Câu nói "Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến" chắc hẳn đã quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là những người hâm mộ đại danh tác Trung Hoa "Tam Quốc Diễn Nghĩa" của La Quán Trung.
Tuy nhiên, nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa của câu nói này là gì? Và thực tế, đây mới chỉ là nửa vế đầu của cả câu, vế sau là gì và vì sao nhiều người không thể tùy tiện nói ra?
Hãy cùng tìm hiểu câu chuyện lịch sử đằng sau câu nói khá phổ biến này.
Về ý nghĩa, câu nói "Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến" nhìn chung được mô tả theo nghĩa bóng, có nghĩa là một người khi tình cờ được nhắc đến thì người đó có thể ngẫu nhiên xuất hiện ngay sau đó. Điều này thể hiện sự 'tương thông' giữa người nói và người đến. Mọi việc nhìn có vẻ là tình cờ, ngẫu nhiên nhưng vừa hay cũng rất đúng lúc, kịp thời.
Về nguồn gốc, câu nói này bắt nguồn từ tác phẩm "Tam Quốc Diễn Nghĩa" của La Quán Trung, kể về thời kỳ loạn lạc vào cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc khi các lãnh chúa thi nhau tranh quyền đoạt vị.
Nhân vật chính của câu nói là Tào Tháo - một nhà quân sự, chính trị gia nổi tiếng cuối thời Đông Hán. Ông là người lập có công lập nên nhà Tào Ngụy, góp phần tạo nên thế chân vạc (cùng với nhà Thục Hán và Đông Ngô) thời Tam Quốc đầy loạn lạc.
Thực chất, có vài cách để giải thích nguồn gốc hình thành câu nói này từ "Tam Quốc Diễn Nghĩa", tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là từ câu chuyện Tào Tháo cứu giá Hán Hiến Đế Lưu Hiệp.
Là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Hán, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp lên ngôi khi nhà Hán đã suy yếu trầm trọng. Ông liên tiếp bị gian thần Đổng Trác cùng thuộc hạ là Lý Thôi, Quách Dĩ khống chế quyền lực.
Năm 192, sau khi Đổng Trác bị Vương Doãn và Lã Bố liên thủ giết hại, các thuộc hạ là Lý Thôi, Quách Dĩ dấy binh trả thù. Sau khi chiếm được thành Trường An, cả hai thay nhau nắm quyền điều hành triều chính, tiếp tục biến Hán Hiến Đế thành vị vua bù nhìn.
Sau 3 năm cầm quyền, Lý Thôi, Quách Dĩ cuối cùng cũng xảy ra mâu thuẫn do tranh chấp quyền lợi. Thừa cơ, Hán Hiến Đế cùng một nhóm cận thần tìm cách trốn khỏi Trường An. Tuy nhiên, trong thời điểm hỗn loạn này, việc trốn thoát để giữ lấy mạng không phải là một việc dễ dàng. Nghe lệnh của Lý Thôi, Quách Dĩ, phiến quân phản loạn quyết tâm truy sát Hoàng đế tới cùng.
Năm 196, Hán Hiến Đế được đưa trở về cố đô Lạc Dương, nơi từng bị Đổng Trác đốt phá trước đó (để rời đô về Trường An). Lạc Dương lúc này ở vào hoàn cảnh rất thiếu thốn, hoang tàn và có nguy cơ bị các chư hầu tranh đoạt.
Khi một tướng quân cận thần dưới quyền Hán Hiến Đế nhận thấy Tào Tháo có thực lực lớn mạnh (lúc này Tào đang dẫn binh tấn công quân của Hoàng Cân ở Dự châu), liền bẩm báo với Hoàng đế gọi Tào Tháo về Lạc Dương cứu giá.
Tào Tháo nghe chuyện lập tức đích thân đến Lạc Dương. Vì thấy nơi đây đã đổ nát, hoang tàn, Tào Tháo đã đón Hoàng đế về Hứa Xương và xây nơi ở mới khang trang cho vua ở.
Hán Hiến Đế và các cận thần rất đỗi vui mừng vì công lớn mà Tào Tháo lập cho nhà Hán, liền thuận miệng mà nói "Đúng là, nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến". Hoàng đế cũng không quên phong cho Tào Tháo làm Vũ Bình hầu, giữ chức Tư không kiêm Hành Xa kỵ tướng quân.
Kể từ đó, "Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến" bắt đầu lan truyền từ đây.
Dẫu vậy, câu nói này thực chất còn vế sau nữa. Câu nói đầy đủ phải là: "Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến; Thoát ngay trước mắt, há không đáng cười".
Câu nói này cũng bắt nguồn từ "Tam Quốc Diễn Nghĩa". Liên quan đến cái chết bất ngờ của Tào Tung.
Giữa năm 193, Tào Tung (phụ thân Tào Tháo) cùng gia quyến mang theo 100 xe ngựa hành lý, của cải, vàng bạc về Lang Nha dự định an dưỡng tuổi già, sống đời điền viên. Trên đường, đoàn xe của Tào Tung đi qua Từ châu được thứ sử Từ châu là Đào Khiêm nghênh đón, rồi sai bộ tướng là Trương Khải mang quân hộ tống tận nơi.
Giữa đường gặp trời mưa, cả đoàn phải tá túc trong một ngôi chùa. Lúc này, Trương Khải nổi lòng tham bèn giết Tào Tung cùng gia quyến và cướp hết sạch của cải rồi chạy trốn.
Đầu năm 194, sau khi nghe tin về cái chết của phụ thân, Tào Tháo đổ lỗi cho Đào Khiêm và mang quân đi đánh Từ châu trả thù cho cha. Quân Tào tàn sát hàng vạn dân lành khiến khiến dân chúng Từ châu khắp nơi khốn khổ, gây ra nhiều bất bình.
Trần Cung vốn theo Tào phò tá nhưng thấy chủ công tàn sát nhiều người vô tội nên quyết định bỏ Tào. Đúng lúc đó gặp Lữ Bố chạy ở chỗ Viên Thiệu đến Duyện châu, Trần Cung liền theo Lữ Bố, tôn Lữ Bố làm Thứ sử Duyện châu, chiếm huyện Bộc Dương.
Mùa hè năm 194, Tào Tháo mang quân đánh Lữ Bố ở Duyện châu. Lúc này, Trần Cung cùng Trương Siêu, Hứa Dĩ, Vương Khải đồng lòng cùng Lữ Bố chống Tào Tháo.
Trong khi giao chiến với Lữ Bố tại Bộc Dương, Tào Tháo đã trúng kế của Trần Cung khiến quân của Tào Tháo chạy sâu vào thành rồi bất ngờ bị quân Lữ Bố đánh úp. Đội kỵ binh tinh nhuệ dưới sự chỉ huy của Lữ Bố dường như không gì cản phá nổi. Quân của Tào thảm bại, chỉ còn lại 10 vạn quân.
Trong lúc luống cuống tháo chạy giữa biển lửa, Tào Tháo chạm mặt Lữ Bố đang cầm kích, ghìm cương ngựa tiến đến phía Tào Tháo. Tào Tháo vờ không thấy, lấy tay che mặt. Lữ Bố cầm kích gõ vào mũ Tào Tháo quát to: "Tào Tháo ở đâu?".
Tào Tháo mừng rỡ liền chỉ tay phía khói bụi đáp: “Người cưỡi ngựa vàng ở phía trước”. Vừa nghe vậy, Lữ Bố liền bỏ qua Tào Tháo (thật), thúc ngựa đuổi theo người đằng trước, nhờ vậy mà Tào Tháo chạy thoát. Cuối cùng, hai bên ngừng giao tranh vì nạn châu chấu.
Trong trận này, Tào Tháo thua to, thậm chí còn bị thương ở cánh tay trái. Tuy nhiên, điều đáng cười ở đây phải nói đến Lữ Bố. Bởi thực tế Lữ Bố đã có thể bắt được Tào Tháo nhưng trong lúc loạn lạc, chiến tướng này lại không nhận ra và lỡ mất cơ hội để giết Tào Tháo. Vì vậy từ đó mới lưu truyền câu nói “Thoát ngay trước mắt, há không đáng cười”, ý chỉ: Lữ Bố để Tào Tháo thoát ngay trước mắt, há không đáng cười chê ư?
Sau này, khi Tào Tháo đánh bại Lữ Bố tại thành Hạ Bì năm 199, rồi lên nắm quyền nhà Tào Ngụy thì cũng không ai dám nói đến vế sau của câu nói này. Bởi nếu để Tào Tháo nghe được, với bản tính của Tào thì kẻ đó chắc chắn sẽ không có kết cục tốt đẹp. Điều này khiến nửa sau của câu nói này không phổ biến bằng nửa đầu.
Tham khảo: Sohu, 163, Baidu