Từ tỷ lệ ăn chia 1:9 giữa Erik và St.319 – Tiêu chuẩn nào để đi đến một con số hợp lý?

Nhật Duy, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 02/03/2017

Tỷ lệ ăn chia 1:9 hay số tiền lương nhận về quá thấp giữa Erik và công ty quản lý đang khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu con số này hợp lý hay chưa giữa thị trường giải trí trong nước hiện nay?

Những ngày qua, việc Erik (cựu thành viên nhóm MONSTAR) đơn phương tuyên bố rời khỏi nhóm cũng như chia tay công ty quản lý của anh là St.319 gây nhiều tranh cãi. Bởi bên cạnh mâu thuẫn về cách làm việc, thì sự chèn ép về vấn đề ăn chia lợi nhuận như: tiền lương ít ỏi (2 triệu/dự án quảng cáo 6 tháng), tỷ lệ ăn chia 1:9 (Erik 10% - công ty 90%), tiền ăn 35 nghìn đồng/bữa, không trả lương cho nhân viên… khiến người bên ngoài đặt câu hỏi "Liệu tỷ lệ và con số trên có bất hợp lý hay không?".

Chuyện mâu thuẫn trong việc ăn chia không còn quá xa lạ giữa nghệ sĩ và công ty giải trí trong nước (cả trên thế giới). Hiện tại nếu nói về tỷ lệ 1:9 thì thoạt đầu ai nghe thấy chắc chắn cũng giật mình, cho rằng đây giống như "hợp đồng nô lệ" bào mòn sức lao động của nghệ sĩ. Nhưng cái giật mình đó có thể chỉ là cảm tính ban đầu. Vì nếu như mức độ đầu tư đủ lớn, lớn tuyệt đối, vượt trội hơn nhiều so với đóng góp của nghệ sĩ thì tỷ lệ này được xem là bình thường. Vì sao?

Từ tỷ lệ ăn chia 1:9 giữa Erik và St.319 – Tiêu chuẩn nào để đi đến một con số hợp lý? - Ảnh 1.

Tỉ lệ ăn chia giữa Erik và công ty cũ đang khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về sự hợp lý trong việc chi trả lợi ích cho nghệ sĩ.

Thứ nhất, không thể biết được con số cụ thể về chi phí hữu hình và vô hình mà một công ty đổ vào nghệ sĩ là bao nhiêu nếu như họ không tiết lộ. 

Bên cạnh chi phí bài hát, học tập chuyên môn, ăn ở, di chuyển, xây dựng hình tượng, sản xuất sản phẩm, nhân sự cho các khâu... (là những khoản có thể liệt kê), thì còn có những chi phí không nhìn thấy được như những mối quan hệ truyền thông, thỏa thuận ngầm, tạo ra cơ hội để ký kết các hợp đồng làm ăn lớn...v.v.

Đại diện St.319 – Aiden đã lên tiếng giải thích: "Nếu tìm hiểu bạn sẽ biết ở Hàn, trong 2 năm đầu – trước khi hoàn vốn của công ty, nghệ sĩ thậm chí còn không được chia doanh thu. Số tiền mà St.319 đã đầu tư cho Erik và MONSTAR lên đến hàng tỷ đồng (MV Baby Baby thực hiện tại Hàn tiêu tốn 1 tỷ rưỡi đồng). Mọi rủi ro đều do công ty chịu. Chúng tôi chưa hoàn vốn nhưng vẫn chấp nhận chia % cho Erik, vậy thử hỏi là công ty hay Erik thiệt? Và tôi có đầy đủ chứng từ chứng minh lương mà Erik nhận được từ công ty không hề thấp".

Từ phát biểu của Aiden, có thể thấy rằng anh vẫn có lý lẽ riêng trong việc chỉ ra những rủi ro phải chấp nhận khi kinh doanh một nhóm nhạc, tạm gọi là đầu tư về con người. Một người làm trong truyền thông cũng có những nhận định khi từng làm quản lý cho nhóm nhạc đầu quân cho một công ty. Và họ cũng tiết lộ tỷ lệ ăn chia 1:9 tương ứng với mức lương thấp bèo bọt của từng thành viên trong nhóm nhận được ở thời điểm đầu, thậm chí không bằng một góc lương quản lý. Nhưng 9 phần còn lại sau khi chia cho nhóm nhạc thì chính là chi phí bắt buộc phải có để duy trì hoạt động của công ty, đắp vào những khoản đầu tư khác, của hàng loạt nhân sự khác.

Từ tỷ lệ ăn chia 1:9 giữa Erik và St.319 – Tiêu chuẩn nào để đi đến một con số hợp lý? - Ảnh 2.

Đằng sau sự thành công của một nhóm nhạc, công ty phải chi trả một khoản chi phí lớn, được xem là một canh bạc đầu mạo hiểm.

Thứ hai, tỷ lệ 9:1 được xem là bình thường khi công ty mang mô hình kinh doanh giải trí của Hàn Quốc về Việt Nam để áp dụng. Và đây cũng là mấu chốt trong vấn đề mâu thuẫn ăn chia lợi nhuận.

Bởi môi trường giải trí ở Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn phát triển, nghĩa là nếu dùng nó để kinh doanh với mong muốn nhận được khoảng thu nhập khổng lồ như các ngành công nghiệp giải trí nước bạn như Hàn Quốc, Nhật Bản là điều chưa thể trong lúc này. Chỉ xét riêng về cát-sê của nghệ sĩ Việt với môi trường nước ngoài, cũng đã thấy là quá khập khiễng. Đối với nghệ sĩ nước ngoài, 10% lợi nhuận được chia thì cũng là con số xứng đáng vì doanh thu họ mang về rất lớn. Do vậy, rất khó để nghệ sĩ Việt Nam mới vào nghề đòi hỏi một con số thật cao trong khi những gì họ kiếm được chưa đáp ứng được đúng với đồng vốn công ty đã đầu tư.

Trong kinh doanh, việc tiên quyết vẫn là thu hồi vốn trước. Nhưng đào tạo nghệ sĩ thì là một canh bạc khó lường trước được thiệt - hơn. Có trường hợp, mất nhiều năm đầu tư nhưng vẫn không mang lại tiếng tăm, lợi nhuận gì, chịu thiệt hại. Không nhà sản xuất nào muốn điều này. Họ bỏ một khối lượng lớn chi phí để xây dựng nên một mô hình giải trí và bạn chỉ là một phần nhỏ trong guồng quay đó. Vẫn còn rất nhiều yếu tố chi trả khác ban đầu để duy trì guồng quay này hoạt động. 

Để đổi về danh tiếng trong khi xuất phát điểm của bạn là số 0, nghĩa là bạn phải đồng ý với tỷ lệ và con số ăn chia có thể rất thấp ban đầu (tương ứng với doanh thu bạn kiếm được cho công ty) để có được nhiều lợi ích vô hình khác như danh tiếng, năng lực chuyên môn, mối quan hệ... Có trường hợp công ty vẫn chịu lỗ để trả lương cho nghệ sĩ, vì thời gian đầu, doanh thu họ mang về chưa bằng một góc chi phí đầu tư công ty đã đổ vào các sản phẩm, xây dựng tên tuổi cho bạn. Không có nghệ sĩ đơn nào có thể thành công nếu không có một ê-kíp mạnh phía sau.

Sau khi nổi tiếng và có khả năng mang về thu nhập lớn, được hiểu là đã hoàn vốn và bắt đầu sinh lời, tỷ lệ này có thể được thỏa thuận lại sau khi hết kỳ hạn hợp đồng. Hoặc việc tách riêng ra để hoạt động lúc đó cũng không phải là vấn đề to tát khi bạn đã đủ cứng cáp về kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, mối quan hệ, danh tiếng... để phục vụ cho những hoạt động khác.

Chúng tôi đã liên hệ với đạo diễn Quang Huy để có thêm nhận định chuyên môn hơn về sự việc này:

Anh đánh giá thế nào trước tỷ lệ ăn chia 1:9 trong hợp đồng lao động giữa nghệ sĩ và công ty quản lý được cho là chèn ép, bất hợp lý?

Về góc độ kỹ thuật, những thông tin đó chưa đủ để đánh giá được. Bởi vì giống như bạn hỏi tôi việc 85 kg là mập hay ốm mà không có thông tin về chiều cao vậy.

Giữa hoạt động hai bên cùng đầu tư, mình cứ tạm xem bản thân nghệ sĩ, tài năng và những sản phẩm đặc biệt của họ cũng là một đồng vốn, và vấn đề là họ phải định giá được nó là bao nhiêu ngay từ đầu. Mọi yếu tố như năng khiếu đặc biệt, khả năng chuyên môn, vốn kiến thức đang có… những yếu tố trừu tượng đó buộc phải quy về con số % trên đồng vốn của hợp đồng đó, đánh giá xem nó sẽ chiếm bao nhiêu % so với mức đầu tư bằng tiền, chiến lược, các giá trị vô hình khác của công ty.

Vì đó là hợp đồng của hai bên nên việc cả hai bên đã có sự thỏa thuận hợp lý ngay từ đầu. Cả 2 phía đều cần có sự trao đổi nghiêm túc, công bằng và kĩ càng về năng lực của đôi bên để xây dựng một mối hợp tác bền vững, sòng phẳng. Cho dù là phía nào thay đổi suy nghĩ thì một khi chúng ta đã đọc, đã ký thì phải tôn trọng cam kết đó trước đã.

Với linh cảm nghề nghiệp, tôi cảm nhận được vấn đề của sự việc này qua kinh nghiệm của mình, nhưng không thể nào đưa ra phán đoán nào mang tính chủ quan chỉ dựa trên linh cảm cá nhân.

Việc nghệ sĩ đột ngột rời công ty vướng vào kiện tụng, anh cảm thấy thế nào?

Là một nhà quản lý, dĩ nhiên tôi không ủng hộ việc nghệ sĩ cắt ngang hợp đồng đột ngột như vậy, cho dù bên nào sai đi nữa. Bởi vì nhìn vào chỉ thấy showbiz không chuyên nghiệp. Nếu muốn xử lý vấn đề khúc mắc giữa 2 bên thì chỉ cần gặp nhau để tháo gỡ, nếu không tháo gỡ xong thì có thể nhờ toà án.

Khi ra tòa, pháp luật không có khái niệm bạn là ca sĩ hay nhà quản lý, mà khi đó bạn là một bên thực hiện hợp đồng. Nếu hợp đồng bạn xây dựng các điều khoản dưới luật pháp bảo hộ thì luật pháp sẽ căn cứ bảo hộ cho cả hai bên.

Đặt tỷ lệ ăn chia 1:9 ở Việt Nam, nhiều người cho rằng có sự bất công, choáng ngợp. Nhưng theo anh con số này có thích hợp giữa một công ty với ca sĩ họ đào tạo hay không?

Như tôi đã nói, không thể kết luận với chỉ một thông tin về tỉ lệ. Còn về kinh nghiệm của tôi thì cho dù hợp lý thì tỉ lệ đó cũng khó tồn tại ở Việt Nam ít nhất là trong vài năm sắp tới. Vì doanh thu ở Việt Nam không đủ lớn để dù chỉ 10% cũng là con số thoả mãn được cho nghệ sĩ. Mặt khác, ở nước ngoài nghệ sĩ khi có tên tuổi họ có nhiều nguồn thu nhập: kinh doanh chuỗi nhà hàng, nhãn hiệu thời trang, dịch vụ làm đẹp... Còn ở Việt Nam, tên tuổi nghệ sĩ chỉ dùng để làm công việc chuyên môn của mình được thôi.

Nhìn bên ngoài vào, tỷ lệ ăn chia quá chênh lệch khiến cho người ta cảm thấy các nhà sản xuất ở thị trường trong nước không đủ "mát tay" để giữ nghệ sĩ ở lại lâu dài. Anh nghĩ sao?

Tôi tin chắc ngoài tỷ lệ doanh thu, Erik gặp nhiều vấn đề hơn nữa. Nhưng dù thế nào thì việc một cá nhân và một công ty gặp những bất đồng là chuyện bình thường. Mọi thứ đều có thể đối thoại để tìm hướng đi, kể cả hướng ngưng hợp tác cũng nên là đối thoại thay vì đối đầu.

Trong việc này, tôi nhìn thấy vấn đề ở tính chuyên nghiệp thôi. Trừ khi những trường hợp công ty làm điều gì quá đáng vi phạm hiến pháp như là vấn đề nhân quyền, hay vi phạm pháp luật, hay cố tình không thực hiện trách nhiệm theo cam kết gây tổn hại cho nghệ sĩ thì còn có thể thông cảm việc bỏ ngang không thông báo. Còn đơn giản chỉ là những điều khoản hợp đồng chưa thực hiện đúng kì vọng, hoặc bất cứ bên nào muốn thay đổi điều khoản hợp đồng thì phải gặp nhau, đặt vấn đề của mình lên bàn để đàm phán. Đó là lý do tại sao có khái niệm phụ lục hợp đồng. Nếu không xong hoặc không được lắng nghe thì đề nghị thanh lý đúng theo điều khoản thanh lý, nếu có tranh chấp không thể hoà giải thì ra toà.

Để đạt được tính chuyên nghiệp, theo anh những người trong ngành cần điều gì?

Trước hết, công ty quản lý nghệ sĩ ở Việt Nam như chúng tôi nên nâng cao nghiệp vụ mình hơn, ý thức được vai trò nhiệm vụ của mình, để nghệ sĩ cảm thấy công ty thực sự hữu ích cho sự nghiệp của họ. Thứ hai, làm cho người nghệ sĩ nhìn nhận được khi có công ty, họ được lợi gì so với khi họ làm một mình. Bên cạnh đó, muốn tiến lên chuyên nghiệp thì mọi con đường bắt buộc phải đi qua đó là minh bạch. Minh bạch trong quyền lợi, trách nhiệm, sự phân chia vai trò và minh bạch trong các mối quan hệ.

Về việc công ty gây khó dễ cho một nghệ sĩ sau khi họ mâu thuẫn, kiện tụng. Theo anh khả năng này có tồn tại không?

Tôi không ủng hộ chuyện gây khó dễ với nghệ sĩ. Thay vì nghĩ cách gây khó dễ cho họ, tôi nghĩ tôi sẽ dùng thời gian để cải tiến chất lượng làm việc để có nhiều cơ hội làm việc với nhiều nghệ sĩ hơn. Đúng sai ở ta hiện nay chưa đủ nguồn lực, năng lực và pháp lý để đánh giá đâu, còn cần thêm thời gian để công nghiệp giải trí Việt Nam trưởng thành hơn.

Từ tỷ lệ ăn chia 1:9 giữa Erik và St.319 – Tiêu chuẩn nào để đi đến một con số hợp lý? - Ảnh 4.

Đạo diễn Quang Huy nhận định: "Một cá nhân và một công ty gặp những bất đồng là chuyện bình thường. Nhưng kể cả hướng ngưng hợp tác cũng nên là đối thoại thay vì đối đầu"

Tỷ lệ 1:9 hiện nay trong showbiz Việt có thể nói là khá khó để giữ chân được người nghệ sĩ trẻ thiếu sự kiên nhẫn và chưa đủ bản lĩnh để hoạt động trong mô hình đào tạo "gà" khắc nghiệt như Hàn Quốc hay các quốc gia khác. 

Dù sao, việc một nghệ sĩ còn quá trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề như Erik lại có động thái rời khỏi công ty một cách đột ngột cho thấy đây là một quyết định không chuyên nghiệp. Sự vội vàng này nhiều khả năng mang lại thiệt hại về cả vật chất, tinh thần lẫn danh tiếng mà nam ca sĩ trẻ chỉ mới đang bước đầu xây dựng. Bởi trước hết vẫn cần nhấn mạnh rằng, dù bất công hay hợp lý, khi đặt bút ký thì đó đã là cái gật đầu của nam ca sĩ để đổi lấy những lợi ích mà anh cho là phù hợp với mình ở thời điểm đó.

Ở câu chuyện của Erik và công ty St.319, khi hợp đồng và kiện tụng giữa hai bên chưa được pháp luật minh bạch, hiện không thể nào đưa ra phán đoán nào mang tính chủ quan. Đúng sai vẫn cần thêm thông tin. Ví dụ ở thời điểm đó Erik đã nghiên cứu hợp đồng đến đâu, nghĩ được những gì, và so với những gì Erik nghĩ ban đầu thì hiện tại có khác gì so với những gì được hứa, những gì thỏa thuận trong hợp đồng. Có được sự khác biệt đó thì mới giải thích hợp lý được vấn đề.