Nhật Bản - Nguồn cảm hứng vô tận với kinh đô điện ảnh Hollywood

Nguyên Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 23/03/2018

Cùng điểm qua danh sách 10 thương hiệu điện ảnh Hollywood dưới đây mà bạn có thể không biết rằng chúng được truyền cảm hứng từ văn hoá đại chúng Nhật Bản.

Xứ sở hoa anh đào Nhật Bản từ lâu đã được biết tới như cái nôi của dòng truyện tranh manga, hoạt hình anime và nền văn hóa võ sĩ đạo đặc sắc. Nó đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ nhà làm phim Hollywood tạo nên nhiều tuyệt phẩm điện ảnh để đời.

1. The Magnificent Seven (1960)

Thập niên 50, 60 được xem như thời kì hoàng kim của ngành công nghiệp phim Nhật Bản với sự trỗi dậy đầy ngoạn mục từ cuộc đại khủng hoảng sau chiến tranh thế giới thứ 2. Một trong những tên tuổi tiên phong có công lớn đưa nền điện ảnh xứ Phù Tang vươn ra thị trường quốc tế là vị đạo diễn huyền thoại Akira Kurosama. Tại Liên Hoan Phim Venice 1951, ông được trao giải Sư Tử Bạc cho đứa con tinh thần Seven Samurai (Bảy Samurai). Tuyệt phẩm ấy đã truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ hậu bối, đặc biệt là đạo diễn John Sturges khi ông quyết định làm lại nó dưới phiên bản cao bồi miền viễn tây The Magnificent Seven (Bảy Tay Súng Cự Phách).

Nhật Bản - Nguồn cảm hứng vô tận với kinh đô điện ảnh Hollywood - Ảnh 1.

Lấy nội dung xoay quanh một ngôi làng Mexio liên tục bị quấy nhiễu bởi băng cướp do Calvera lãnh đạo, tức nước vỡ bờ, cư dân nơi đây bèn cầu xin chàng cao bồi nghĩa hiệp Chris Larabee Adams cứu giúp. Không nỡ bỏ mặc người vô tội trong cảnh khốn khó, anh nhận lời rồi lên đường chiêu mộ 6 tay súng khác tham gia hỗ trợ mình. Lúc quay trở lại để thu hoạch chiến lợi phẩm, Calvera và đồng bọn phát hiện ra phi vụ này chẳng còn dễ xơi như xưa nữa.

Vào thời điểm công chiếu, cái bóng quá lớn của Seven Samurai khiến The Magnificant Seven bị giới phê bình lẫn khán giả Bắc Mỹ chê bai, ghẻ lạnh. Nhưng nhiều năm sau, mọi người bắt đầu đánh giá bộ phim dưới góc độ tích cực, khách quan hơn. Cuối cùng, The Magnificent Seven được thừa nhận là tác phẩm có sức ảnh hướng sâu rộng đến nền văn hóa đại chúng Hoa Kỳ; từ điện ảnh, truyền hình cho tới văn học, truyện tranh...

2. Star Wars Series (1977 - 2017)

Xuất hiện năm 1977, Star Wars: Episode IV - A New Hope, phần mở đầu tượng đài khoa học viễn tưởng Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao do đạo diễn kiêm biên kịch Geore Lucas cầm trịch nhanh chóng gây chấn động phòng vé toàn cầu với doanh thu hơn 775 triệu USD. Bản thân Geore Lucas cũng rất hâm mộ ngài Akira Kurosama. Vì vậy, ông đã dựa trên bộ phim kinh điển The Hidden Fortress (1958) (Pháo Đài Ẩn) của vị đạo diễn này cùng tinh thần võ sĩ đạo để xây dựng nên cốt truyện A New Hope và hình tượng giáo phái Jedi.

Nhật Bản - Nguồn cảm hứng vô tận với kinh đô điện ảnh Hollywood - Ảnh 2.

Cụ thể, cái tên Jedi bắt nguồn từ thuật ngữ "Jidaigeki", một thể loại phim cổ trang Nhật thường lấy bối cảnh câu chuyện trước thời kì Edo (1600AD - 1867AD). Jidaigeki tập trung vào những cuộc đấu tranh của nhóm samurai hoặc nhẫn giả nhằm chống lại ách cai trị tàn bạo từ bọn lãnh chúa phong kiến. Khán giả dễ dàng nhận thấy hầu hết thành viên thuộc lực lượng kiếm sĩ Jedi đều sở hữu đức tính cao quý, kỷ luật nghiêm khắc chẳng kém gì tầng lớp võ sĩ đạo.

Hơn nữa, lightsaber (gươm ánh sáng), vũ khí chủ đạo được Jedi sử dụng mỗi khi lâm trận có thiết kế giống với lưỡi kiếm katana sắc lẹm trứ danh. Mấy màn so gươm căng thẳng trong Star Wars cũng mang dáng dấp các trận tử chiến giữa những samurai. Thậm chí, trang phục khét tiếng mà siêu ác nhân Darth Vader khoác lên người mình chính là phiên bản cách điệu bộ giáp trụ chiến đấu ở Nhật Bản ngày xưa.

3. Dark City (1998)

Do phát hành trước trilogy Ma Trận (The Matrix) một thời gian, nhiều người lầm tưởng hình ảnh tương lai tăm tối trong Dark City (Thành Phố Đen - 1998) đã truyền cảm hứng cho chị em nhà Wachowski để sáng tạo nên thế giới ảo vô cùng độc đáo, thú vị. Bất ngờ thay, thực ra The Matrix chịu ảnh hưởng từ Ghost In The Shell (Vỏ Bọc Ma), còn Dark City thì đi vay mượn ý tưởng của Akira, anime và manga đình đám đậm tính biểu tượng.

Nhật Bản - Nguồn cảm hứng vô tận với kinh đô điện ảnh Hollywood - Ảnh 3.

Mặc dù tổng thể Dark City không liên quan quá nhiều tới tuyệt phẩm Akira, nhưng các fan anime tinh ý đã "tố cáo" đoạn cuối bộ phim miêu tả cảnh hàng loạt tòa nhà, cao ốc được khôi phục lại trạng thái ban đầu tương tự cách mà Akira từng khắc họa. Alex Proyas, đạo diễn Dark City ngay lập tức đáp trả rằng: "Cái kết này như lời tri ân, thể hiện lòng kính trọng và biết ơn dành tặng tác giả Otomo Katsuhiro, cha đẻ của Akira".

Dark City lôi cuốn khán giả bằng khúc dạo đầu kịch tính: John Murdoch choàng tỉnh dậy lúc nửa đêm và phát hiện mình đang khỏa thân bên trong bồn tắm một khách sạn nọ. Anh ngạc nhiên rời khỏi phòng rồi bàng hoàng khi nhìn thấy xác chết không mảnh vải che thân của một người phụ nữ lạ mặt nằm ngay giữa lối đi. Chưa kịp hoàn hồn, Murdoch nhận được cuộc gọi từ tiến sĩ Daniel P. Schreber. Ông thông báo cho Murdoch biết là anh đã bị tẩy não, hãy mau chóng chạy trốn và đừng để nhóm "kẻ lạ mặt" đuổi kịp.

4. Bộ ba phim Ma Trận - Matrix Trilogy (1999 – 2003)

Như có nhắc đến phía trên, chị em Wachowski thẳng thắn tuyên bố chính anime khoa học viễn tưởng Ghost In The Shell (1995) giúp họ nảy sinh ý tưởng về bộ ba Matrix. Phần đầu tiên công chiếu năm 1999 đã khiến nền điện ảnh Hollywood ngỡ ngàng bởi nội dung, kỹ xảo cực kì đột phá. Matrix vinh dự đón nhận 38 giải thưởng cùng 48 đề cử quốc tế, đặc biệt là 4 tượng vàng Oscar danh giá. Cả hai tác phẩm đều nêu bật những trăn trở đau đáu về tương lai không xa, thời điểm mà con người đạt tới giới hạn chưa từng thấy nhờ sự hỗ trợ của máy móc lẫn trí thông minh nhân tạo.

Nhật Bản - Nguồn cảm hứng vô tận với kinh đô điện ảnh Hollywood - Ảnh 4.

Ghost In The Shell lấy bối cảnh nước Nhật thế kỉ 21 khi nhân loại dễ dàng thay thế các bộ phận cơ thể bằng chi giả titanium và có khả năng truy cập thẳng vào mạng lưới kỹ thuật số qua não bộ. Theo chân Thiếu tá Motoko Kusanagi, nữ cảnh sát trực thuộc Khu 9 (Section 9), phim xoay quanh chuyến hành trình định mệnh tìm kiếm kí ức, bản ngã của cô khi điều tra tên tội phạm công nghệ cao mang biệt danh Puppet Master.

Còn với bom tấn đình đám năm 1999, The Matrix là không gian thực tế ảo tinh vi được lập trình sẵn bởi lũ máy móc thông minh nhằm đánh lừa con người. Ở đó, những nạn nhân xấu số lầm tưởng bản thân vẫn đang sống trong thế giới bình thường mà không ngờ rằng họ đang cung cấp thân nhiệt, điện sinh học từ cơ thể mình để nuôi sống cỗ máy khổng lồ này. Chàng hacker trẻ tuổi Neo đã khám phá ra sự thật khủng khiếp ấy và quyết tâm triệt hạ The Matrix bằng mọi giá.

5. Kill Bill Vol.1 (2003)

Lão quái kiệt Quentin Tarantino luôn biết cách làm giới chuyên môn lẫn khán giả đại chúng trầm trồ trước mỗi đứa con tinh thần mà mình sáng tạo nên. Kill Bill Vol. 1 là một trong những tác phẩm để đời mang đậm dấu ấn "bựa nhân" từ tay đạo diễn huyền thoại ấy. Phim là sự phối trộn hài hòa giữa nhiều chất liệu: kiếm hiệp Hongkong, cao bồi Ý hoang dại cho tới thể loại samurai chặt chém Chanbara bạo lực...

Nhật Bản - Nguồn cảm hứng vô tận với kinh đô điện ảnh Hollywood - Ảnh 5.

Phân cảnh trắng đen tái hiện cô dâu "The Bride" thảm thiết van xin tha mạng và bị bắn giết tàn nhẫn song hành cùng nền nhạc bất hủ My Baby Shot Me Down đã mãi in sâu vào tâm trí fan hâm mộ điện ảnh. Tỉnh dậy sau cơn hôn mê kéo dài tận 4 năm, Cô Dâu phát hiện mình may mắn thoát chết, nhưng đứa con mà cô đang bụng mang dạ chửa khi đó đã thiệt mạng sau vụ thảm sát. Quá sức căm phẫn, cô lên đường truy lùng tung tích 5 thành viên thuộc băng nhóm Deadly Viper Assassination Squad (Đội Sát thủ Rắn Độc) do Bill, tình nhân cũ của cô cầm đầu nhằm trả món nợ máu.

Kill Bill Vol.1 đưa nhân vật chính và người xem ghé thăm Shinjuku, khu trung tâm thương mại sầm uất nhất thủ đô Tokyo. Tại đây, nàng sát thủ từng rửa tay gác kiếm sẽ tái xuất giang hồ để gạch bỏ cái tên đầu tiên trên bảng danh sách tử thần: Oren Ishii. Trường đoạn The Bride một mình tiêu diệt đội cận vệ yakuza Crazy 88 tinh nhuệ trong nhà hàng Nhật là bữa đại tiệc hình ảnh thịnh soạn được rất nhiều bộ phim hành động hậu bối học hỏi.

6. The Last Samurai (2003)

Theo dòng lịch sử quay về quá khứ, cuộc Minh Trị Duy Tân (1868 – 1912) do Thiên Hoàng khởi xướng đã vô tình động chạm đến lòng tự trọng ở tầng lớp võ sĩ đạo, đe dọa các giá trị văn hóa lâu đời. Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên do nhà văn John Logan chấp bút, cũng như dựa trên chiến tranh Tây Nam giữa Đế Quốc Nhật Bản với lực lượng nổi dậy vùng Satsuma, The Last Samurai khắc họa quá trình biến đổi nội tâm của viên cựu binh nội chiến Hoa Kỳ Nathan Algren để trở thành võ sĩ đạo chân chính.

Nhật Bản - Nguồn cảm hứng vô tận với kinh đô điện ảnh Hollywood - Ảnh 6.

Được thuê làm cố vấn quân sự hỗ trợ Thiên Hoàng canh tân đất nước, đại úy Nathan Algren chịu trách nhiệm vụ huấn luyện nông dân học cách sử dụng thuần thục súng đạn, đại bác phương Tây hiện đại. Trong một lần đối đầu thất bại, anh bị phiến quân phe nổi dậy bắt sống. Tuy nhiên, tinh thần quật cường của Nathan khiến thủ lĩnh samurai Katsumoto Moritsu động lòng mến phục và tha mạng cho anh. Katsumoto từng bước giúp đỡ Nathan tiếp thu tinh thần kiếm đạo Bushido cao quý, thuyết phục anh cùng ông đứng về phe mình nhằm khuyên can Thiên Hoàng chớ vì chạy đua, cải cách Âu hóa mà vội vã xem thường truyền thống dân tộc thiêng liêng.

The Last Samurai được Viện Hàn lâm Nhật Bản bình chọn là tác phẩm ngoại ngữ hay nhất năm 2003 và nhận 4 đề cử giải Oscar cùng 3 đề cử Quả Cầu Vàng danh giá.

7. Loạt phim Transformers (2007-2017)

Lấy cảm hứng từ bộ đồ chơi robot xếp hình của công ty Hasbro nổi tiếng, thương hiệu Transformers (Robot Biến Hình) khởi đầu dưới dạng hoạt hình cartoon phục vụ đối tượng trẻ em. Đến năm 2007, "anh Bảy" Micheal Bay quyết định bắt tay thực hiện bản live action (phim người đóng), áp dụng kỹ xảo CGI tân tiến nhất thời bấy giờ.

Khai thác trận chiến truyền kì ròng rã mấy triệu năm trời giữa hai chủng tộc ngoài hành tinh Cybertron là Autobots do Optimus Prime lãnh đạo với Decepticons của ác nhân Megatron, Transformers 1 xoay quanh cuộc tranh giành khối lập phương All Spark, món vũ khí cổ xưa đem đến cho người nắm giữ quyền năng tối thượng.

Nhật Bản - Nguồn cảm hứng vô tận với kinh đô điện ảnh Hollywood - Ảnh 7.

Trải dài hơn một thập niên qua 5 tập phim điện ảnh, series Transformers từng làm cộng đồng người hâm mộ sôi sục khi được tận mắt chứng kiến những chú robot khổng lồ thời thơ ấu đánh nhau tưng bừng trên màn ảnh rộng. Đáng tiếc thay, kể từ sau trilogy cực kì thành công, Micheal đã quá tham lam bằng việc tung ra tiếp 2 phần hậu truyện với nội dung thuộc hàng thảm họa. Transformer dần đánh mất phong độ vốn có và bị giới phê bình ghẻ lạnh ra mặt.

8. Avatar (2009)

Cho tới nay, bom tấn 3D ăn khách nhất mọi thời đại Avatar của đạo diễn James Cameron từng dính khá nhiều lùm xùm về việc đạo nhái ý tưởng kịch bản. Một trong số đó là nghi vấn Avatar vay mượn cốt truyện từ tuyệt phẩm anime Princess Mononoke do hãng phim hoạt hình Ghibli huyền thoại sản xuất. Dù ra mắt sau Princess Mononoke tận 12 năm, Avatar cũng nhấn mạnh vấn nạn khai thác tài nguyên vô tội vạ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Nhật Bản - Nguồn cảm hứng vô tận với kinh đô điện ảnh Hollywood - Ảnh 8.

Người xem dễ dàng nhận thấy tham vọng sử dụng bạo lực vũ trang ở gã chỉ huy Colonel Miles Quaritch nhằm xâm lược hành tinh Pandora, chiếm đoạt quặng khoáng sản quý hiếm unobtanium chẳng khác gì âm mưu thôn tính khu rừng Tây Vực bằng hỏa khí của Eboshi để độc quyền làm chủ mỏ sắt trong Princess Mononoke. Cả hai nam chính đều bị cuốn vào trận chiến sinh tử giữa loài người với mẹ thiên nhiên hùng vĩ.

9. Godzilla (2014)

Được hãng Toho ở xứ sở mặt trời mọc giới thiệu đến khán giả vào năm 1954, Godzilla nhanh chóng trở thành biểu tượng kinh điển không chỉ của riêng đất nước Nhật Bản mà còn đối với nền văn hóa đại chúng toàn cầu. Đó là hình ảnh một con thằn lằn khổng lồ với sức mạnh có thể san bằng cả thành phố. Người Nhật Bản vừa kính sợ, vừa thích thú Godzilla đến nỗi không biết bao nhiêu phim hoạt hình, truyện tranh và phim điện ảnh đã đề cập đến hình ảnh quái thú này.

Trong số 28 tác phẩm điện ảnh lấy đề tài về "vua quái vật" đã từng được thực hiện, kinh đô Hollywood đã mạnh dạn rót vốn sản xuất khoảng 4 bộ phim. Thế nhưng, bom tấn được phát hành năm 2014 do đạo diễn Gareth Edwards cầm trịch được đánh giá là phiên bản "Mỹ hóa" thành công nhất.

Nhật Bản - Nguồn cảm hứng vô tận với kinh đô điện ảnh Hollywood - Ảnh 9.

Với mục đích tái khởi động lại thương hiệu "vũ trụ quái vật" nức tiếng một thời, Godzilla (2014) bắt đầu tại quần đảo ngoài khơi Philipines năm 1999. Lúc đó, nhà khoa học Ishiro Serizawa cùng nhóm cộng sự đang tiến hành thăm dò khu mỏ đá bị sụt lún thì tình cờ phát hiện hệ thống hang động ẩn giấu bộ xương hóa thạch khổng lồ và hai quả trứng kỳ lạ. Chưa hết bất ngờ, Serizawa tiếp tục tìm thấy dấu vết chứng tỏ có một sinh vật to lớn nào đấy đã chui khỏi cái hang và bơi thẳng ra đại dương mênh mông.

10. Pacific Rim 1&2 (2013, 2018)

Guillermo Del Toro, đạo diễn người Mexico tài năng tiết lộ rằng chính những series anime người máy nổi tiếng như Gigantor, Neon Genesis Evangelion, Gundam... đã truyền cảm hứng, giúp ông kiến tạo nên tác phẩm Pacific Rim đình đám. Chịu ảnh hưởng lớn từ thể loại mecha, bầu không khí ảm đạm, u tối cùng lối chuyển động nặng nề, chậm chạp nhưng đầy sức nặng của biệt đội người máy phòng vệ Jaeger từng khiến biết bao người xem phải dán chặt mắt vào màn hình.

Nhật Bản - Nguồn cảm hứng vô tận với kinh đô điện ảnh Hollywood - Ảnh 10.

Tuy nhiên, sau phần một vô cùng ấn tượng, Del Toro lại rời khỏi dự án để thực hiện The Shape Of Water (sau này đã đem về cho ông hai tượng vàng Oscar danh giá). Chiếc ghế đạo diễn Pacific Rim 2 - Uprising vì thế được nhường cho Steven S. DeKnight. Qua các đoạn trailer quảng bá, rất nhiều khán giả bày tỏ thái độ lo lắng khi bộ phim mang tông màu quá tươi sáng lòe loẹt. Hơn nữa, các Jaeger giờ đây còn tha hồ chạy nhảy tung tăng một cách nhẹ nhàng. Liệu hãng Legendary Pictures có giữ vững được đỉnh cao huy hoàng mà Del Toro từng tốn công gây dựng?

Bộ phim Pacific Rim: Uprising (Pacific Rim: Trỗi Dậy) công chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc từ ngày 23/03/2018.