Chủ đề "Có cần học đại học không?" vẫn luôn được bàn tán năm này qua năm khác và ngày càng gây tranh cãi khi xã hội thay đổi, xuất hiện nhiều cơ hội và công việc không đòi hỏi tấm bằng. Thực chất, bằng đại học chưa bao giờ là một "tấm phiếu" đảm bảo việc làm khi ra đời. Tiết học quan trọng nhất ở trường đại học có thể không phải ở trên lớp mà là ở những dịp khác. Điều quan trọng thu được ở cuộc sống đại học không chỉ là kiến thức chuyên ngành mà là bạn dành 4 năm để giao tiếp, học tập trong môi trường có những người hiểu biết. Quá trình này sẽ làm phong phú kho kiến thức, cách suy nghĩ và kinh nghiệm sống của bạn.
Hiện nay, việc thảo luận về ý nghĩa của việc học đại học chủ yếu tập trung vào hai hướng. Một hướng thực tế cho rằng ý nghĩa của việc học đại học chỉ là để tìm một công việc trong tương lai, để nuôi sống bản thân và gia đình. Hướng thứ hai nhận định ý nghĩa của việc học đại học không phải để đảm bảo rằng bạn có thể tìm được một công việc tốt, mà chủ yếu là rèn luyện bạn trở thành một người toàn diện hơn về cả kiến thức học thuật lẫn kiến thức xã hội.
Trong xã hội ngày nay, rất nhiều nhân viên văn phòng có học vấn cao không kiếm được nhiều tiền bằng những người bán hàng hay người ảnh hưởng trên mạng nhưng học vấn chỉ bình thường, thậm chí còn không học đại học. Cùng lúc đó, câu chuyện đội ngũ cử nhân, thạc sĩ đi làm shipper hay lao động chân tay cũng thường được truyền thông nhắc tới. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Học đại học để làm gì nếu nó không đảm bảo một công việc được trả lương cao?
Ảnh minh họa
Có nhiều lý do lý giải vì sao tấm bằng đại học không cho bạn thu nhập cao và vẫn phải rất chật vật trong thị trường lao động. Các ngành nghề mà nhân viên văn phòng tham gia thường là những ngành nghề tri thức cao và đòi hỏi cần phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng. Bạn vẫn phải tiếp tục duy trì khả năng học tập của mình. Nếu không chịu được bài kiểm tra thực hành tại nơi làm việc, tất nhiên bạn cũng không thể thăng tiến, tăng lương.
Ngành nghề nào cũng có sự cạnh tranh và những người được trả lương thấp phần lớn cần phải nhìn nhận bản thân mình trước, bởi vấn đề rất có thể là do năng lực ở nơi làm việc của họ chứ vấn đề không nằm ở trình độ học vấn. Vì vậy, trường đại học rõ ràng không "chịu trách nhiệm" cho việc này.
Thế nhưng nếu không có bằng đại học và lựa chọn những công việc khác không đòi hỏi kiến thức chuyên ngành, con đường bạn đi thậm chí có thể còn khó khăn hơn. Những câu chuyện TikToker thu nhập trăm triệu đồng hay cử nhân bỏ việc mở sạp bán bánh mì lãi 20 triệu/tháng luôn là số ít nên mới gây xôn xao. Và dù là làm bất kỳ công việc nào cũng cần đánh đổi mồ hôi công sức. Đại học không phải "phiếu ăn" đảm bảo cuộc sống tương lai, nhưng là con đường dễ đi hơn với đại đa số mọi người.
Vào đại học không có nghĩa là "học lấy cái bằng" mà là chọn ngành, nghề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Trải qua 4 năm tại giảng đường đại học, sinh viên vừa có cơ hội học tập chuyên môn, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm nhiều cơ hội phát triển.
Việc đi làm không bao giờ chỉ dừng lại vì mục đích kiếm tiền mưu sinh mà còn là để tạo ra giá trị nghề nghiệp và giá trị xã hội của mỗi người. Vào đại học cũng là môi trường tốt để bạn nâng cao phẩm chất tổng thể, mở rộng tầm nhìn, trau dồi bản thân. Những mối quan hệ ở trường đại học với thầy cô, bạn bè có thể cũng sẽ đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của chúng ta.
Dù thời thế thay đổi ra sao, chúng ta không nên phủ nhận tầm quan trọng của việc học đại học nói chung, mà nên trân trọng cơ hội học đại học, tận dụng mọi nguồn lực và điều kiện do đại học mang lại.
Không có công việc hay kiểu nghề nghiệp nào "cao quý" hơn nghề nào. Dù quan điểm có thể khác nhau, cái chúng ta cần làm là tôn trọng sự lựa chọn, nỗ lực của mỗi người, và nhận thức rằng mỗi nghề đều có ý nghĩa và giá trị riêng của mình. Dù học đại học hay không bạn vẫn luôn có thể có cuộc sống tốt đẹp và đóng góp cho xã hội, tạo ra giá trị nếu không ngừng nỗ lực.