Nguyên nhân khiến Peru trở thành nước có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới

Mai Trang, Theo VOV 12:52 02/06/2021
Chia sẻ

Peru đã điều chỉnh số liệu về các ca tử vong do Covid-19 lên hơn 180.000, cao gần gấp 3 lần so với dữ liệu được công bố gần đây nhất, trở thành nước có tỷ lệ tử vong tính theo đầu người cao nhất trên thế giới.

Số người tử vong do Covid-19 thực tế ở Peru

Cho đến thời gian gần đây, các trường hợp tử vong ở Peru chỉ được ghi nhận là tử vong do Covid-19 nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Sau khi chính phủ Peru xem xét thay đổi cách tính, tiêu chí ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 đã được mở rộng, bao gồm những người chết trong vòng 60 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, cũng như các trường hợp nghi mắc bệnh mà không có kết quả xét nghiệm dương tính.

Điều này bao gồm những người đã được kiểm tra lâm sàng hoặc đề nghị khám Covid-19, cũng như những người đã tiếp xúc với người nhiễm virus được ghi nhận.

Theo BBC, các quốc gia ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 theo nhiều cách khác nhau khiến việc so sánh trực tiếp trở nên khó khăn.

Số liệu mới nhất của Peru có nghĩa là tỷ lệ tử vong trên đầu người của nước này hiện ở một trong những mức cao nhất, nếu không muốn nói là cao nhất trên thế giới.

Số người tử vong do Covid-19 chính thức ở Peru - một quốc gia gần 33 triệu dân, là hơn 180.000 người.

Vì sao Peru bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch?

Peru là một trong những quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa sớm và nghiêm ngặt nhất ở Mỹ Latin vào tháng 3/2020, trước Anh và một số nước châu Âu khác. Lệnh phong tỏa tại Peru đã kéo dài đến cuối tháng 6/2020.

Lệnh giới nghiêm được áp đặt và người dân chỉ có thể rời khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, số ca nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong do dịch bệnh ở Peru vẫn tiếp tục gia tăng.

Peru đã áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 2 vào tháng 1/2021 ở thủ đô Lima và 9 khu vực khác sau khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt khiến nhiều bệnh viện trở nên quá tải.

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống y tế của Peru không được chuẩn bị đầy đủ và thiếu kinh phí.

Ngoài ra, Peru còn phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Cả nước chỉ có khoảng 1.600 giường bệnh trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, ít hơn nhiều so với một số nước láng giềng.

Triển khai tiêm chủng chậm

Theo BBC, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 của Peru diễn ra rất chậm chạp, khi chỉ gần 4% dân số cả nước đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng này thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác ở Mỹ Latin.

Số ca mắc Covid-19 ở Peru vẫn ở mức cao, với hơn 4.000 trường hợp được báo cáo hàng ngày.

Brazil và Mexico đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 10% dân số, và Chile có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, với hơn 40% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Yếu tố kinh tế và xã hội

Ngoài ra, còn có một số yếu tố kinh tế và xã hội có thể dẫn đến việc Peru phải đối mặt với tình trạng dịch Covid-19 nghiêm trọng.

Khoảng 70% dân số có việc làm ở Peru làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, một trong những tỷ lệ cao nhất ở Mỹ Latin.

Bản chất của những công việc này không thể đoán trước, đồng nghĩa với việc nhiều người lao động phải lựa chọn giữa ra ngoài làm việc hoặc không có đủ tiền để sinh sống.

Chính phủ Peru đã thông qua các biện pháp hỗ trợ đáng kể để giúp những người mất việc làm và các công ty mất thu nhập do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chỉ khoảng 38% người trưởng thành ở Peru có tài khoản ngân hàng, khiến việc thanh toán điện tử bị hạn chế.

“Người dân Peru đi làm phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng và bán hàng ở những khu chợ rất đông đúc”, nhà kinh tế người Peru Hugo Ñopo nói với BBC.

Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của chính phủ, hơn 40% hộ gia đình ở Peru không có tủ lạnh. “Nhiều hộ gia đình không có thiết bị cho phép họ dự trữ thực phẩm trong nhiều ngày. Bởi vậy, họ phải ra ngoài mua hàng và đi chợ”, ông Ñopo nói.

Trong thời kỳ đầu của đại dịch, các khu chợ đông đúc được xác định là “nguồn lây lan Covid-19 chính”.

Ngoài ra, một khảo sát mới nhất cho thấy, 11,8% hộ gia đình nghèo ở Peru sống trong những ngôi nhà quá đông người. Nhà ở chật chội khiến cho việc giãn cách xã hội trở nên khó khăn hơn và virus SARS-CoV-2 có thể dễ dàng lây lan.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày