Có lẽ nhiều người đã biết được rằng lỗ tai của chúng ta là một nơi khá hấp dẫn với nhiều "vị khách không mời", như gián, kiến, hay thạch sùng nữa.
Nhìn chung, các trường hợp côn trùng bò vào tai thường xuất phát từ việc để nơi ngủ có quá nhiều yếu tố thu hút côn trùng (vụn thức ăn, rác...). Tuy nhiên, trường hợp do một bác sĩ tại Singapore gặp phải mới đây đến từ nguyên nhân khác.
Vị bác sĩ đã đăng một đoạn video nhìn khá kinh dị, về cảnh chính tay người này gắp một "sinh vật lạ" đang bám chặt vào màng nhĩ của bệnh nhân.
*Cảnh báo: video có chứa hình ảnh kinh dị
Cụ thể, bệnh nhân sau một thời gian lỗ tai cảm thấy nhói đau đã buộc phải đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ đã phải sử dụng máy soi và nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Có điều, sinh vật lạ "lỳ" đến nỗi dù đã kẹp gần như nát thân dưới, nó vẫn bám rất chặt vào màng nhĩ bệnh nhân.
Cuối cùng, các bác sĩ phải dùng biện pháp mạnh để lôi cổ được vị khách không mời này ra, kèm theo một chút máu tươi của bệnh nhân.
Sinh vật lạ là một loài ký sinh trùng có 8 chân
Bác sĩ phải dùng biện pháp mạnh để lôi cổ chú ra
Hiện tại, các bác sĩ chưa có kết luận chính thức sinh vật lạ này thuộc loài gì. Tuy nhiên theo một số ý kiến chuyên gia, nhiều khả năng đây là một con ve hút máu (tick).
Cần làm rõ một chút là cái tên "ve" được dùng để chỉ một nhóm côn trùng bé thuộc lớp động vật hình nhện (8 chân), sống bám vào động vật khác để hút máu. Ve thường chọn ký sinh trên vật nuôi, đặc biệt là chó. Và lý do nó chui được vào tai người xuất phát từ một thói quen khá xấu của những người nuôi chó, đó là ngủ cùng vật nuôi.
Trên thực tế, không phải cứ nuôi chó là bị nhiễm ve. Nhưng nếu như thường xuyên để chó chạy chơi trên những bãi cỏ thì khả năng ve xuất hiện là khá lớn, vì trứng ve có lẫn trong cỏ.
Một chú ve lẫn trong lông chó
Khi ve trưởng thành, chúng có thể lây lan khi động vật tiếp xúc với nhau - bao gồm cả con người nữa. Và nếu như ngủ cùng một chú chó bị nhiễm ve, khả năng ve nhảy vào tai bạn là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy vậy, vấn đề không phải là hắt hủi chó cưng của bạn, mà là phải chăm sóc thú nuôi đúng cách để không bị ve rận. Hãy tắm cho cún thường xuyên, đồng thời thường xuyên để ý dấu vết của lũ ký sinh trùng không mời kia. Nếu phát hiện chó bị nhiễm ve, bạn có thể tự dùng tay bắt, hoặc sử dụng một số loại thuốc trị ve có bán tại các nhà thuốc thú y địa phương.