Bất đồng giữa nghệ sĩ và công ty quản lý từ trước đến nay không phải là chuyện quá lạ lẫm trong showbiz Việt lẫn nước ngoài. Bài toán về ăn chia lợi nhuận vẫn luôn là những con số phức tạp và khiến người ngoài nhìn vào chỉ cảm thấy là sự bất hợp lý. Tuy nhiên, đằng sau đó lại còn những điều khoản và thỏa thuận ngầm khác mà nếu không có mâu thuẫn giữa hai bên dẫn đến "vạch mặt" nhau, thì tỉ lệ ăn chia của họ sẽ không bao giờ được tiết lộ.
Với góc nhìn của người từng đào tạo thành công các ca sĩ cũng như kinh nghiệm nhiều năm trong ngành giải trí, nhạc sĩ Nguyễn Hà đưa ra một số quan điểm, lời khuyên về việc hợp tác giữa nghệ sĩ và công ty giải trí hiện nay.
Ở thị trường giải trí Việt Nam, theo anh tỷ lệ ăn chia 1:9 giữa nghệ sĩ và công ty đào tạo thì có gọi là bị chèn ép quá đáng hay không?
Quá đáng hay không thì tuỳ theo từng trường hợp, nhưng khẳng định rằng cũng từng có nhiều hợp đồng được ký kết có tỷ lệ ăn chia này. Nhưng theo tôi, quan hệ ca sĩ & công ty thực ra là cùng đầu tư, tức là đều cùng làm chủ dự án của chính mình. Nên trong quá trình hợp tác có điều gì phát sinh thì nên cố gắng bàn luận lại, tìm mức hợp lý hơn để cùng nhau "làm ăn" lâu bền.
Người ca sĩ nên trang bị cho mình tâm lý "ông chủ" để đối thoại tích cực với đại diện công ty, tránh suy nghĩ theo lối nạn nhân bị "chèn ép", dẫn đến những kết cục xấu trong hợp tác.
Anh nghĩ sao trước ý kiến: "Tỷ lệ ăn chia 10% dù là quá ít nhưng khi đặt bút ký kết nghĩa là người nghệ sĩ phải có trách nhiệm cho cái gật đầu của mình về điều kiện mà họ kỳ vọng"?
Khi chưa bước chân vô nghề, chưa nhúng tay vô việc, ca sĩ chưa hiểu hết những gì cần thiết trong tương lai. Thậm chí chỉ mong có ai đó giúp mình chắp cánh ước mơ là đồng ý ngay. Đến khi có chút thành công, ước mơ cũng đã hiện ra thì bắt đầu quan tâm đến những nhu cầu khác.
Giai đoạn này, công ty lại chưa thấy giấc mơ hiện ra bởi vô số các khoản đầu tư cho người ca sĩ chưa thu lại được. Nên nếu công ty đã làm tốt phần đầu tư thì phía ca sĩ cũng nên đưa việc tôn trọng hợp đồng lên hàng đầu.
Tôn trọng hợp đồng không có nghĩa là phải làm mãi mãi, phải tuân theo mù quáng… mà có thể thương thảo lại theo những quy định có trong hợp đồng theo cách chuyên nghiệp.
Anh nghĩ sao về con số 2 triệu nghệ sĩ nhận được chỉ trong vòng 6 tháng cho một hợp đồng quảng cáo?
Nếu chỉ đưa ra con số 2 triệu ở trường hợp đó mà không nói cả câu chuyện thì không ai có thể nói được có hợp lý hay không. Nhưng nếu xét kỹ, thì dự án lăng xê ngôi sao có cả những lợi nhuận ngoài tiền cần xét đến. Danh tiếng chẳng hạn, nó như thương hiệu sản phẩm vậy. Và thời đại này ai cũng ít nhiều hiểu được tầm lợi hại của loại tài sản này. Cho nên, đang giai đoạn đầu tư cho danh tiếng để tương lai có cát-xê khủng thì thu nhập thậm chí là 0 đồng cũng có thể xảy ra.
Anh nghĩ sao về thuật ngữ "hợp đồng nô lệ" tồn tại trong thị trường giải trí (Việt Nam và quốc tế)?
Đã gọi là hợp đồng thì luôn có sự đồng ý của đôi bên. Nên chữ "nô lệ" thì chỉ là cách gọi "lố" và tăng phần cho người ca sĩ "bi kịch" hơn, "nạn nhân" hơn thôi. Cá nhân tôi không thích những người tan mối hợp tác ra là cứ muốn thể hiện như mình bị lừa. Mà sự thật thì không người ngoài nào hiểu hết cả.
Tuy nhiên, khi ký hợp đồng thì các ca sĩ có thể bị "qua mặt" do chưa có kinh nghiệm, bởi lúc đó họ chỉ muốn đạt được ước mơ… Vì vậy, để cho mối hợp tác an toàn thì phía các công ty nên cân nhắc kỹ các điều khoản lâu dài.
Anh cho lời khuyên gì đến các nghệ sĩ trẻ trước khi ký hợp đồng với công ty đào tạo?
Đa số các bạn sẽ đi hỏi người quen rất nhiều. Với đối tượng này, tôi khuyên nên tìm người có hiểu biết phù hợp. Nếu có người quen trong ngành thì có thể sẽ tốt hơn nữa.
Số ít các bạn chỉ thấy mình có được công ty ký hợp đồng là may mắn rồi, chỉ muốn đồng ý ngay. Vì vậy họ chỉ hỏi qua loa vài người có ý giống mình nhất và bỏ ngoài tai những góp ý thực tế. Với đối tượng này, các bạn có thể xét uy tín, danh tiếng công ty, đã hợp đồng ca sĩ nào và hợp tác lâu dài hay có scandal ra sao…
Và dù hỏi nhiều hay hỏi ít, tìm hiểu công ty kỹ hay sơ sài thì cuối cùng bạn cũng là người ký. Bạn chính là người chọn công ty nên "dù trong dù đục", hãy cố gắng làm cho tốt nhất có thể.
"Tỷ lệ 1:9 hiện nay trong showbiz Việt có thể nói là khá khó để giữ chân được người nghệ sĩ trẻ thiếu sự kiên nhẫn và chưa đủ bản lĩnh để hoạt động trong mô hình đào tạo "gà" khắc nghiệt như Hàn Quốc hay các quốc gia khác". Anh nghĩ sao về nhận định này?
Câu hỏi cũng miêu tả đến sự khắc nghiệt, nên bản thân môi trường showbiz không có chỗ cho người thiếu kiên nhẫn, chưa đủ bản lĩnh. Không có 2 yếu tố này thì không có tỷ lệ nào giúp họ được cả.
Anh nhận định thế nào về tiềm lực phát triển của nam ca sĩ Erik khi tách khỏi công ty quản lý?
Ai nhìn ra và đánh giá cao tài năng cũng như những tính cách tốt đẹp của Erik thì sẽ nhận thôi. Mà sao không hỏi rằng sau những kinh nghiệm vừa qua, Erik có còn dám tìm công ty nữa không? Ca sĩ tự do cũng thành công nhiều mà.