Nhà khoa học Trung Quốc dùng thơ của vua Càn Long để nghiên cứu loài cá heo hiếm có

Kim, Theo thanhnienviet.vn 20:40 10/05/2025
Chia sẻ

Thơ cổ Trung Hoa hé lộ lịch sử phân bố cá heo Dương Tử, giúp giải mã suy giảm loài quý hiếm này.

Vào khoảng năm 1765, khi Càn Long - hoàng đế Trung Hoa và cũng là thi nhân có tài - đang du ngoạn trên sông Dương Tử, đi thuyền hướng về thành phố Trấn Giang thì bắt gặp một cảnh tượng ngoạn mục: một đàn cá heo không vây Dương Tử trồi lên khỏi mặt nước.

Được thiên nhiên truyền cảm hứng, Càn Long chắp bút viết thơ, dịch nghĩa như sau:

"Cá heo đuổi theo ánh trăng trên làn sóng bạc, như rồng gọi mây giông hiện hình phía trước".

Nhà khoa học Trung Quốc dùng thơ của vua Càn Long để nghiên cứu loài cá heo hiếm có- Ảnh 1.

Một cá thể cá heo không vây Dương Tử - Ảnh: Wenpu Wang/Getty Images.

Gần 300 năm sau, khi các nhà khoa học muốn vẽ lại phạm vi sinh sống lịch sử của loài động vật có vú đang bị đe dọa nghiêm trọng này, họ đã tra cứu hàng trăm bài thơ cổ Trung Hoa để tìm kiếm những văn tự đề cập đến nó, với hy vọng có thể lập bản đồ phân bố lịch sử của loài, từ đó hiểu rõ hơn các mối đe dọa đang đe dọa phân loài mong manh này.

Có danh pháp hai phần Neophocaena asiaeorientalis và chỉ được tìm thấy tại sông Dương Tử, đây là loài cá heo nước ngọt hiếm có, và hiện chỉ còn khoảng 1.250 cá thể tồn tại trong tự nhiên.

Dù được gọi là “cá heo” (tên tiếng Anh là “porpoise”) và có ngoại hình tương đồng với loài động vật có vú này, chúng lại có họ hàng gần hơn với kỳ lân biển (narwhal - Monodon monoceros ) và cá voi trắng (beluga - Delphinapterus leucas ), hơn là cá heo đích thực.

Việc tiếp cận được dữ liệu quá khứ cho phép chúng tôi xác định khi nào sự suy giảm bắt đầu và liên hệ các thay đổi đó với những mối đe dọa tiềm tàng như phá hủy môi trường sống, biến đổi khí hậu, săn bắt quá mức, dịch bệnh hoặc sự xâm nhập của loài xâm lấn ”, nhà sinh thái học Zhang Yaoyao, công tác tại thuộc Viện Thủy sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết.

Nhà khoa học Trung Quốc dùng thơ của vua Càn Long để nghiên cứu loài cá heo hiếm có- Ảnh 2.

Một minh họa in mộc bản thời Minh từ tác phẩm Tam tài đồ hộ, một bộ sách gồm 49 quyển về thơ ca mô tả chim muông và động vật. Bài thơ này ghi chép tỉ mỉ về cá heo không vây Dương Tử thông qua các đặc điểm hình thái, tư thế trồi lên mặt nước và hành vi chăm sóc con non của chúng.

Bà Zhang và các đồng nghiệp đã tra cứu thơ cổ để tìm dữ liệu liên quan tới loài cá heo nước ngọt. “ Chúng tôi tìm kiếm các danh xưng cổ khác nhau của cá heo không vây Dương Tử trong thơ văn các triều đại, và kiểm chứng một cách thủ công từng trường hợp để chắc chắn rằng văn tự thực sự nhắc đến cá heo, chứ không phải loài vật khác ”, nhà nghiên cứu nói.

Các thi nhân mô tả sinh động hành vi thực tế của loài cá heo [bằng ngôn từ] như ‘thổi sóng…’, ‘nổi sóng cuồn cuộn…’ và ‘cúi mình trước gió’ ”, bà nói thêm.

Nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai trên tạp chí Current Biology đã phát hiện 724 bài thơ có đề cập đến cá heo, một nửa trong số đó cung cấp thông tin về địa điểm nơi chúng được nhìn thấy.

Dữ liệu cho thấy phạm vi sinh sống của cá heo đã giảm khoảng 65% trong 1.400 năm, với tốc độ suy giảm tăng nhanh trong thế kỷ vừa qua. Các bài thơ từ thời xa xưa ghi lại sự hiện diện của loài vật này tại các phụ lưu và hồ dọc theo sông Dương Tử, nhưng trong những bài thơ gần đây hơn, các đề cập như vậy đã giảm mạnh.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng phạm vi phân bố của phân loài này tại các phụ lưu và hồ đã suy giảm tới 91%.

Nhà khoa học Trung Quốc dùng thơ của vua Càn Long để nghiên cứu loài cá heo hiếm có- Ảnh 3.

Một cá thể Neophocaena asiaeorientalis đang săn mồi tại hồ Bà Dương - Ảnh: Yu Huigong.

Nghiên cứu này “ kế thừa nhiều ví dụ trước đó cho thấy văn bản lịch sử thuộc nhiều thể loại có thể giúp ta hiểu về sự phân bố loài trong quá khứ ”, cũng như “ sự mất mát đa dạng sinh học do con người gây ra ”. Đó là nhận định của nhà đại sinh thái học Jens-Christian Svenning tại Đại học Aarhus (Đan Mạch), người không tham gia vào nghiên cứu.

Trong quá khứ, những nghiên cứu tương tự cũng từng được thực hiện. Ví dụ, các nhà khoa học đã tái dựng thành phần động vật cổ ở Hy Lạp nhờ các miêu tả trong thơ ca sử thi cổ. Dù phương pháp này có thể gặp thách thức và thậm chí vẫn có thể mắc sai sót, nhưng theo ông Svenning, “nó chắc chắn có tiềm năng lớn” để áp dụng cho các loài khác và tại những khu vực khác trên thế giới.

Nhà nghiên cứu Zhang Yaoyao cho biết trong bước tiếp theo, bà và các cộng sự sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vào kho thơ ca đã thu thập được để tìm kiếm thông tin về “ diện mạo dòng sông thuở trước, quy mô các đàn cá heo đương thời, và cách chúng từng hành xử trước khi số lượng suy giảm ”.

Theo Scientific American

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày