Mới đây, lời tâm sự của cô gái sinh năm 2k4 đang viral trên Threads khi chia sẻ về câu chuyện đi làm của mình. Trong một lần không check tin nhắn của sếp, cô gái vô cùng bất ngờ khi bị sếp mắng: "Làm truyền thông em phải online 24/24, 3h sáng cũng phải trả lời". Lời tâm sự này đã nhận được nhiều chú ý của dân văn phòng, đặc biệt là những bạn trẻ làm trong lĩnh vực truyền thông - quảng cáo - sự kiện.
Cụ thể, cô gái này tâm sự như sau:
"Ủa ngành truyền thông là phải làm 24/24 hay sao?
19h hôm qua mình về mệt nên ngủ sớm, đủ giấc rồi thì cơ thể tự thức dậy lúc 1h30. Mình thấy tin nhắn sếp mình lúc 21h00, đại loại là hối deadline cho designer (PV - nhân viên thiết kế). Mình thấy deadline sớm quá còn thấy tội cho bạn designer nữa. Mình thấy ổng nhắn cho designer rồi làm việc tiếp. Sáng nay đi làm, thì ổng hỏi là: "Em có thật sự là dùng Zalo không?". Mình tưởng điện thoại quên thông báo. Kiểm tra thì không bị lỡ. Mình bảo là tối em ngủ sớm. Xong ổng quát: "Làm truyền thông em phải online 24/24, 3h sáng cũng phải trả lời".
Dòng tâm sự về công việc ngành truyền thông đang viral trên Threads.
Sau đó, cô bạn cũng cập nhật thêm tình hình ở bên dưới: "Mới nãy ổng vừa giảng đạo lý cho mình 30 phút, nhưng mình chỉ nhớ câu cuối: "Nếu còn không được nữa thì em viết đơn đi anh ký. Tháng này phòng mình rất bận, trong cái kế hoạch triển lãm đó em làm được cái gì trong đó? Mỗi việc em theo dõi, dí deadline cho designer cũng không xong thì em còn làm được cái gì nữa".
Mình 2k4 chưa có kinh nghiệm làm event triển lãm nên kế hoạch là ổng tự ôm, tự build (PV - xây dựng) còn mình đề xuất và feedback (PV - góp ý) cho ổng từ bản thiết kế, catalogue, mini game. Mình làm mấy cái lặt vặt cho ổng, mà ổng nói vậy đó".
Cô bạn cũng cho biết lương của mình là hơn 8 triệu. "Không chỉ riêng content đâu, còn việc khác nữa. KPI của mình là số lượng bài viết và chỉ số fanpage. Mình chỉ muốn tập trung vào KPI nhưng phải theo dõi theo các việc khác nữa" - cô bạn chia sẻ về nội dung công việc của mình.
Ảnh minh hoạ.
Dòng trạng thái này đã nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Trong đó, phần đông những người từng làm trong môi trường truyền thông, đặc biệt là agency thì đều thừa nhận thực tế rằng nhân viên trong ngành này thường phải làm ngoài giờ hành chính.
Thế nhưng trong câu chuyện này, sếp sai hay nhân viên sai lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Một bên thì cho rằng cô gái sai. Vì nhân viên dù lương 8 triệu hay 80 triệu thì gạch đầu dòng đầu tiên là phải có trách nhiệm hoàn thành công việc được giao chứ không phải "mệt thì nghỉ" hay lấy lý do ngoài giờ hành chính thì không theo dõi công việc nữa. Một khi đã bước vào ngành này thì cần xác định sẽ có những phát sinh không nằm trong dự tính. Đằng này, đây không phải là sự cố phát sinh mà đều là những đầu việc mà nữ nhân viên chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, câu nói của sếp "Làm truyền thông em phải online 24/24, 3h sáng cũng phải trả lời" cũng nhận về phản ứng dữ dội trên MXH. Nhiều người không đồng tình và cho rằng văn hoá OT này đang khiến nhiều nhân viên sợ hãi đi làm.
Ảnh minh hoạ.
Dưới đây là một số bình luận nổi bật:
- "Mình cũng từng gặp trường hợp như vậy nè, đợt đó mới thử việc được 2 tuần, bắt đăng story facebook đều đặn 15 post/ngày, và phải đăng hoàn toàn thủ công chứ không cho tự cài thời gian nha, vì phải gắn link affiliate. Tối về cứ phải căn 20h đăng kể cả chủ nhật. Mệt quá nên mình nghỉ luôn. Lúc nói chuyện với mọi người trong công ty, mọi người nói đấy là công việc và làm truyền thông phải chịu. Mình cũng khó hiểu nhưng không phán xét, vì mỗi ngành một yêu cầu riêng".
- "Nếu làm trong agency hay làm lĩnh vực truyền thông là đúng rồi đó. Mình cũng thường phải follow 24/24h khi ở trong giai đoạn công việc gấp, vào mùa bận rộn. Có khi phải làm từ sáng đến đêm luôn. Nhưng đó đều đã được sếp báo trước và cũng chỉ kéo dài cỡ 1-2 tuần/một tháng. Sau đó lại bình thường trở lại. Có lẽ sếp thấy bạn không follow sát nên mới nói vậy. Nếu vào mùa không bận rộn thì không đến nỗi thế đâu".
- "Hồi trước mình thực tập ở công ty truyền thông, 12h đêm sếp gửi cho 1 list ảnh gần cả trăm file, sáng mới mở mắt hỏi làm xong chưa. Lương thực tập 2 triệu chưa trừ thuế".
- "Trước mình làm mảng truyền thông nội bộ cho 1 công ty IT, thi thoảng vẫn có deadline rồi họp hành đến 2h sáng, mình sợ quá nên đổi việc luôn. Ký hợp đồng 8 tiếng nhưng ngày làm 10-12 tiếng, lương cũng như các ngành khác thôi. Chứ làm 24/24h thì sau tiền kiếm ra bao nhiêu, đổ hết cho bệnh viện cũng bằng hòa mà."
- "Mình cũng làm trong ngành truyền thông và gặp trường hợp như vậy. Mang tiếng làm 10 tiếng/ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Nhưng thực ra làm tận 16 tiếng ngày, cuối tuần luôn bị réo".
Mỗi ngành nghề lại có một yêu cầu khác nhau. Nhưng liệu có phải ngành truyền thông là cần phải làm 24/24h hay không? Và trong câu chuyện này: Sếp sai hay nhân viên có lỗi nhiều hơn?
Trao đổi với chúng tôi, chị Hà Thuỷ (Giảng viên truyền thông/ Leader của 1 số dự án truyền thông lớn) cho biết: "Mình thấy cả 2 bạn đều có phần sai của mình. Sếp thì hơi áp đặt suy nghĩ của mình, còn nhân viên thì chưa có nhiều kinh nghiệm".
Chị Hà Thuỷ cho rằng nếu mọi người trao đổi cách làm việc ngay từ đầu, rằng cần phải làm ngoài giờ và công việc gấp như thế nào - thì mọi chuyện sẽ khác.
"Dự án đang trong giai đoạn căng thẳng thì tất nhiên sẽ nhiều việc. Leader sẽ là người stress nhất. Nếu bạn ấy dặn dò nhân viên trước để nhân viên có thể chuẩn bị tinh thần, hoặc ít nhất dùng 1 lời lẽ kiểu khác nói chuyện với nhân viên thì nó sẽ không căng thẳng như thế này.
Và người làm leader cũng sẽ luôn là người phải có khả năng đứng ra xử lý tất cả mọi việc, ngay cả khi không có nhân viên, bạn ấy có thể xử lý luôn với design và sau đó ngày hôm sau nhắc nhở nhân viên chú ý là ok" - Hà Thuỷ chia sẻ.
Theo chị Hà Thuỷ, khi bạn luôn trong tư thế sẵn sàng xử lý mọi chuyện thì dự án sẽ thành công.
"Làm leader trong 1 dự án truyền thông không đơn giản vì bạn vừa phải làm việc với các câu chữ và cũng phải làm việc với con người. Đôi khi không phải cái này đúng cái này sai, nó còn phụ thuộc vào bối cảnh. Chỉ cần bạn luôn trong tư thế sẵn sàng xử lý mọi việc thì dự án sẽ thành công" - chị Hà Thuỷ cho biết thêm.
Giảng viên Hà Thuỷ
Trong khi đó, Hà Anh (TP.HCM, hiện đang giữ vị trí Senior TikTok Speclist (chuyên viên TikTok) và từng quản lý truyền thông cho nhiều dự án) cho biết: Trong môi trường truyền thông, đặc biệt là các công ty agency thì việc ngoài giờ là điều diễn ra khá thường xuyên. Đặc biệt là vào mùa bận rộn, lễ Tết thì sẽ hay phải chạy campaign (chiến dịch) hoặc tư vấn, check duyệt cho khách nhiều.
"Cũng tuỳ agency thì sẽ có yêu cầu làm việc ngoài giờ hành chính khác nhau. Ví dụ như công ty mình, nếu xong công việc rồi thì có thể tạm nghỉ xả hơi, nếu không có việc gấp. Hoặc OT cuối tuần thì nghỉ bù. Còn làm thêm giờ hành chính là chuyện diễn ra quá bình thường luôn. Dù công việc ghi thời gian làm đến 17h, nhưng nhiều hôm làm đến 21-22h vẫn nhắn tin với khách hay họp với team" - Hà Anh cho biết.
Hà Anh chia sẻ khi bước chân vào làm ngành truyền thông, thì bản thân cô bạn và các đồng nghiệp cũng xác định tâm lý là phải làm ngoài giờ hành chính nhiều. Tuy nhiên, trong trường hợp phải luôn có mặt 24/24h thì sếp cần báo trước, để chuẩn bị tinh thần, chứ không nên đột xuất yêu cầu là phải có mặt liền.
Và điều quan trọng, những quy tắc hay yêu cầu ngầm trong công việc thì nên được trao đổi thẳng thắn và rõ ràng trước khi bắt đầu làm việc - như vậy sẽ giúp cả sếp lẫn nhân viên biết được quyền lợi và trách nhiệm việc làm của mình.
"Ở trong công ty mình, thường có job gấp thì sếp sẽ báo trước để chủ động làm việc và sắp xếp thời gian. Có lúc bọn mình cũng làm từ sáng đến đêm, nhưng làm trong sự tự nguyện, chứ không phải bắt buộc. Bởi cũng hiểu đặc thù của công việc nên làm trong im lặng thôi. Nhưng nếu đột ngột 21h sếp yêu cầu phải có mặt, trả job gấp thì cũng rất khó cho nhân viên.
Thế nên ở câu chuyện trên, mình nghĩ việc làm ngoài giờ là hợp lý, và bạn nhân viên không check tin nhắn là không đúng. Nhưng câu của sếp yêu cầu phải 24/24h làm việc, 3h sáng phải check tin nhắn - có thể đúng trong vài trường hợp. Nhưng đừng mặc nhiên đó là điều nhân viên PHẢI làm như vậy hàng ngày" - Hà Anh chia sẻ quan điểm.
Ảnh minh hoạ.
Có thể thấy, đi làm không đơn giản là ngồi ở văn phòng đúng 8 tiếng, hoàn thành các công việc được giao.... sẽ có ti tỉ thứ phát sinh trong suốt quá trình làm việc. Suy cho cùng, điều quan trọng nhất mà người đi làm cần trả lời khi đứng trước mỗi cơ hội công việc hay muốn từ bỏ công việc của mình đó là:
Bạn có học hỏi và phát triển hơn trong công ty này hay không? Công sức mình bỏ ra có xứng đáng hay không? Liệu nếu đi lâu dài, mình có chịu nổi không? Bạn có yêu thích công việc và văn hoá công ty không?...
Nếu trả lời được những câu này thì bạn sẽ sống ổn ở bất kì môi trường làm việc nào!
Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện trên?