Nhật Bản xuất hiện các cụm lây nhiễm mới tại các bệnh viện

Việt Dũng, Theo VOV 09:30 29/05/2020
Chia sẻ

Nhật Bản có thêm 9 trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2, gây ra lo ngại về một cụm dịch mới.

Ngày 28/5, Bệnh viện trung tâm Musashino thuộc thành phố Koganei, phía tây Tokyo (Nhật Bản) xác định 9 trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2, gây ra lo ngại về một cụm dịch mới.

Cùng ngày, toàn Tokyo ghi nhận thêm 15 ca nhiễm bệnh, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới ở mức 2 con số. Đáng chú ý, có tới 8 ca lây nhiễm chưa xác định được nguồn gốc lây bệnh.

Nhật Bản xuất hiện các cụm lây nhiễm mới tại các bệnh viện - Ảnh 1.

Bệnh viện trung tâm Mushashino ngày 21/5 phát hiện trường hợp nhiễm virus đầu tiên là một nhân viên trong bệnh viện (ảnh: NHK)

Tại thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka phía nam Nhật Bản trong ngày cũng báo cáo có 21 trường hợp nhiễm mới. Chỉ trong vòng 6 ngày gần đây, tổng số người nhiễm bệnh tại thành phố này đã tăng mạnh lên tới 43 trường hợp.

Trong khi, từ cuối tháng 4 cho tới ngày 22/5, Kitakyushu không có trường hợp nhiễm mới nào. Nhà chức trách cho biết, gần một nửa trong số ca nhiễm gần đây không xác định được nguồn lây bệnh. Các trường hợp còn lại chủ yếu liên quan tới 2 cụm lây nhiễm cũng chính là 2 bệnh viện trong thành phố này.

Phát biểu với các phóng viên, ông Kenji Kitahashi, thị trưởng thành phố Kitakyushu bày tỏ lo lắng: “Chúng ta đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Nếu tình hình này tiếp tục tiếp diễn (số ca lây nhiễm tăng) thì chắc chắn Kitakyushu sẽ bị tấn công bởi đợt lây nhiễm thứ 2”.

Đề phòng dịch lây lan, 43 cơ sở công cộng trong thành phố đã bị đóng cửa trở lại. Các bệnh viện phát sinh dịch thông báo ngừng khám cho các bệnh nhân ngoại trú và không tiếp nhận thêm bệnh nhân nội trú. Chính quyền Fukuoka kêu gọi người dân thành phố tự kiềm chế, tránh việc ra ngoài đường nếu không thật cấp bách, cần thiết.

Đánh giá về tình hình dịch tại Kitakyushu, giáo sư Mitsuo Kaku thuộc đại học Y dược Tohoku cho rằng, dịch có thể âm thầm lây lan vì nhiều trường hợp không xác định được nguồn gốc lây bệnh và cần triển khai ngay những biện pháp phòng chống dịch.

Đối với tình hình tại Tokyo, ông này cho rằng, chưa hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch tại đây, trong khi đó do dân số qua đông nên nguy cơ virus lây lan rất cao. Vì vậy, Tokyo cần tiếp tục thực hiện các chính sách phòng dịch, đồng thời thúc đẩy nối lại các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bày tỏ quan điểm về làn sóng lây nhiễm mới, ông Kamon Iizumi, Thống đốc tỉnh Tokushima, đồng thời là Chủ tịch hiệp hội thống đốc Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2, thứ 3. Chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cùng lúc với đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, xã hội. Cần phải cân bằng cả 2 vấn đề này”.

Cho tới nay, tổng số người nhiễm bệnh ở Nhật Bản là 17.408 trường hợp. Trong đó, 882 trường hợp đã tử vong. Từ ngày 25/5, Chính phủ Nhật Bản đã bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, chủ trương tiến hành nới lỏng các biện pháp phòng dịch theo từng giai đoạn nhằm dần nối lại các hoạt động kinh tế, xã hội./.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày