Người đàn ông bị ngứa lỗ tai, đến gặp bác sĩ và nhận được một cái kết đầy bất ngờ

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 15:50 25/08/2017

Câu chuyện về cái việc ngứa lỗ tai của anh chàng này chắc chắn sẽ khiến bạn không bao giờ dám ở bẩn nữa.

Phàm là người, ai chẳng có đôi lần thấy... ngứa ngáy lỗ tai? Nhưng nếu ngứa đến mức gãi mãi không khỏi, ngứa ngày này sang ngày khác thì bạn nên cân nhắc đến gặp bác sĩ. Vì giống như trường hợp của một anh chàng 30 tuổi người Quảng Châu (Trung Quốc) mới đây, anh đã nhận được một cái kết đầy bất ngờ.

Cụ thể theo như báo chí Trung Quốc, anh chàng này ngứa lỗ tai trong nhiều ngày liền mà không làm cách nào khác được. Cực chẳng đã, anh phải nhờ đến sự trợ giúp từ bác sĩ của Bệnh viện ĐH Tế Nam.

Tại đây, bác sĩ đã phải soi đèn pin siêu sáng vào lỗ tai, dùng kẹp chọc ngoáy một chút, để rồi nhận ra nguyên nhân gây ra cơn ngứa điên đảo cho bệnh nhân: con thằn lằn chỉ dài vỏn vẹn 2cm dưới đây.

Người đàn ông bị ngứa lỗ tai, đến gặp bác sĩ và nhận được một cái kết đầy bất ngờ - Ảnh 1.

Đây chính là thủ phạm

Đây là trường hợp đầu tiên có một loài bò sát chui vào trong tai người. Và để gắp được chú em thằn lằn này ra cũng không phải đơn giản vì nó quá trơn. Nhằm tránh cho chú bò lung tung gây thủng màng nhĩ, bác sĩ đã phải gây mê rồi mới gắp ra.

Có điều kinh dị hơn nữa, con thằn lằn sau khi lôi ra... không có đuôi, và điều này khiến cho anh chàng bệnh nhân đen đủi kia hoảng hốt thực sự vì tin rằng cái đuôi vẫn mắc kẹt trong tai anh. Chỉ đến khi các bác sĩ kết luận rằng cái đuôi 90% đã đứt trước khi nó chui vào tai, anh mới cảm thấy nhẹ lòng phần nào.

Hiện tại vẫn chưa rõ vì sao con thằn lằn lại ở trong tai anh chàng này, nhưng bác sĩ cũng đưa ra một thực tế có phần đau lòng: có rất nhiều loài vật sẵn sàng chui vào làm tổ trong tai chúng ta mà bạn sẽ chẳng làm gì được chúng!

Tai có cơ chế tự vệ, nhưng không đủ

Ai cũng biết rằng tai của mỗi chúng ta đều có một lớp dịch nhầy nhớt màu vàng mang tên "ráy tai". 

Lớp ráy tai này có 2 công dụng: giữ ẩm cho tai, và là một lớp bảo vệ tai - giúp làm sạch, ngăn không cho bụi, vi khuẩn và một số sinh vật lạ từ môi trường đi sâu vào bên trong tai.

Người đàn ông bị ngứa lỗ tai, đến gặp bác sĩ và nhận được một cái kết đầy bất ngờ - Ảnh 2.

Tuy nhiên, cơ chế này là không đủ, bằng chứng là có rất nhiều loài vật sẵn sàng làm tổ trong tai chúng ta, như gián, kiến, ruồi, thậm chí là sâu, giòi bọ...

Năm 1985, một bệnh nhân Anh đã phải vào phòng cấp cứu với gần hai chục con gián bò lúc nhúc 2 bên lỗ tai. Năm 2015, các bác sĩ lôi ra 10 con kiến đen cỡ lớn trong lỗ tai bé gái người Ấn Độ. Cũng tại Ấn Độ năm 2017, người phụ nữ 42 tuổi phải nhập viện để giải quyết con gián đã cắn thủng màng nhĩ của mình.

Người đàn ông bị ngứa lỗ tai, đến gặp bác sĩ và nhận được một cái kết đầy bất ngờ - Ảnh 3.

Gián chui vào lỗ tai là chuyện không hiếm

Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều trường hợp bị "sinh vật lạ" chui vào tai. Theo như nhà côn trùng học Coby Schal từ ĐH Bang North Caroline (Mỹ) thì ráy tai có vẻ là món ăn hấp dẫn với côn trùng, đặc biệt là gián, kiến và ruồi.

Làm cách nào không cho lũ sâu bọ chui vào tai

Khi bị lũ "sinh vật lạ" chui vào tai, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt chứ đừng nên tự gắp chúng ra. Tuy nhiên, tối ưu nhất vẫn là đừng để chúng chui vào tai bạn ngay từ đầu. Nhưng bằng cách nào?

Đơn giản thôi, hãy giữ gìn vệ sinh nơi ở của bạn thật tốt, đặc biệt là xung quanh khu vực giường nằm. Lũ gián, kiến và ruồi bị thu hút cực mạnh bởi đồ ăn thừa, nên nếu cứ ăn uống vung vãi trên giường thì đừng trách vì sao biển xanh lại mặn, gián lại đẻ trứng trong tai.

Người đàn ông bị ngứa lỗ tai, đến gặp bác sĩ và nhận được một cái kết đầy bất ngờ - Ảnh 4.

Ngoài ra, nếu vẫn bị ám ảnh trong sợ hãi, bạn có thể sử dụng nút bịt lỗ tai. Công dụng của cái nút ấy vốn là để giảm tiếng ồn, giúp bạn ngủ ngon hơn. Nhưng lúc cần, nó cũng giống như một tấm khiên ngăn không cho lũ côn trùng chui vào tai bạn.

Nguồn: IFL Science, National Geographic, India News