18 người chết, sốt xuất huyết tăng hơn 452%

Vân Sơn, Theo Tiền Phong 21:41 31/08/2022

Mặc dù ngành y tế đã nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống nhưng dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP.HCM đã có 18 người chết và hơn 46.000 người mắc SXH, nhiều ca diễn biến nặng.

TPO - Mặc dù ngành y tế đã nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống nhưng dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn TPHCM đã có 18 người chết và hơn 46.000 người mắc SXH, nhiều ca diễn biến nặng.

Mặc dù SXH đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang diễn biến rất phức tạp, ngày 31/8 PGS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tuần cuối của tháng 8, số ca mắc SXH tại thành phố vẫn ở mức cao. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 ca nhập viện điều trị, ngoài ra còn nhiều bệnh nhân trở nặng được từ các tỉnh đến TPHCM.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố đã ghi nhận 46.044 trường hợp mắc SXH. Số bệnh nhân đã tăng 452,3% so với cùng kỳ năm trước (năm 2021 là 8.337 trường hợp). Trong số bệnh nhân nhập viện có 18 trường hợp nặng không qua được nguy kịch.

18 người chết, sốt xuất huyết tăng hơn 452% - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc SXH điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Mặc dù số ca bệnh tuần qua có xu hướng giảm so với những tuần trước, tuy nhiên số ca bệnh nặng nhập viện vẫn ở mức cao. Ngành y tế TPHCM nhận định dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và gia tăng tình trạng dịch chồng dịch khi COVID-19 đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phun hóa chất, xử lý ổ dịch trong cộng đồng. Bên cạnh đó, thành phố đã tăng cường kiểm tra các điểm nguy cơ và ra quyết định xử phạt hành chính đối với 448 đơn vị, tổ chức, hộ gia đình để phát sinh lăng quăng, phát sinh muỗi truyền bệnh SXH.

Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, ngành y tế kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình. Để phòng bệnh SXH các cá nhân, gia đình và cơ quan, xí nghiệp nên dành ít nhất 10 phút mỗi tuần để tổng vệ sinh môi trường sống, dọn dẹp các vật chứa nước, vật dụng phế thải có thể chứa nước nhưng không sử dụng đến để triệt tiêu môi trường sinh sản của muỗi truyền bệnh; ngủ mùng thường xuyên, sử dụng hóa chất diệt muỗi, thực hiện các biện pháp khác để phòng tránh muỗi đốt. Khi có biểu hiện mắc SXH cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày