Nhân viên công nghệ Trung Quốc kiệt sức vì chat, duyệt web đều bị giám sát, đi WC lại bị theo dõi mùi và thời gian

Mộc Tiên, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 18:23 10/06/2021
Chia sẻ

Alibaba đã phát triển hệ thống nhà vệ sinh thông minh kết nối Internet, nơi một đầu dò hồng ngoại được lắp để theo dõi tình trạng sử dụng và… mùi trong từng buồng.

Các công ty công nghệ Trung Quốc đang đẩy mạnh việc đưa công cụ giúp nâng cao năng suất của nhân viên văn phòng, bao gồm việc quản lý và giám sát quá trình làm việc của họ dựa trên phần mềm.

Nhiều gã khổng lồ công nghệ ở đất nước tỷ dân, vốn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt về cơ hội kinh doanh mới, đang là những người đi tiên phong trong việc triển khai công nghệ và công cụ giám sát nhân viên.

Tuy nhiên, tờ Nikkei cho biết việc đó có thể gây ra tình trạng lạm dụng lao động.

Andy Wang, kỹ sư IT tại một công ty game có trụ sở tại Thượng Hải, nói rằng phần mềm giám sát DiSanZhiYan, hay "Con mắt thứ ba" đã được cài đặt trên máy tính xách tay của toàn bộ nhân viên để theo dõi màn hình trong thời gian thực, ghi lại các cuộc trò chuyện, hoạt động duyệt web và chỉnh sửa tài liệu.

Phần mềm sẽ tự động gắn cờ "đáng ngờ" khi nhân viên truy cập trang web tìm việc làm hay nền tảng livestream. Một báo cáo tóm tắt về hoạt động của nhân viên sẽ được tổng hợp hàng tuần.

Wang cho biết cấp trên thường xuyên đọc những báo cáo này. Kết quả có thể ảnh hưởng đến khả năng thăng chức hay được tăng lương của người lao động. Không những vậy, công ty có thể dùng nó làm bằng chứng khi muốn sa thải ai đó. Sau 2 năm, Wang quyết định bỏ việc. Anh chia sẻ: "Điều đó thật vô lý. Chúng tôi không thể làm việc không ngừng nghỉ trong văn phòng mà đôi lúc cần nghỉ ngơi".

Năm ngoái, công ty IT Canon ở Bắc Kinh đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ khi áp dụng hệ thống quản lý chỉ cho phép những nhân viên tươi cười vào văn phòng và phòng họp. Lý do mà họ đưa ra là "mang lại sự vui vẻ hơn cho môi trường làm việc thời hậu đại dịch".

Zhongduantong, một công ty phần mềm khác, đã phát triển ứng dụng di động theo dõi vị trí của người lao động ở các thời điểm trong ngày. Năm 2018, một giám đốc bán hàng đã bị phạt 200 nhân dân tệ vì làm việc riêng trong giờ ăn trưa. Hay một người khác ở Sơn Tây bị phạt vì lướt Weibo trong 10 phút khi đi vệ sinh.

Gây tranh cãi hơn là công nghệ dùng để theo dõi thời gian người lao động sử dụng nhà vệ sinh. Nền tảng Kuaishou đình đám từng bị phản đối dữ dội khi lắp đồng hồ đếm ngược phía trên mỗi buồng vệ sinh ở văn phòng.

Alibaba cũng đã phát triển một hệ thống nhà vệ sinh thông minh kết nối Internet, nơi một đầu dò hồng ngoại được lắp đặt để theo dõi tình trạng sử dụng và thậm chí là… mùi trong từng buồng.

Ngoài ra, các ông lớn công nghệ còn áp dụng chế độ làm việc khắc nghiệt: ByteDance (công ty mẹ của TikTok) chỉ cho phép cách tuần, nhân viên mới nghỉ trọn vẹn cuối tuần. Trong khi đó, nhân viên thuộc những dự án mới của Pinduoduo bị yêu cầu làm việc ít nhất là 300 giờ/tháng.

Tại Pinduoduo, công ty thương mại điện tử lớn bậc nhất tại Trung Quốc, một nữ nhân viên 22 tuổi đã tử vong vào tháng 12 năm ngoái sau khi gục ngã trên đường đi làm về lúc 1h30 sáng. Cô gái này làm việc từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày/tuần. Sau đó, một trong những kỹ sư của công ty này đã nhảy lầu tự tử vì không chịu nổi áp lực công việc.

Nhân viên công nghệ Trung Quốc kiệt sức vì chat, duyệt web đều bị giám sát, đi WC lại bị theo dõi mùi và thời gian - Ảnh 1.

Các chuyên gia cảnh báo rằng một số hoạt động theo dõi có thể là phi đạo đức, xâm phạm quyền riêng tư của nhân viên cũng như tạo thêm áp lực về thể chất và tinh thần. Về lâu dài, việc này sẽ gây ra sự mệt mỏi, thậm chí là kiệt sức.

Nick Srnicek, giảng viên Kinh tế Kỹ thuật số tại Đại học King's College of London, nhận định: "Công nghệ đang khiến người làm việc với máy móc phải tăng tốc độ và năng suất thay vì ngược lại".

Theo một luật sư, dù Trung Quốc đã soạn thảo luật để ngăn chặn việc thu thập dữ liệu cá nhân rộng rãi của các công ty công nghệ về người dùng của họ nhưng có rất ít sự bảo vệ pháp lý đối với quyền riêng tư của nhân viên tại những công ty này.

Ở Trung Quốc, việc giám sát nhân viên đang bị thúc đẩy bởi sự cạnh tranh khốc liệt, khi các gã khổng lồ công nghệ đối đầu nhau trong nhiều lĩnh vực hơn, từ thương mại điện tử, video ngắn đến tài chính trực tuyến và hơn thế nữa. Điều đó đòi hỏi nhân viên phải làm thêm giờ và chịu áp lực rất lớn, theo Nikkei Asia.

Trong khi đó, luật của Mỹ nghiêm cấm người sử dụng lao động can thiệp vào lời nói hay trao đổi trên mạng của nhân viên. Còn Liên minh châu Âu (EU), các công ty cần hỏi ý kiến và nhận được sự đồng ý của nhân viên thì mới được thu thập thông tin cá nhân của họ.

Tuy nhiên, theo Nikkei, sự chỉ trích gay gắt của nhân viên và cộng đồng mạng Trung Quốc có vẻ như không ảnh hưởng nhiều đến các công ty.

Nguồn: Yahoo, Nikkei

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày