ bị ẩm mốc nếu không được làm khô trước khi cất. Thậm chí, việc cất bát đĩa ướt trong tủ kín còn làm hơi nước bốc lên, khiến cả tủ bếp trở nên ẩm mốc, kéo theo vi khuẩn lan rộng ra các dụng cụ nhà bếp khác.
Vì vậy, tốt nhất sau khi rửa xong, bạn nên để bát đĩa ở nơi thoáng mát, hong khô tự nhiên hoặc dùng khăn sạch lau khô trước khi cất vào tủ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình.
3. Dùng mãi một chiếc giẻ rửa bát
Dùng mãi một chiếc giẻ rửa bát mà không thay mới thường xuyên cũng có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn và nấm mốc phát triển, thậm chí bẩn hơn cả bồn cầu vì thường xuyên tiếp xúc với thức ăn thừa, dầu mỡ, nước bẩn.
Khi dùng giẻ bẩn để rửa bát, vi khuẩn từ giẻ có thể bám lên bát đĩa, khiến việc rửa không còn tác dụng làm sạch mà ngược lại, dễ gây ô nhiễm thực phẩm. Những loại vi khuẩn nguy hiểm như E.coli, Salmonella có thể bám vào bát đũa, thức ăn và gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm. Chưa kể, giẻ rửa bát để lâu thường có mùi hôi rất khó chịu, đó là dấu hiệu cho thấy vi khuẩn đã sinh sôi mạnh.
Việc tiếp tục sử dụng giẻ cũ không chỉ khiến bát đĩa ám mùi mà còn giảm hiệu quả làm sạch, tốn nhiều thời gian hơn mà bát vẫn không thật sự sạch. Vì vậy, tốt nhất nên thay giẻ rửa bát định kỳ, khoảng 2 - 3 tuần một lần, và luôn giặt sạch, phơi khô sau khi dùng để đảm bảo vệ sinh.
Nguồn: Aboluowang