Tai họa cô gái này gặp phải sẽ khiến bạn không bao giờ dám nặn mụn tùy tiện

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 17:44 11/08/2017
Chia sẻ

Rất nhiều người cực kỳ thích nặn mụn, mà không ngờ rằng bản thân có thể chịu tai họa nếu làm tùy tiện.

Chẳng ai muốn bị mọc mụn, nhưng cũng không thể phủ nhận việc nặn mụn đem lại cảm giác... "kích thích" rất khó tả. Chẳng trách mà những video nặn mụn trên Youtube - như channel Dr. Pimple - luôn thu hút hàng triệu người quan tâm theo dõi.

Tai họa cô gái này gặp phải sẽ khiến bạn không bao giờ dám nặn mụn tùy tiện - Ảnh 1.

Một trong những cảnh nặn mụn gây kích thích nhất trên channel của Dr. Pimple

Tuy nhiên, nặn mụn thực chất không phải là một việc có thể làm tùy tiện, nhất là khi mụn mọc tại một số khu vực được xem là "hiểm". Ví dụ như trường hợp mới được cô gái Katie Wright chia sẻ trên Twitter, cô suýt chút nữa đã phải trả giá đắt chỉ vì nặn một cái mụn khổng lồ giữa 2 chân mày.

Tai họa cô gái này gặp phải sẽ khiến bạn không bao giờ dám nặn mụn tùy tiện - Ảnh 2.

Katie Wright và vết nặn mụn khiến cô phải hối hận

Cụ thể, Wright đã quyết định nặn một cái mụn khá lớn mọc ngay sát chân mày đã khiến cô đau đớn suốt vài ngày. Có điều chỉ sau vài giờ nặn, cô đã khiến mọi chuyện trở nên tệ hơn. Vết thương sưng lên nhanh chóng, và nó đau đến mức theo lời cô là "không thể chịu đựng nổi", buộc cô phải tới bệnh viện xử lý.

"Tưởng tượng dưới da bạn đang có một cục than nóng đỏ, và nó đang chực chờ bung ra, cảm giác là vậy đó" - trích lời Wright.

Chuyện gì đã xảy ra?

Cái mụn trứng cá đơn thuần của Katie Wright thực chất là một ca viêm mô tế bào - một dạng nhiễm trùng lên các mô sâu dưới da. Và việc nặn mụn đã khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn.

May mắn cho Katie, cô đã được chữa lành sau 4 ngày điều trị. Nhưng theo bác sĩ Jessica Krant thuộc Bệnh viện ĐH New York thì đây là một chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu để lâu, nội tạng có thể bị hủy hoại, thậm chí khiến người bệnh tử vong.

"Chỉ cần vi khuẩn tiến vào máu, vi khuẩn có thể tiếp cận mắt, não, xoang, khớp xương." - Krant chia sẻ. "Đó là các khu vực rất khó để chữa trị, và thường để lại di chứng nghiêm trọng."

Tai họa cô gái này gặp phải sẽ khiến bạn không bao giờ dám nặn mụn tùy tiện - Ảnh 3.

Nguy hiểm hơn, bệnh viêm mô này thường bị nhầm với mụn trứng cá thông thường. Do vậy, người mắc phải có xu hướng tự nặn, dẫn đến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

"Viêm mô rất khó để nhận biết. Vậy nên, người mắc bệnh thường không để ý mà tự mình xử lý."

"Điều quan trọng là bạn phải nhận ra điều bất ổn khi thấy những cơn sưng tấy nằm sâu dưới da, đặc biệt là tại các khu vực xung quanh mặt" - Krant chia sẻ.

Ngoài ra, có một điểm cần lưu ý là Katie đã tự mình nặn mụn ở một vị trí khá hiểm hóc - ngay sát "tam giác chết" trên khuôn mặt. Đây là một thuật ngữ ám chỉ khu vực từ sống mũi xuống hai khóe miệng, tạo thành một hình tam giác. Nói cách khác, "tam giác chết" là khu vực bao gồm cả sống mũi và phần hàm trên.

Tai họa cô gái này gặp phải sẽ khiến bạn không bao giờ dám nặn mụn tùy tiện - Ảnh 4.

Tại sao lại gọi đây là "tam giác chết"? Nguyên nhân nằm ở khu vực hang xoang (cavernous sinus) - là nơi chứa rất nhiều dây thần kinh và tĩnh mạch nối trực tiếp đến xương sọ. Các tĩnh mạch thông thường đều có van để ngăn máu chảy ngược chiều, tuy nhiên tĩnh mạch ở khu vực này đều là loại không van.

Do đó, nếu vô tình để nhiễm trùng vết thương ở khu vực này, điều đó đồng nghĩa với việc phần máu độc bị nhiễm khuẩn sẽ đi ngược lên não, tiến vào các khu vực dây thần kinh và hậu quả cực kỳ khôn lường.

Tai họa cô gái này gặp phải sẽ khiến bạn không bao giờ dám nặn mụn tùy tiện - Ảnh 5.

Phải xử lý thế nào với những cái mụn?

Tuy rằng trường hợp của Wright không hẳn là mụn, nhưng ngay với các loại mụn thông thường, việc nặn chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

"Nặn mụn là chấp nhận rủi ro. Nếu mụn có nhân trắng và khá mềm, bạn có thể thử nặn nó. Nhưng với các loại mụn có nhân sâu, việc cố gắng nặn cũng không khác gì tự sát." - Krant cảnh báo.

Lý do thì như đã nêu, nặn mụn làm tăng nguy cơ khiến vi khuẩn xâm nhập sâu vào da và nó cũng có thể biến chứng thành bệnh viêm mô như trường hợp của Wright.

Vậy phải làm gì? Krant đưa ra một số lời khuyên như sau:

- Xông mặt bằng hơi nóng: đây là cách để mụn "lỏng" ra một chút, giúp giảm đau và để mụn dần tiêu biến.

- Dùng thuốc trị mụn (do bác sĩ kê đơn).

- Tuyệt đối không nặn: Dù khó chịu, bạn vẫn không nên nặn mụn. Nếu mụn quá to, hãy tìm đến bác sĩ trước, vì có thể đó không phải là mụn nữa đâu. Ngoài ra, những mụn quá to và sâu cần phải có chuyên môn mới xử lý được.

Ngoài ra, cách tốt nhất là hãy giữ gìn vệ sinh gương mặt thật sạch sẽ. Hãy chịu khó rửa mặt mỗi khi ra đường tiếp xúc với bụi bẩn, hạn chế thức đêm, ăn đồ cay nóng dễ nổi mụn...

Nguồn: Huffington Post, Katie's Twitter
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày