Trên nền tảng X (trước là Twist) một người dùng có tài khoản B.T đăng tải câu đố: "A three-legged shark wearing sneakers comes ashore, constantly making alien-like sounds" (Tạm dịch: Cá mập mọc 3 chân, đi giày thể thao lên bờ và liên tục phát ra thứ tiếng ngoài hành tinh là gì), thu hút lượng tương tác cao.
Đông đảo netizen bàn tán rôm rả để tìm đáp án đúng. Trong khi nhiều người đang tìm kiếm mãi mà chưa có đáp án chính xác thì nhiều cư dân mạng đã kịp có câu trả lời nhờ đi hỏi con, cháu, đó chính là "Tralalero Tralala". Nghe cứ như ngôn ngữ ngoài hành tinh. Nhiều người lúc này mới chợt nhớ ra hoặc tìm hiểu về nhân vật thuộc Vũ trụ Brainrot (thối não) này là gì, như thế nào?
Tralalero Tralala
Cách đọc tên nhân vật Tralalero Tralala.
Chỉ cần lướt TikTok, hoặc gõ từ khóa Tralalero Tralala trên Google thì liền có rất nhiều thông tin về nhân vật này hiện ra. Thậm chí, có đôi lúc hình dáng, môi trường sống tùy theo nội dung mà người dùng sử dụng AI để tạo nên.
Tralalero Tralala là nhân vật đầu tiên và cũng được xem là biểu tượng đặc trưng, nổi tiếng nhất trong Vũ trụ Brainro. Đặc điểm nhận dạng của nhân vật này là thân hình con cá mập nhưng có thêm 2 hoặc 3 chân, đi giày thể thao.
Tralalero Tralala thuộc vũ trụ Brainrot.
Sức hút của Tralalero Tralala không chỉ ở trên mạng mà còn lan sang các sản phẩm văn hóa như đồ chơi, nhạc chế,....
Ở nước ngoài, nhiều sàn thương mại điện tử đã bày bán gấu bông, móc khóa, đồ chơi bằng nhựa có hình nhân vật này.
Tralalero Tralala khi được tạo hình thành gấu bông, móc khóa bày bán.
Tại Việt Nam, theo ghi nhận của chúng tôi khi ghé Thảo Cầm Viên vào dịp cuối tuần, làm một cuộc khảo sát nho nhỏ về các nhân vật trong Vũ trụ Brainrot thì có rất nhiều em nhỏ trả lời rằng yêu thích nhân vật này. Nhiều bé thích các mập, sau đó bị thu hút vì hình thù kỳ quái, độc lạ của Tralalero Tralala.
Bởi trên thực tế cá mập không có chân, sống dưới nước mặn là chủ yếu. Nhưng với phiên bản sáng tạo bằng AI thì cá mập này có thêm 3 chân, di chuyển trên bờ và nghêu ngao thứ tiếng Tralalero Tralala - chính là tên của nó.
Tralalero Tralala cũng không phải là một ngôn ngữ cụ thể của bất kỳ quốc gia nào trên thé giới, cũng không có nghĩa. Nhiều người gọi vui đây là thứ tiếng ngoài hành tinh. Song, vì các âm thanh lặp đi lặp lại, gây hiệu ứng như não bị re set, in đậm trong tâm trí người xem. Dù ghét hay thích, bạn vẫn sẽ nhớ nó.
Các bé đọc vanh vách tên các nhân vật trong Vũ trụ Brainrot. Nguồn clip: Di Anh.
Bởi thế, dù có vẻ lộn xộn, hỗn loạn và vô nghĩa, các video này lại thu hút trẻ em một cách mạnh mẽ. Theo The Guardian, nhiều bé từ 3 đến 6 tuổi có thể thuộc lòng hàng loạt tên gọi và câu thoại trong các video Italian Brainrot, dù không ai từng dạy chúng, chưa biết hết mặt chữ mà chỉ nhờ xem hình - nghe tiếng.
Trào lưu này khiến nhiều chuyên gia giáo dục và ngôn ngữ lên tiếng. Theo tiến sĩ Monica Prasad từ Đại học Stanford, trẻ dưới 7 tuổi đang trong giai đoạn phát triển mạnh về ngôn ngữ và khả năng tư duy logic. Việc tiếp xúc quá nhiều với nội dung vô nghĩa, âm thanh dồn dập, không có cấu trúc ngữ pháp ổn định có thể ảnh hưởng đến khả năng phân biệt ngôn ngữ thật - ảo, khiến trẻ chậm nói đúng hoặc dễ bắt chước các mẫu câu lệch chuẩn. Song, cũng không thể cấm hay thúc ép các con bỏ xem Vũ trụ Brainrot ngay lập tức chỉ vì "mẹ/bố không hiểu con đang xem cái gì".
Trong một bài viết có tên "Những điều cha mẹ nên biết về xu hướng "Thối não" đang lan truyền trên mạng với trẻ em", Bethany Braun-Silva - chuyên gia về nuôi dạy con cái, giải trí và lối sống ở Los Angeles, California, Mỹ chỉ ra rằng: Phụ huynh không cấm đoán triệt để chỉ vì bản thân "nghe không hiểu" mà thay vào đó nên đồng hành cùng trẻ, từ đó dẫn dắt con hướng tới các nội dung lành mạnh hơn.
(Tổng hợp)