Nhiều bệnh nhân nặng, tử vong do sốt xuất huyết

Linh Chi, Theo VTV 08:41 01/09/2022

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng nhập viện có sự gia tăng.

Nhiều bệnh nhân nặng, tử vong do sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Thông thường mọi năm, đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào khoảng tháng 9 và tháng 10, số bệnh nhân nặng sẽ thường ở cuối dịch, tầm tháng 11. Tuy nhiên năm nay, chỉ mới cuối tháng 8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ 38 tuổi vào viện ở ngày thứ 4 của bệnh trong tình trạng rất nặng. Các bác sĩ trước đó đã tiến hành lọc máu và cho bệnh nhân thở máy. Sau 2 ngày lọc máu, bệnh nhân đã cơ bản qua được giai đoạn nguy hiểm, các bác sĩ đang giảm bớt sự hỗ trợ máy móc cho người bệnh.

Một trường hợp khác là một bệnh nhân nam vào viện ở ngày thứ 6 với lượng tiểu cầu rất thấp, trong tình trạng tràn dịch màng phổi, ổ bụng, và khó thở. Sau 2 ngày điều trị tích cực, đến thời hiện tại, tiểu cầu bệnh nhân đã cải thiện, nhưng các bác sĩ vẫn cần phải theo dõi sát sao.

Trong tuần vừa qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 10 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, trong đó có 4 ca đã tử vong.

Nhiều bệnh nhân nặng, tử vong do sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Cùng với số bệnh nhân nặng nhập viện, tuần qua bệnh viện ghi nhận 4 ca tử vong do sốt xuất huyết.

Theo TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa cấp cứu, đa số bệnh nhân đều vào viện ở ngày thứ 4 - 5 của bệnh, trong tình trạng rất nặng, suy gan, suy thận. Một số bệnh nhân chảy máu rất nhiều, ngoài việc bệnh nhân nôn ra máu thì có thể xuất huyết trong cơ do va đập, hoặc xuất huyết tiêu hóa khiến mất máu rất nhiều. 4 trường hợp tử vong tại bệnh viện do diễn biến quá trầm trọng, các biện pháp can thiệp không hiệu quả nữa.

Sốt xuất huyết là bệnh cấp tính, vì thế các diễn biến nặng nếu xảy ra thường rất nhanh chóng. Theo các bác sĩ, số ca nặng và tử vong trong năm nay có thể coi là diễn biến bất thường bởi nó cao hẳn so với những năm trước đây và xuất hiện sớm hơn.

Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: "Thứ nhất là năm nay, có thể đặc tính của virus hoặc diễn biến trên quần thể bệnh nhân có thay đổi, đặc biệt là sau một giai đoạn dài chống COVID-19, số người bị nhiễm COVID-19 rất nhiều, miễn dịch của người dân thay đổi, điều đấy cũng làm ảnh hưởng đến diễn biến trên bệnh nhân. Thứ 2 là ngành y tế đang gặp khó khăn, nhiều nơi đang thiếu thuốc hoặc nhân viên phòng chống dịch, điều đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh nhân. Cuối cùng là đáp ứng điều trị, mấy năm vừa rồi mọi người tập trung vào COVID-19, nên có vẻ như nhiều nơi một số bác sĩ quên đi một số kiến thức về sốt xuất huyết".

Bác sĩ Cấp lưu ý: Việc điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết là quá trình cấp cứu phải liên tục, phải được xử lý theo dõi sát, 20-30 phút, thậm chí 5-10 phút/ 1 lần. Có một số nơi không chú ý điều đó, khi xử lý bệnh nhân ổn rồi sau đó chuyển lên tuyến trên, trên quãng đường vận chuyển mà không đảm bảo được theo dõi và tiếp tục điều trị sâu sát thì bệnh nhân có thể tái sốc trở lại hoặc có biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo các bác sĩ, trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với 3 dịch bệnh cùng lúc là cúm A, sốt xuất huyết và COVID-19, nên khi sốt, người bệnh thường không nghĩ đến sốt xuất huyết ngay mà phải đến lúc có diễn biến khá nặng như chảy máu, choáng, sốc thì mới vào viện.

Các bác sĩ khuyến cáo: Khi có bất kì triệu chứng sốt hay đau mỏi người, người dân nên đến cơ sở y tế khám, xét nghiệm để xác định căn nguyên bệnh, từ đó có theo dõi và điều trị phù hợp.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày