Bệnh nhân T.T.V vừa kể, vừa khóc: "Hồi xưa con học giỏi lắm, con đậu Đại học Xây dựng, sau con lạnh quá ngồi co ro, bị té ghế nên vô đây luôn".
T.V nói, anh sinh ra trong một gia đình có điều kiện, nhưng giờ mẹ phải đi ở trọ vì rất tốn kém do chữa bệnh tiểu đường cho ba. Sau đó, ba anh mất năm 2021.
Gia đình có ba anh em, T.V là anh cả. Em trai anh V hiện có văn phòng đo đạc riêng, em gái làm quản lý tại một công ty. Chỉ anh V không học hành tới nơi tới chốn, lại còn mắc bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Khoa cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai)
Anh V kể, năm 2005, anh bị té. Sau đó, đau đầu kéo dài không hết. Anh bị rối loạn cảm xúc, hay buồn, vui, khóc lóc suốt ngày. Gia đình đưa đi chữa chạy nhưng không đỡ, sau cho anh nhập viện tâm thần ở TP Vũng Tàu.
Sau thời gian dài điều trị, anh V lập gia đình, sinh được 2 cậu con trai. Tuy nhiên, bệnh tái đi tái lại, nên năm 2020, anh và vợ ly hôn. Dừng lại vài phút, anh V bỗng khóc rồi nói rất nhớ mẹ, nhớ con. Rồi đột nhiên, xin nhân viên điều dưỡng gọi điện cho mẹ lên đón.
"Cô ơi cho con gọi mẹ với, mẹ con lên thăm con nhưng sao không vào, chỉ gửi quà thôi, con buồn quá", anh V thảng thốt.
Câu chuyện chỉ dừng lại khi tới giờ anh V phải uống thuốc. Uống thuốc xong, bệnh nhân này nói tiếp: "Có lẽ con sắp về rồi, con thấy hôm nay con được đổi thuốc, được đổi thuốc là về đó cô. Đợt này con đợi về, con không trốn nữa".
BS Nguyễn Thị Thủy, Trưởng khoa cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 2 (Đồng Nai) - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân V cho biết, bệnh nhân này không học đại học, cũng không phải bị bệnh do té. Tất cả những lời kể là do hoang tưởng.
Theo BS Thủy, thời điểm nhập viện, T.V bị loạn thần, rối loạn cảm xúc do dùng ma túy.
"Thường người bệnh sẽ hoang tưởng rằng vì một lý do nào đó mới phải vào đây, chứ họ không chấp nhận được việc bị bệnh. Gia đình bệnh nhân V rất vất vả, bố cũng mắc bệnh tâm thần", BS Thủy nói.
Bệnh nhân V thường xuyên trốn trại. Để chuẩn bị cho việc "tẩu thoát" khỏi bệnh viện, anh V và 2 bạn cùng phòng xé nhỏ mền ra, cột lại thành sợi dây dài.
Ban đêm, đợi các bệnh nhân khác đi ngủ, anh V và 2 người bệnh cùng phòng chồng cửa lên và leo lên mái tôn, cột dây đã chuẩn bị sẵn vào quạt thông gió để đu qua bên kia bờ tường.
Hai bệnh nhân sau đó được gia đình đưa vào lại. Riêng anh V, phải 8 ngày sau với sự "khống chế" của 5 người thân trong gia đình mới có thể đưa vào bệnh viện.
Khi đưa vào viện, bệnh nhân V rất kích động. Kết quả xét nghiệm cho thấy V dương tính với ma túy, phải đưa vào phòng trấn tĩnh, khi khỏe mới được ra sinh hoạt bình thường với mọi người.
Khoảng 160 bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa nam cấp tính
Theo BS Thủy, khi được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất ma túy, bệnh nhân sẽ được điều trị hóa dược, các thuốc bình thần, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm và áp dụng liệu pháp tâm lý, cá nhân, gia đình.
Tuy nhiên, đối với mỗi trường hợp sẽ áp dụng biện pháp tâm lý khác nhau. Có nhiều bệnh nhân cần khuyến khích gia đình lên gặp nhiều, để bệnh nhân ổn định tâm lý, sớm hòa nhập cộng đồng.
"Riêng với bệnh nhân V, cần hạn chế để gặp gia đình. Khi gặp mẹ, bệnh nhân này luôn đòi mẹ đưa về, nếu không được chấp nhận yêu cầu, V sẽ cảm giác ức chế. Để giải quyết cảm giác ức chế, V sẽ có những suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến những hành vi không đáng có xảy ra như la hét, trốn viện".
Công tác tại bệnh viện từ năm 2006, điều dưỡng trưởng Đặng Thị Hợi, Khoa nam cấp tính - Bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 2 cho biết, khoa đang điều trị rất nhiều trường hợp lúc đầu chỉ là rối loạn hành vi, loạn thần, rối loạn do sử dụng chất cấm. Sau một thời gian tái đi tái lại, sử dụng ma túy, các bệnh nhân này đều không có khả năng bình phục và khó hòa nhập cộng đồng.
"Nếu hòa nhập cộng đồng thì dễ bị bạn bè lôi kéo. Một phần vì nhiều người trong xã hội vẫn chưa chấp nhận căn bệnh này nên sẽ dễ kỳ thị, dẫn đến việc đẩy những người bệnh vào con đường cũ, tiếp tục tái nghiện, phát bệnh và quay trở lại bệnh viện", điều dưỡng Hợi nói thêm.
Khoảng 10 năm gần đây, tỷ lệ mắc tâm thần chủ yếu tập trung ở nhóm nghiện chất cấm và rối loạn hành vi.
"Não là tế bào cấp cao, khi tổn thương thì không thể phục hồi, đó là lý do bệnh nhân sử dụng ma túy thời gian kéo dài sẽ không thể nào kiểm soát hành vi và hồi phục được nữa. Sẽ sống phụ thuộc vào thuốc và rất khó hòa nhập cộng đồng", điều dưỡng Hợi chia sẻ.