Lưu Ly là sinh viên năm 4 tại trường đại học có tiếng ở Trung Quốc. Để chuẩn bị cho kỳ thực tập của mình, Lưu Ly đã ứng tuyển vào một công ty về logistic theo đúng chuyên ngành mình học. Vì trong quá trình học tập, Lưu Ly tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa nên CV của cô nàng khá sáng giá, nên dễ dàng vượt qua kỳ vòng CV.
Tuy nhiên, đến vòng phỏng vấn mới thật sự là "kiếp nạn" của Lưu Ly. Khi được nhà tuyển dụng hỏi "Điểm mạnh của bạn là gì?", vì chưa có kinh nghiệm đi xin việc, nên cô nàng đã liệt kê 7749 thành tích đạt được, thậm chí nhiều cái cô nàng còn "tâng bốc" bản thân lên 1 tý vì nghĩ như thế sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Nhưng người tính không bằng trời tính, nghe Lưu Ly "phông bạt", huyên thuyên về khả năng, thành tích của mình, nhà tuyển dụng nhắc đầu ngao ngán: "EQ em thấp quá!" và liền bị loại luôn. Sau khi biết kết quả, cô nàng rất sốc, mãi sau Lưu Ly mới biết chính sự "phông bạt" của mình đã dẫn đến kết quả đáng tiếc như vậy.
Người có chỉ số cảm xúc (EQ) thấp thường thiếu kỹ năng tự nhận thức và kiểm soát cảm xúc của mình. Họ có xu hướng khoe khoang và phô trương bản thân một cách quá mức, không nhận ra rằng hành vi đó có thể gây khó chịu cho người khác. Khoe khoang không chỉ là cách thể hiện sự tự tin một cách lố bịch, mà còn có thể là biểu hiện của sự bất an và nhu cầu được công nhận. Những người này thường không thấu hiểu được cảm xúc của người khác, họ khó có thể nhìn nhận một cách sâu sắc về tác động của lời nói và hành vi của mình đối với môi trường xung quanh.
Họ thích nói về thành tích, những món đồ đắt tiền hoặc những trải nghiệm độc đáo của mình mà không quan tâm liệu người nghe có thực sự quan tâm hay không. Hành vi này không chỉ khiến người khác cảm thấy không thoải mái mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng. Khi ai đó liên tục khoe khoang, người khác có thể cảm thấy bị coi thường hoặc bị áp đặt phải ngưỡng mộ.
Để cải thiện mối quan hệ xã hội và tạo ra một ấn tượng tích cực hơn, người có EQ thấp cần phải học cách lắng nghe và quan sát môi trường xung quanh mình. Họ cần phát triển kỹ năng đồng cảm và hiểu rằng không phải lúc nào việc thể hiện bản thân cũng là điều quan trọng. Sự khiêm tốn và sự chân thành sẽ giúp họ kết nối tốt hơn với người khác và xây dựng mối quan hệ lâu dài, bền vững.
Tóm lại, việc khoe khoang không chỉ là dấu hiệu của việc thiếu tự nhận thức và kiểm soát cảm xúc mà còn là rào cản trong việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh. Người có EQ thấp cần nhận ra điều này và làm việc để cải thiện kỹ năng giao tiếp và cảm xúc của mình.
Để trả lời câu hỏi "Điểm mạnh của bạn là gì?" từ nhà tuyển dụng, bạn nên tuân theo một số bước như sau:
1. Tự nhận thức: Trước hết, bạn cần hiểu rõ về bản thân mình, bao gồm khả năng, kỹ năng và thành tích. Bạn có thể liệt kê những kỹ năng mà bạn nghĩ là mạnh nhất của mình và nó phải phù hợp với vị trí đang ứng tuyển.
2. Liên hệ với công việc: Chọn ra những điểm mạnh mà bạn tin rằng phù hợp nhất với vị trí công việc mà bản thân đang ứng tuyển. Nhà tuyển dụng thường quan tâm đến những điểm mạnh có thể đóng góp trực tiếp vào công việc.
3. Chứng minh bằng ví dụ: Đưa ra những ví dụ cụ thể từ kinh nghiệm làm việc hoặc học tập của bạn để chứng minh cho điểm mạnh đó. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng hình dung rõ ràng về khả năng của bạn.
4. Tránh khoe khoang: Mặc dù bạn cần thể hiện sự tự tin, nhưng hãy tránh việc phô trương quá mức hoặc nói quá lên về bản thân.
5. Kết nối điểm mạnh với mục tiêu công ty: Nếu bạn biết về mục tiêu và văn hóa công ty, hãy cố gắng liên kết điểm mạnh của bạn với cách chúng có thể giúp đạt được mục tiêu chung.
Dưới đây là một ví dụ về cách bạn có thể trả lời câu hỏi:
“Điểm mạnh của em là khả năng giải quyết vấn đề và sự sáng tạo. Ví dụ, trong dự án gần đây, em đã tham gia và đề xuất một giải pháp sáng tạo để tối ưu hóa quy trình làm việc, giúp tiết kiệm 20% thời gian cho đội ngũ. Em tin rằng khả năng này sẽ rất hữu ích cho vị trí mà bản thân đang ứng tuyển và có thể giúp công ty chúng ta đạt được mục tiêu hiệu quả hơn”.
Tổng hợp