Là một công ty đa quốc gia, Panasonic không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm điện tử hàng đầu thế giới, mà đây còn là nơi làm việc được nhiều bạn trẻ khao khát.
Tuy có quy mô lớn lên đến hàng trăm nghìn nhân viên, nhưng bộ phận quản lý nhân sự của Panasonic hầu như không dùng các câu hỏi phổ thông, mà sử dụng các câu hỏi thiên về EQ nhiều hơn để lựa chọn ứng viên phù hợp. Theo họ khi bằng cấp hay kinh nghiệm ngang bằng nhau, thì EQ chính là cách tuyệt vời để đánh giá kỹ năng xử lý tình huống của người trẻ.
Trong lần tuyển dụng kế toán cách đây không lâu, qua nhiều bài kiểm tra cam go thì còn lại 3 ứng viên tiềm năng lọt vào vòng cuối cùng. Phòng nhân sự đã hẹn 3 cô gái hãy quay lại công ty vào ngày mai, còn bây giờ các cô có thể về nhà nghỉ ngơi để thư giãn tinh thần.
Trở lại công ty vào hôm sau, ba cô gái bước vào phòng phỏng vấn thì nhận được một chiếc áo cùng túi da màu đen. Và yêu cầu của thử thách lần này là: "Hiện tại chiếc áo tôi đưa cho các bạn có dính một vết bẩn ngay ngực. Trước 8h15, các bạn phải xử lý xong vết bẩn để kịp đi đến phòng tổng giám đốc trình diện", người tuyển dụng nói.
Sau khi nhận được thử thách, ba cô gái được gọi tắt là A, B, C liền suy nghĩ tìm ra cách xử lý vết bẩn để kịp đi đến phòng tổng giám đốc trong tình trạng gọn gàng, sạch sẽ nhất có thể.
Với ứng viên A, cô nàng nhanh chóng lấy khăn tay trong túi của mình ra để chà lên chiếc áo, tuy nhiên vết bẩn vì bị cọ xát nên không sạch mà còn lan ra xung quanh. Nhìn thấy không có khả năng đi tiếp, nhân sự ra thông báo cô đã bị loại khỏi vòng kiểm tra này.
Tiếp theo với ứng viên B, sau khi thấy người đầu tiên đã bay màu khỏi cuộc chơi nên cô lập tức chạy vào nhà vệ sinh, hy vọng dùng xà phòng để tẩy vết bẩn. May mắn vết bẩn đã biến mất sau nhiều lần chà mạnh tay, tuy sạch sẽ nhưng chiếc áo của cô nàng cũng thấm đẫm nước ngay ngực. Không còn nhiều thời gian để suy nghĩ, cô liền chạy đến phòng tổng giám đốc.
Vừa bước vào phòng, ngước lên nhìn đồng hồ thấy đúng 8h15, ứng viên B cũng nhìn thấy nữ sinh C đã ngồi ngay ngắn trên ghế nhưng vết bẩn vẫn còn trên áo. Cô nàng mỉm cười và thầm nghĩ chiếc ghế kế toán lần này chắc chắn thuộc về mình.
Tuy nhiên suy nghĩ ấy bỗng biến mất khi nhân sự thông báo rằng, ứng viên C mới là người chiến thắng thử thách lần này. Cảm thấy khó hiểu khi vết bẩn trên áo của nữ sinh C vẫn còn thì sao có thể giành ưu thế hơn mình được. Nhân sự nhìn thấy ánh mắt ấy nên đã nói thêm: "Nữ sinh C đã mang túi da màu đen trước ngực để chặn vết bẩn. Còn cô tuy vết bẩn biến mất nhưng áo lại bị ướt, ngoài ra cô còn quên cả chiếc túi da nữa. Nếu trong túi có hồ sơ quan trọng mà bị người khác lấy mất thì cô có thể gánh lấy được hậu quả hay không"?
Nhanh chóng rời khỏi phòng tổng giám đốc, nữ sinh B đã nhận ra được bài học cho bản thân đó chính là, hãy cố gắng tận dụng những thứ xung quanh mình kèm một cách nghĩ tinh tế sẽ giúp hành động vừa tiết kiệm thời gian, mà còn giảm thiểu sai sót. Ngoài ra đây là bài kiểm tra EQ, đôi khi kết quả chưa phải là điều quan trọng nhất, mà cách giải quyết vấn đề như thế nào mới gây ấn tượng mạnh trước nhà tuyển dụng.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận xét, những người thành đạt không hẳn là người có IQ cao nhất mà là người có EQ cao nhất. Chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) thể hiện khả năng thấu hiểu người khác, thích hợp làm trong môi trường tập thể. Đây chính là yếu tố cần thiết mà nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm, thay vì quá thông minh nhưng lạnh lùng, kiêu ngạo, không biết thông cảm hay thấu hiểu cho đồng đội.