Nhiều người trẻ đang âm thầm trở thành NEET

Chi Chi, Theo Thanh Niên Việt 00:05 18/07/2025
Chia sẻ

Việc nhiều người trẻ sau khi tốt nghiệp không tìm được công việc “phù hợp” tại Trung Quốc đã gây ra nhiều vấn đề đáng cảnh báo.

Tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc đang tác động mạnh mẽ đến thị trường việc làm, khiến giới trẻ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng của hiện tượng “NEET” - viết tắt của cụm từ “Not in Education, Employment or Training” (không học tập, không làm việc và không tham gia đào tạo). NEET được dùng để chỉ những người trẻ tuổi không tham gia vào thị trường lao động, một vấn đề đang được quan tâm tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.

Nhiều người trẻ đang âm thầm trở thành NEET- Ảnh 1.

NEET là thuật ngữ chỉ những người ở độ tuổi lao động nhưng không đi học cũng không đi làm

Theo bài viết trên trang Caixin ngày 16, nghiên cứu của chuyên gia Tô Lệ Phong (Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Kinh tế Mở, Đại học Ngoại thương Trung Quốc) đã chỉ ra rằng quy mô NEET tại Trung Quốc đang ngày càng mở rộng, từ một hiện tượng lẻ tẻ trở thành vấn đề phổ biến. Bà Tô Lệ Phong đã trình bày nghiên cứu này tại Hội nghị phân tích tình hình việc làm quý 2 năm 2025 của Hiệp hội Kinh tế Lao động.

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm người trẻ từ 16 đến 34 tuổi đã giảm từ 93,3% xuống còn 86,1% trong giai đoạn 2018 - 2022. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng người thuộc nhóm NEET đang tăng lên đáng kể. Hiện tượng NEET tại Trung Quốc đã chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn và từ lẻ tẻ sang phổ biến.

Chuyên gia cảnh báo rằng sự gia tăng của NEET có thể dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn nhân lực trẻ khổng lồ. Nếu không được kiểm soát hiệu quả, nó sẽ gây ra những tác động tiêu cực lâu dài đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Nhóm người này không nằm trong thống kê thất nghiệp và có thể được coi là nhóm thất nghiệp “ẩn”.

Nhiều người trẻ đang âm thầm trở thành NEET- Ảnh 2.

Xu hướng NEET khó kiểm soát vì không được thống kê đầy đủ

Giáo sư Âu Dương Tuấn (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý, Đại học Tài chính - Kinh tế Tây Nam) cũng tham gia hội nghị phân tích này. Ông cho rằng vấn đề việc làm hiện nay ở Trung Quốc không phải là do thiếu nhu cầu lao động mà là do thiếu nguồn cung việc làm chất lượng cao đáp ứng mong đợi của sinh viên tốt nghiệp đại học. Giải pháp then chốt là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng việc làm, từ đó thúc đẩy việc làm đầy đủ.

Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng NEET, theo bà Tô Lệ Phong, là do nhiều người trẻ sau khi tốt nghiệp không tìm được công việc “phù hợp” trong thời gian dài. Họ trở nên bi quan về thu nhập và phát triển sự nghiệp, từ đó rời bỏ thị trường lao động.

"Điều này buộc chúng ta phải xem xét lại vai trò của việc mở rộng quy mô đào tạo đại học trong việc giảm bớt áp lực việc làm cho thanh niên", bà Tô Lệ Phong nhận định. Mặc dù việc mở rộng tuyển sinh đại học có thể giảm bớt áp lực việc làm cho thanh niên trong độ tuổi 16-24, nhưng sau khi tốt nghiệp, họ vẫn phải bước vào thị trường lao động. Áp lực việc làm bị trì hoãn này có thể khiến một bộ phận thanh niên gặp khó khăn trong việc tìm việc sau này, dẫn đến sự gia tăng số lượng NEET “độ tuổi cao”.

Nguồn: ETtoday

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày