Ung thư miệng hay ung thư khoang miệng là một loại ung thư phát triển trong các mô của miệng hoặc cổ họng. Nó có thể xảy ra ở lưỡi, amidan, nướu và các bộ phận khác của miệng. Điều đáng sợ ở bệnh này là ở giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng, đặc biệt là rất dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng loét miệng, nhiệt miệng…
Nhiệt miệng bất thường là 1 trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư miệng dễ bị bỏ qua nhất (Ảnh minh họa)
Một nữ tiếp viên 27 tuổi tại Anh cũng đã gặp phải tình trạng tương tự. Chỉ vì xem nhẹ những vết nhiệt miệng lặp đi lặp lại mãi không khỏi mà cô đã phải cắt bỏ 1 nửa lưỡi do ung thư miệng. Cô gái này tên là Charlotte Webster-Salter, cô sống lành mạnh và không hút thuốc, ít dùng bia rượu, tập thể dục gần như mỗi ngày.
Bắt đầu từ năm 2018, các vết nhiệt miệng xuất hiện với tần số thưa thớt nhưng vì Charlotte quá bận rộn nên chẳng hề quan tâm. Đến khi nó bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn, cô cũng chỉ đơn giản cho rằng nguyên nhân đến từ đặc thù công việc khiến cô thức đêm, cộng thêm căng thẳng tinh thần. Tuy nhiên, khi các vết loét lâu khỏi hơn, lặp lại ở cùng một vị trí cô đã quyết định đến gặp Nha sĩ.
Sau khi kiểm tra, Nha sĩ cho rằng vết loét ở miệng là do Charlotte nghiến răng khi ngủ cắn phải. Một phần khác là vì răng của cô cũng bị sai khớp cắn, khấp khểnh nên việc vệ sinh không được triệt để, dẫn tới vi khuẩn tấn công. Biện pháp khắc phục là đeo niềng để chỉnh nha kết hợp với khắc phục chứng nghiến răng khi ngủ.
Chiếc lưỡi đặc biệt được ghép một nửa từ cơ đùi của nữ tiếp viên hàng không 27 tuổi sau điều trị ung thư miệng
Charlotte làm theo đúng những gì vị Nha sĩ hướng dẫn nhưng những vết nhiệt miệng vẫn không "buông tha" cho cô. Cho đến tận gần đây, cô vẫn liên tục bị nhiệt miệng tấn công, ngoài việc ngày càng tăng lên về số lượng thì kích thước cũng lớn dần lên.
Đặc biệt là những vết nhiệt ở vị trí cũ dù có dùng thuốc như thế nào cũng không trị dứt điểm được. Chúng mất tới cả tháng mới khỏi nhưng chỉ vài ngày sau lại mọc lên y như cũ. Lần này, Charlotte đến Bệnh viện St. Richards (ở Chichester, Anh) để khám và bất ngờ nhận được kết quả chẩn đoán mắc bệnh ung thư miệng.
May mắn là dù phát hiện muộn nhưng khối u của Charlotte chưa di căn. Tuy nhiên, cô gái trẻ đã phải thực hiện cắt bỏ một nửa chiếc lưỡi của mình để điều trị căn bệnh quái ác.
Charlotte hy vọng ca bệnh của mình là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người chú ý hơn đến những bất thường vùng miệng
Các bác sĩ đã sử dụng cơ đùi để tái tạo một nửa lưỡi của Charlotte. Ca phẫu thuật kéo dài 10 tiếng đồng hồ khá thành công nhưng cổ họng của Charlotte cũng bị sưng tấy nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hô hấp. Sau đó cô cũng mất nhiều thời gian để hồi phục, thích nghi cũng như học phát âm, ăn uống với chiếc lưỡi đặc biệt.
Cô rất hối hận vì đã xem nhẹ những vết nhiệt miệng bất thường và mong rằng ca bệnh của mình là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Bác sĩ điều trị của Charlotte cũng nhắc nhở rằng, giống như Charlotte, hầu hết chúng ta đều rất chủ quan trước những bất thường ở vùng miệng, cổ họng.
Ông cho biết, bệnh này có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Nhưng trên thực tế, vì dễ nhầm lẫn nên bệnh nhân đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khối u phá hủy nhiều cấu trúc lân cận nên tiên lượng sống giảm đi rất nhiều. Vì vậy, chúng ta cần ghi nhớ 9 triệu chứng sớm của ung thư miệng sau đây:
- Cảm giác vướng, khó chịu trong miệng hoặc cổ họng thường xuyên
- Tăng tiết nước bọt, đôi khi có máu
- Nói khó hoặc thay đổi về giọng nói bất thường
- Nuốt đau
- Nhiệt miệng lặp lại nhiều lần ở cùng 1 vị trí hoặc kéo dài quá 2 tuần không khỏi
- Đau lan lên tai, nhất là khi nói hoặc nuốt
- Khạc ra đờm nhầy, có lẫn máu, thường có mùi hôi thối
- Sưng hoặc nổi hạch ở cổ
- Xuất hiện cục u ở lưỡi, niêm mạc miệng hoặc trong má
Đồng thời, cũng cần chú ý đến 6 nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư miệng bao gồm:
Uống rượu bia và hút thuốc thường xuyên là nhóm nguyên nhân hàng đầu gây ung thư miệng (Ảnh minh họa)
- Người hút thuốc, uống rượu bia, nhai trầu thường xuyên.
- Hay bị kích thích hóa học từ thức ăn như: ăn quá cay, ăn quá mặn, thích đồ muối chua, ăn uống thức ăn ở nhiệt độ quá cao…
- Hay bị kích thích cơ học thường xuyên do răng có bờ sắc cạnh, răng giả chất lượng kém… hoặc mắc bệnh lý răng miệng liên quan đến nhiễm trùng.
- Người mắc bệnh liên quan đến virus như nhiễm viêm gan, HPV, HIV…
- Người trên 45 tuổi.
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư miệng.
Ngoài ra, những người vệ sinh răng miệng kém, đang mắc các bệnh lý về răng miệng cũng dễ bị ung thư miệng tấn công hơn. Hãy chú trọng hơn đến chăm sóc răng miệng, khám nha khoa định kỳ để phòng tránh và phát hiện, điều trị bệnh kịp thời nhé!
Nguồn và ảnh: Skypost, Metro UK, Insider