Mẹ mất sớm, bố bỏ đi, 3 anh em mồ côi tự chăm nhau trong đói rét

Định Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 02/01/2016

Mẹ mất sớm, bố bỏ đi không trở về, 3 anh em bé Bàn A Sên (13 tuổi, ở huyện Văn Chấn, Yên Bái) rơi vào cảnh cùng cực đói rét. Khi được tặng một đôi dép tổ ong, các em ôm chặt trong người và xem đó như một “báu vật”.

Trong cái lạnh cắt da thịt, tìm về căn nhà nhỏ được dựng sơ sài ở lưng chừng đồi bằng những mảnh ván là nơi trú ngụ của 3 anh em bé Bàn A Sên (13 tuổi), thôn Nậm Chậu, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Qua câu chuyện, chúng tôi mới thấu hiểu được cảnh cơ cực của 3 đứa trẻ tội nghiệp dựa vào nhau trong cái đói cái rét để tìm lấy sự sống.

Mẹ mất, bố bỏ đi, 3 anh em bé Sên nương tựa vào nhau sống qua ngày.

3 đứa trẻ ở trong căn nhà cũ kỹ, không vật dụng gì đáng giá.

Trò chuyện với chúng tôi, bé Sên cho biết, mẹ đã mất từ cách đây 5 năm khi sinh được người con út là bé Bàn A Nhị chưa đầy 1 tháng tuổi. Còn người bố bỏ đi đâu không ai biết. Nói rồi Sên ôm hai đứa em vào lòng như người anh cả đang cố che chở, bảo vệ các em trước những người xa lạ.

Dù mới 13 tuổi nhưng Sên trông chững trạc hơn hẳn so với các bạn cùng trang lứa. Kể từ khi mẹ em rời xa cõi đời vì bệnh tật, chừng ấy thời gian Sên thay mẹ gánh vác lo toan cho các em.

Tài sản lớn nhất của ba đứa trẻ tội nghiệp có lẽ là 2 cái nồi, thứ mà cha mẹ còn để lại.

Bữa tối chỉ có cơm và rau rừng Sên đi hái về.

Bữa cơm của 3 anh em mồ côi chỉ đơn giản được nấu từ những hạt gạo cuối cùng còn sót lại và nắm rau rừng Sên vừa đi hái về. Nấu xong rồi cả 3 anh em dùng chiếc thìa nhựa đã cũ mòn thay nhau xúc ăn ngon lành.

Chứng kiến hình ảnh 3 đứa nhỏ tội nghiệp, tự chăm lo cho bản thân, với những bộ quần áo cũ kỹ trong căn nhà dột nát không vật dụng gì đáng giá, chúng tôi không khỏi xót xa.

Mới 13 tuổi nhưng Sên chững chạc hơn các bạn cùng trang lứa.

“Cháu thương 2 em lắm, các em rất ngoan. Đã lâu rồi bọn cháu chưa biết đến mùi vị của miếng thịt. Có gạo nấu cơm ăn là đã đủ lắm rồi nên cả 3 anh em cháu không dám mơ ước nhiều, chỉ mong được đến trường đi học để tìm con chữ như các bạn thôi”, bé Sên thật thà nói.

Được cho đôi dép mới, bé Nhị cứ ôm khư khư trên người như một "báu vật". Có lẽ từ khi sinh ra đến giờ em chưa bao giờ có được một đôi dép đẹp như thế.

Chia sẻ về hoàn cảnh của 3 anh em, cô Phan Hồng Lý, Hiệu trưởng trường mầm non Nậm Búng, cho biết, Sên đang học lớp 8 trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Búng nhưng em ít được đến trường bởi còn phải ở nhà lo đi kiếm rau rừng về cho các em ăn.

Được tặng đôi dép tổ ong, bé Nhị ôm khư khư trong người như một báu vật.

Hai em của Sên là bé Bàn Thị Ton hiện đang học lớp 5 trường Tiểu học Sài Lương và bé Bàn A Nhị 5 tuổi hiện đang học lớp mẫu giáo trường mầm non Nậm Búng.

“Nhìn bọn trẻ không người lớn trông nom tội lắm. Nhất là trời rét mướt thế này. Thiếu hơi ấm tình thương của cha mẹ”, cô Lý xúc động nói.

Nghe tâm sự của cô, ai cũng cảm thấy buồn lòng bởi ngó trước, ngó sau, căn nhà không vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc chăn cũ còn sót lại là hơi ấm duy nhất ba anh em nghèo khó có thể dựa vào nhau để xua đi cái lạnh cắt da thịt ở miền sơn cước.

Chiếc chăn cũ là hơi ấm duy nhất ba anh em nghèo khó có thể dựa vào nhau để xua đi cái lạnh cắt da thịt.

Chia sẻ về hoàn cảnh của 3 anh em Sên, ông Triệu Chung Minh, Phó chủ tịch xã Nậm Búng cho biết, bố các em đi đâu không ai biết, thi thoảng vẫn có người nhìn thấy bố các em về nhưng chỉ sang hôm sau thôi là đã đi đâu không ai hay.

“Hiện tại 3 anh em phải tự nuôi nhau, gạo ăn do mọi người cho còn rau rừng Sên đi kiếm về. Ở vùng cao chúng tôi nghèo lắm, không cho các em được nhiều nên mong mọi người ở xa thương 3 anh em để giúp các em có cái ăn, để Sên còn có điều kiện tiếp tục quay lại trường học”, ông Minh chia sẻ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Bé Bàn A Sên, thôn Nậm Chậu, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).

Số điện thoại: 0912.887.487 (Số điện thoại của cô giáo Phan Hồng Lý, Hiệu trưởng trường mầm non Nậm Búng).