Nhạc sĩ Trần Tiến bị mất một bên tai: “Tôi cứ bò, cố sống”

Tùng Ninh , Theo Đời sống Pháp luật 13:47 22/05/2025
Chia sẻ

“Tôi và anh Đỗ Nhuận, anh Nguyễn Văn Tí đều bị mất một bên tai vì bom rơi ngay ngoài cửa hang, chúng tôi trốn trong hang ở Quảng Bình” – nhạc sĩ Trần Tiến nói.

Vừa qua, tại chương trình Cuộc Hẹn Cuối Tuần lên sóng kênh VTV3, nhạc sĩ Trần Tiến đã kể về lần suýt chết vì sốt rét của mình và thời gian đi chiến đấu, sáng tác tại chiến trường Trường Sơn lịch sử trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất.

Nhạc sĩ Trần Tiến bị mất một bên tai: “Tôi cứ bò, cố sống”- Ảnh 1.

Trần Tiến thời trẻ

Ông nói: “Lần đó tôi bị sốt rét ở Trường Sơn. Người tôi càng cao to thì càng bị muỗi rừng đốt. Tôi vừa diễn được nửa chương trình thì nằm gục xuống. Bệnh viện, thuốc thang không có. Cuộc chiến còn đang khốc liệt. Mênh mang rừng thẳm, tôi cứ bò và bò, cố sống”.

Tôi và anh Đỗ Nhuận, anh Nguyễn Văn Tí đều bị mất một bên tai vì bom rơi ngay ngoài cửa hang, chúng tôi trốn trong hang ở Quảng Bình. Năm đó tôi mới 20 tuổi, mất một bên tai, vậy mà bây giờ tôi vẫn thành nhạc sĩ.

Tôi phải chiến đấu, nghe nhạc ở trong tim, không nghe nhạc bằng tai. Tôi yêu bố mẹ đến tận cùng mới viết được về quê nhà thân yêu, xứ Đoài xa vắng, viết bài Tạm biệt chim én. Tôi viết về tất cả những gì thân yêu còn sống với tôi, về chị tôi, về bạn bè tôi.

Tôi phổ nhạc duy nhất một bài thơ là bài Zil ba cầu của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Lúc đó, chúng tôi làm lính ở Trường Sơn, sếp của tôi là bác Đồng Sỹ Nguyên tư lệnh binh đoàn Trường Sơn.

Nhạc sĩ Trần Tiến bị mất một bên tai: “Tôi cứ bò, cố sống”- Ảnh 2.

Trần Tiến ở chiến trường

Zil ba cầu là loại xe phổ biến nhất ở Trường Sơn và cũng là xe mạnh nhất thời bấy giờ, nhập vào từ Liên Xô để kéo pháo. Lúc đó tôi cũng đi xe Zil ba cầu của Liên Xô, bom đánh vỡ hết kính nên thành xe không kính nhưng khỏe lắm, vượt qua mọi rừng núi, đèo.

Phạm Tiến Duật còn làm bài thơ tặng cô Huyền Châu ở cùng đoàn xung kích. Cô ấy hát bài Người ơi người ở đừng về xong thì Phạm Tiến Duật xuất khẩu thành bài thơ luôn và tới giờ tôi vẫn nhớ lời bài thơ đó”.

Nói rồi, nhạc sĩ Trần Tiến cất lời đọc nguyên một bài thơ dài khiến ai cũng trầm trồ. MC Long Vũ thốt lên: “Tôi có bảo rằng kho âm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến đồ sộ quá, làm chương trình nào cũng thấy thiếu.

Đến hôm nay tôi mới biết rằng kho chuyện kể, văn thơ của nhạc sĩ Trần Tiến cũng đồ sộ như thế”.

Được biết, năm 16 tuổi, Trần Tiến làm hậu đài cho Đoàn Ca múa Hà Nội. Sau một năm tự học, ông trở thành nghệ sĩ đơn ca của Đoàn và đi biểu diễn ở vùng tuyến lửa lúc bấy giờ như Quảng Bình, Vĩnh Linh. Các bài hát Thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp ra đời trong thời gian này và đã đoạt Giải A cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày