Cách đây không lâu, trong một hội nhóm về quản lý tài chính, bài đăng của vợ chồng kiếm được 30-40 triệu/tháng đã nhận được nhiều quan tâm. Lý do là bởi nhờ khả năng thu chi cực khéo nên họ có thể tiết kiệm được ít nhất 21 triệu/tháng.
Cụ thể: Gia đình có 4 người, gồm 2 vợ chồng và 2 con (1 bé 7 tuổi, 1 bé hơn 1 tuổi). Chồng nhận được lương 30-40 triệu/tháng, còn vợ ở nhà chăm con và làm nội trợ.
Bảng thu chi trung bình một tháng của gia đình này như sau:
- Tiền nuôi bé lớn : 1,5 - 2 triệu. (Khoản chi này bao gồm tiền đi học trên trường, tiền đi học thêm và học năng khiếu, tiền mua sữa học đường).
- Tiền ăn uống, mua vitamin,... : 4,5 - 5 triệu.
- Tiền phát sinh: 3 triệu.
- Tiền mua bảo hiểm nhân thọ: 1 triệu.
- Tiền đầu tư cá nhân: 9 triệu.
- Tiền vay mua đất: 2,4 triệu.
- Tiền gửi tiết kiệm: 12 - 15 triệu.
Người vợ chia sẻ, cô nàng đang có dự định gia tăng quỹ tiết kiệm và muốn tìm hiểu thêm phương pháp để tối ưu hoá thu chi của gia đình. Tuy nhiên, ở dưới phần bình luận, số đông ý kiến đều cho rằng cặp đôi đã chi tiêu khéo léo rồi, do đó sẽ khó để sống tiết kiệm hơn nếu không muốn hạ thấp chất lượng sống.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Bạn vén khéo lắm cũng chỉ vén được vậy thôi chứ như thế nào được nữa. Bạn có 9 triệu đầu tư cá nhân + 2,4 triệu tiền trả ngân hàng + 1 triệu mua bảo hiểm + 15 triệu gửi ngân hàng. Tổng 27.5 triệu rồi. Trong khi đó, bạn chi tiêu cho ăn uống, học hành, đối nối đối ngoại mà hết có 12.5 triệu (với tháng thu nhập 40 triệu) thì bạn còn định cắt tới đâu nữa.
- Lương bạn kiếm được 30-40 triệu. Trong đó, đầu tư cá nhân: 9 triệu, trả nợ hơn 2 triệu, tiết kiệm 12-15 triệu. Vị chi bạn chỉ tiêu có khoảng 6-14tr tùy tháng với gia đình có 2 đứa con. Vậy là vén quá khéo rồi còn gì nữa ạ.
- Mỗi tháng bạn gửi tiết kiệm 12-15 triệu, đầu tư cá nhân là 9 triệu. Vậy hàng tháng bạn có ít nhất 21 triệu tiết kiệm. Chi tiêu thế này là quá khéo rồi bạn. Đừng cố sống tiết kiệm nữa thì chỉ có khổ thêm thôi.
- Khéo thế thì cần gì vén nữa. Chị em còn phải vào mà học tập bạn.
- Bạn vén thế này thì mình còn phải học theo.
Tìm ra cách tiết kiệm tiền là điều mà nhiều người quan tâm. Nếu bạn không ngại "chịu khổ" và tiết kiệm tiền đang là ưu tiên hàng đầu của bạn ở thời điểm hiện tại thì những thử thách dưới đây chính là dành cho bạn:
1. Thử thách "một ngày không chi tiêu"
Hãy chọn một ngày trong tuần mà bạn không chi tiêu vào những thứ không cần thiết. Thử thách này thách thức bạn sử dụng những gì bạn đã có. Vì vậy bạn có thể thấy mình đang lục tung tủ lạnh để nấu đồ ăn còn sót lại, hoặc đi ra công viên chạy bộ thay vì tốn tiền đi uống cafe để chữa lành. Bằng cách gia tăng số lượng "ngày không chi tiêu", bạn có tiết kiệm được nhiều hơn, học cách sống tối giản và giảm phụ thuộc vào việc tiêu tiền.
2. Thử thách "không ăn ngoài"
Trong một tuần hay một tháng, bạn hãy bắt buộc bản thân từ bỏ hoàn toàn việc đi ăn ngoài. Thay vào đó là bạn nên chuẩn bị bữa ăn nấu tại nhà. Điều này giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho việc đi ăn hàng - những khoản chi tưởng nhỏ nhưng cộng lại theo từng tuần, từng tháng thì là con số lớn. Bạn có thể thay thử thách "không ăn ngoài" bằng thử thách "không mua quần áo mới", thử thách "không chi tiền vào thiết bị điện tử",... miễn đó là sở thích hoặc thói quen khiến bạn đang chi tiêu lãng phí.
3. Thử thách tiền lẻ
Hãy ước lượng số tiền bạn cần chi để mua sắm trong một tuần, sau đó đổi chúng thành tiền mặt và cất trong ví. Trong một tuần, bạn chỉ được phép dùng tiền mặt trong ví để tiêu, nói không với các cứu trợ khác như thẻ thanh toán, thẻ tín dụng,... Sau 1 tuần, nếu bạn còn thừa tiền trong ví thì có thể để thêm chúng quỹ tiết kiệm. Còn chẳng may vào giữa tuần bạn đã hết tiền mặt, thì hãy ngậm ngùi tránh xa các nhu cầu chi tiêu để không cho phép bản thân tiếp tục tiêu xài hoang phí.
4. Thử thách "52 tuần tiết kiệm"
Đây là một thử thách kinh điển dành cho những ai đang muốn tiết kiệm. Theo đó, bạn sẽ cố gắng tiết kiệm một số tiền tăng dần theo mỗi tuần trong một năm liên tục. Với tuần đầu tiên, bạn bắt đầu với con số nhỏ - điều mà có thể khiến bạn thoải mái và hào hứng với hành trình. Ví dụ, nếu bạn bắt đầu bằng cách để dành 10 nghìn đồng tiết kiệm trong tuần đầu tiên rồi tăng dần thì sau 1 năm bạn sẽ tiết kiệm được một số tiền. Thực hiện thử thách này là cách tuyệt vời để bạn nâng cao tính tự giác về tiền bạc của mình.