Ivy là người miền Nam, sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm biên tập viên thời trang ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2015, với mục đích ban đầu chỉ là "muốn tự do làm những nội dung mình thích". Trải qua đại dịch, quan niệm của Ivy đã thay đổi, cô muốn tìm lại nhịp sống của riêng mình, và ngôi nhà này chính là nền tảng vững chắc để cô bắt đầu lại cuộc sống chậm rãi.
Năm 2021, cô mua được một căn hộ 188m2 ở quận Triều Dương, Bắc Kinh. Cô đặc biệt ưng ý căn hộ nằm ở tầng một và có sân vườn lộ thiên, mang lại cảm giác thư thái "như một ngôi nhà nghỉ dưỡng trong thành phố". Ivy nói: "Tôi khá khắt khe về tầm nhìn từ cửa sổ, tôi hy vọng có thể tận hưởng thiên nhiên ngay cả khi ở nhà".
Ngay từ đầu cải tạo, Ivy và nhà thiết kế đã đặt tên cho ngôi nhà là "Quan Viên", với ý nghĩa "sống trong giấc mơ ban ngày, ngắm nhìn bốn mùa". Ivy là một độc giả trung thành của "Hồng Lâu Mộng", nơi ở của các nhân vật chính trong sách được gọi là "Đại Quan Viên", bên trong có đình đài lầu các, mỗi bước chân đều là một cảnh đẹp. Bên ngoài cửa sổ, khu vườn 30m2 vừa có chút lộn xộn vừa có trật tự. Đôi khi nghe tiếng mưa rơi tí tách, Ivy chợt cảm thấy bồi hồi: "Hóa ra mình đang ở giữa lòng thành phố".
Trong vườn có cây mộc tú cầu Trung Quốc, cây lựu, cây nam thiên trúc, hoa hồng, hơn 20 loại hoa cúc,..., tổng cộng có lẽ hơn trăm loại, trong đó cây lâu đời nhất là cây táo. Ivy vốn là "kẻ giết cây", giờ đã trở thành chuyên gia. Cô thích phong cảnh vườn miền Nam nên đã trồng rất nhiều cây miền Nam.
Cô trồng cây vào mùa xuân, trước khi mùa đông đến, cô sẽ chuyển cây trồng trong chậu từ miền Nam vào trong nhà, đợi đến khi thời tiết ấm lại thì chuyển ra ngoài trời. Còn một số cây trồng dưới đất, vào cuối mùa thu, cô đào củ của chúng lên, bọc lại cẩn thận rồi cất trong tủ ở ban công phía bắc để ngủ đông, đến mùa xuân lại trồng lại. Nhờ vậy, cây miền Nam cũng có thể sống sót qua mùa đông ở Bắc Kinh.
Không chỉ khoảng vườn xanh là nơi chữa lành, tất cả những gam màu trong nhà cũng là nơi Ivy dành nhiều tâm huyết. Ở đó, cô bày biện những món đồ nội thất xinh xắn, những món quà nghệ thuật từ khắp mọi nơi cô sưu tầm được.
Tủ quần áo ở lối vào được sơn màu xanh bạc hà nhạt, chính giữa được đính một chiếc đĩa sứ "Bách Tử Đồ" do nghệ sĩ ở Cảnh Đức trấn chế tác, vẽ cảnh trẻ em vui đùa, hoa sen cá bơi, mang ý nghĩa cầu chúc tốt lành. Phòng khách với gam màu xanh bạc hà nhạt tạo nên không khí mùa xuân tươi mới. Giấy dán tường trên tường là loại giấy dán tường lụa Salon Vert của thương hiệu De Gournay (Anh), được vẽ tay hoàn toàn. Nó thể hiện phong cảnh vườn Trung Quốc, vẽ lan can bằng đá cẩm thạch trắng, chim chóc và cây cảnh. Màu xanh bên ngoài cửa sổ len lỏi vào trong, làm mờ ranh giới giữa trong nhà và ngoài trời.
Phòng ăn màu hồng vừa là nơi thưởng thức món ăn, vừa là nơi trưng bày tranh và đồ sứ. Toàn bộ không gian sử dụng gam màu hồng chủ đạo và một chút màu xanh lam, Ivy cho biết: "Màu sắc của phòng ăn rất bất ngờ, hiếm có nhà thiết kế nào làm như vậy, nếu xử lý không tốt thì màu hồng trên diện rộng rất dễ bị kém sang trọng".
Phối màu của phòng tắm là sự kết hợp giữa màu trắng và xanh Klein, lấy cảm hứng từ trải nghiệm tắm suối nước nóng ở Hokkaido (Nhật Bản) của nhà thiết kế: Vừa ngâm mình thư thái trong làn nước nóng, vừa ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, là sự tận hưởng kép về thể chất và thị giác.
Phòng thay đồ sử dụng gam màu đỏ Trung Quốc và xanh ngọc bích đậm, nhà thiết kế hy vọng màu sắc rực rỡ sẽ khiến người ta phấn chấn, tạo cảm giác muốn phối đồ. Hình hoa hải đường và mây tre đan trên bề mặt tủ quần áo giống như một vọng lâu mùa hè. Hành lang nhỏ hình thù kỳ lạ kết hợp các yếu tố của nhiều không gian khác nhau, trần nhà bằng khảm lập thể và tường hình vòng cung tạo nên sức hút kịch tính.
Các đường nét mô phỏng hiệu ứng tỏa sáng, phần trên sử dụng màu đen trắng tương phản, phần dưới sử dụng màu xanh bạc hà và xanh lá mạ. Ivy chia sẻ: "Toàn bộ chủ đề xoay quanh giấc mơ, nơi đây trở thành nơi phi thực tế nhất trong nhà, giống như một rạp xiếc ảo mộng".
Trong nhà Ivy, tràn ngập những món đồ được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới, một số được mua trong các chuyến du lịch, một số đến từ các phiên đấu giá. Cô không bao giờ cân nhắc xem món đồ có dễ phối hợp hay không, chỉ cần thích là mua, "vì không muốn bỏ lỡ những tâm hồn độc đáo". Cô cũng thích trưng bày những thứ đẹp đẽ thay vì cất chúng trong tủ, "chỉ cần nhìn thoáng qua cũng thấy dễ chịu".
Bức bình phong đen khảm trăm bảo thời nhà Thanh trong phòng khách được đính nhiều loại đá quý tự nhiên, là nguồn gốc phối màu cho toàn bộ đồ nội thất trong nhà. Bàn trà cổ của Pháp những năm 70 được một người bạn ở Paris mua từ Grenoble mang về, là quà cưới của cha mẹ người bán, mang đậm dấu ấn thời gian. Trên tường phòng ăn treo đồ sứ thời nhà Thanh tam đại và các tác phẩm hội họa mà Ivy yêu thích, "bức tranh thủy mặc màu xanh "Cơn bão tĩnh lặng" của nghệ sĩ Peng Bo, vẽ hai người đứng trước đài khí tượng quan sát thời tiết, được xử lý giống như gốm sứ xanh lam tuyệt đẹp".
Ivy luôn thích tìm hiểu những câu chuyện và văn hóa đằng sau các món đồ, trên mạng xã hội của cô, có thể thấy những bài viết chi tiết về cây cảnh mai bằng đồng tráng men hồng, thảm thủ công Tây Tạng, tranh khảm trăm bảo,... Cô nói: "Trước hết tôi là một người làm nội dung, bất cứ khi nào liên quan đến văn hóa, tôi sẽ kiểm tra và sàng lọc trước, cũng thường xuyên tìm đọc các tạp chí hoặc sách chuyên ngành, hoặc tham khảo ý kiến của các nghệ nhân hoặc người nắm giữ di sản phi vật thể trong lĩnh vực đó". Bên trong, ngôi nhà này rất trang nhã; bên ngoài cửa sổ, phong cảnh xanh tươi. Đó là "Quan Viên" của Ivy.