Mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội, bài đăng về chi tiêu của cặp vợ chồng 9x đời cuối, đang có 1 bé 1 tuổi rưỡi đã nhận được nhiều chú ý. Tình hình tài chính của gia đình này như sau: Vợ kiếm được 20-25 triệu/tháng, chồng kiếm được 16 triệu/tháng. Con đang đi học ở trường mầm non tư thục.
Họ phân bổ thu nhập như sau: Chồng giữ lại 6 triệu/tháng để chi tiêu cá nhân. Còn lại, họ góp trung bình 30 triệu/tháng vào quỹ chung. Hiện, mỗi tháng họ đang tiết kiệm được 10 triệu đồng từ tổng thu nhập của hai vợ chồng. Mục đích của cặp đôi là muốn gia tăng quỹ tiết kiệm, nên người vợ đã chia sẻ bảng chi tiêu của gia đình lên mạng xã hội để nhờ sự tư vấn của cộng đồng mạng.
Với quỹ chung là 30 triệu/tháng, cặp đôi dùng để chi tiêu như sau:
- Trả tiền thuê nhà, bao gồm cả điện nước: 7 triệu.
- Tiền học của con: 3,7 triệu.
- Tiền bỉm sữa, vitamin, ăn tối của con: 3-4 triệu.
- Tiền đi chợ của bố mẹ: 3 triệu.
- Tiền ăn hàng: 3-5 triệu. Con số này thậm chí có thể tăng hơn nếu tháng nào gia đình họ đi ăn hàng nhiều.
- Tiền mua sắm lặt vặt: 1-2 triệu.
- Tiền mua trà sữa: 500 ngàn.
- Tiền tiết kiệm: 10 triệu.
Chị vợ cho biết thêm, về riêng 6 triệu mà chồng giữ làm quỹ riêng thì được anh dùng để chi trả nhiều khoản chi phí. Bao gồm nuôi xe ô tô, ăn trưa ở công ty, trả góp mua điện thoại, ăn sáng, mua cafe, và thỉnh thoảng đi chợ hộ vợ.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đã chỉ ra những khoản chi chưa hợp lý, có thể cắt giảm để họ tiết kiệm được nhiều hơn. Tựu chung lại, họ cho rằng với tổng thu nhập của hai vợ chồng thì quỹ tiết kiệm hoàn toàn có thể được gia tăng nếu cặp đôi biết mua sắm hợp lý.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- "Chồng cầm 6 triệu để chi tiêu thì vợ phải cắt ra hẳn 10 triệu để tiết kiệm. 20 triệu còn lại, bạn chia đều ra tất cả các khoản cố định như tiền học của con, tiền thuê chung cư đã bao gồm điện nước. Còn lại bao nhiêu là tất cả những khoản mà bạn có thể tiết kiệm được. Bạn chia đều những khoản chi tiêu này và có hạn mức tiêu ở khoản đó. Như thế, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn".
- "Bạn nên cắt giảm việc thuê chung cư, cho con học ở trường công, cắt bớt tiền ăn vặt của con và bỉm sửa vì bé lớn rồi. Bạn cũng nên cắt khoản ăn ngon ở tiệm. Hai bạn chưa có nhà, đã nuôi ô tô mà còn ăn tiêu hoang, trong khi lương có 30 triệu hơn"
- "Bạn nên cắt bớt tiền nuôi ô tô và thuê chung cư. Ngoài ra, bạn có thể tiết kiệm tiền bỉm sửa cho con vì con bạn đã ăn 4 bữa và uống sữa tại lớp rồi".
- "Nếu chồng bạn thích ăn ngon thì phải tìm cách gia tăng thu nhập. Chồng bạn làm được 16 triệu mà đã mua điện thoại xịn, nuôi ô tô, trả góp rồi uống cafe, ăn sáng sang chảnh trong khi con còn nhỏ, thì chồng phải tiết kiệm hơn. Như thế, khi con lớn hơn tí thì nhà bạn mới có dư và phòng rủi ro. Trong khi đó, nhà chưa có mà phải đi thuê. Người vợ thì có bao nhiêu là tiêu bấy nhiêu vào những thứ chả mang lại lợi ích gì.
Thứ nhất, gia đình bạn nên tiết kiệm khoản tiền mua cafe, ăn sáng của chồng. Thứ hai, bạn nên cho con học trường công cho rẻ. Thứ ba là bạn cắt giảm tiền mua bỉm sữa, vitamin cho con. Hãy tập cho con ăn uống theo bố mẹ chứ không phải có khẩu phần riêng.
Thứ tư là hiện nay tiền ăn hàng của nhà bạn quá lãng phí. Muốn tiết kiệm thì nhà bạn phải cắt khoản này, vì không có lợi ích gì cho cuộc sống cả. Thứ năm là khoản 1-2 triệu mua sắm lặt vặt thì bạn có thể săn sale và mua chai to, đồng thời hạn chế mua lặt vặt những thứ không cần thiết. Chứ thực tế là hiện nay thu nhập như kia mà nhà bạn toàn tiêu vào những cái không cần thiết, lương không tăng mà tiêu thì vung tay".
- "Mình thấy về tiền mua trà sữa, thuê nhà, ăn tối và bỉm sửa cho con, tiền ăn hàng - là có thể vén khéo được. Nếu biết chi tiêu khéo chỗ này thì để được ít ra 5 triệu mỗi tháng".
Nếu vẫn còn cảm thấy băn không biết phân bổ chi tiêu thế nào cho hợp lý để cuộc sống vừa đủ đầy, thoải mái mà vẫn có tiền tiết kiệm, bạn có thể tham khảo những lời khuyên dưới đây từ các chuyên gia tài chính của Forbes.
- Bước 1: Thiết lập mục tiêu tài chính rõ ràng
Mục tiêu tài chính của bạn phải rõ ràng và cụ thể. Ví dụ, thay vì nói "tiết kiệm tiền để mua nhà", bạn có thể nói tiết kiệm 2 tỷ để mua nhà. Sự rõ ràng trong mục tiêu cũng giúp cả hai đều có thể gia tăng trách nhiệm về quản lý tài chính, chống lại cám dỗ tiêu dùng.
- Bước 2: Quyết định về chi phí chung và chi phí cá nhân
Bằng cách xác định rõ ràng chi phí nào sẽ được chi trả chung (như tiền thuê nhà, mua đồ ăn) và chi phí nào là chi phí cá nhân (như giải trí hoặc sở thích), cả hai bạn có thể đảm bảo trách nhiệm tài chính được chia công bằng và không gây hiểu lầm.
Sự phân chia này giúp ngăn ngừa tình trạng chi tiêu quá mức vào những lĩnh vực không cần thiết và khuyến khích mỗi người đóng góp vào quỹ chung theo khả năng. Mặc dù số tiền tiết kiệm được khác nhau tùy thuộc vào lối sống của cặp đôi, nhưng bước này giúp cả hai vợ chồng luôn đi đúng hướng với các mục tiêu tài chính của mình
Giống như việc đặt mục tiêu, bước này đòi hỏi cả hai bạn dành thời gian để thảo luận và thống nhất về ranh giới. Các cặp đôi phải ghi chép rõ về thu nhập, chi phí sinh hoạt hàng tháng và thói quen tài chính của mình để đưa ra cách phân chia công bằng.
Lợi ích của cách tiếp cận này không chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm tiền. Nó tạo ra cảm giác công bằng, giảm căng thẳng xung quanh việc chi tiêu, đảm bảo cả hai đều cảm thấy an toàn về mặt tài chính và được tôn trọng.
- Bước 3: Theo dõi chi tiêu hàng tháng
Theo dõi chi tiêu một cách cẩn thận giúp bạn dễ dàng phát hiện khoản chi tiêu không cần thiết, chẳng hạn như ăn hàng quá nhiều. Khi thực hiện việc theo dõi chi tiêu hợp lý chúng có thể giúp bạn đưa quyết định sáng suốt về việc phân bổ nguồn thu nhập vào đâu, dẫn đến kiểm soát kế hoạch tài chính tốt hơn. Thói quen này cũng thúc đẩy giao tiếp và sự tin tưởng giữa vợ chồng, vì cả hai đều có thể thấy chính xách cách đối phương đang chi tiêu tiền của họ.