Người xin vào bệnh viện châm nước, thay tã cho bệnh nhân: "Vợ anh mất vì Covid-19 rồi, về nhà anh sẽ buồn lắm"

Ngọc Ngân, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 22:20 19/09/2021

Nhiều ngày qua, các nhân viên y tế tại Bệnh viện Phục hồi chức năng (quận 8, TP.HCM) đã quen với bóng dáng của người đàn ông lầm lũi giúp đỡ bệnh nhân. Đó là cách để anh nguôi ngoai nỗi đau mất vợ vì Covid-19.

Người xin vào bệnh viện châm nước, thay tã cho bệnh nhân: Vợ anh mất vì Covid-19 rồi, về nhà anh sẽ buồn lắm - Ảnh 1.

Chân dung anh Út

Chỉ kịp kêu tên con rồi ra đi

Anh Út là người gốc Campuchia, quê Trà Vinh. Trải qua bao biến cố cuộc đời, anh hiếm khi nào rơi nước mắt. Nhưng mỗi lần nhắc đến vợ, anh lại òa khóc lên như một đứa trẻ. Người vợ đầu ấp tay gối với anh hơn 20 năm đã ra đi vì Covid-19.

Anh nhớ lại: "Mấy hôm trước, vợ tôi nói không được khỏe, cứ sốt râm ran. Y tế phường xuống test thì phát hiện hai vợ chồng tôi đều dương tính, chúng tôi cách ly tại nhà.

Tối hôm đó, cổ kêu mệt quá, tôi liền quay xuống bếp pha nước chanh cho vợ. Lúc quay lên, cổ nói khó thở, chỉ kịp kêu tên con là 'Nguyên ơi' rồi ra đi".

Từ lúc phát hiện mắc Covid-19 đến khi ra đi chỉ vỏn vẹn một ngày, chị không kịp nói lời sau cuối nào với anh. Quân đội đến mang chị đi an táng, ngôi nhà cũng trở nên lạnh lẽo.

Bất kì góc nào trong nhà, anh cũng đều thấy hình ảnh chị đã từng ở đó. Căn bếp sực nức mùi thức ăn, khoảng sân chị nhặt rau, hàng hiên chị phơi đồ, căn phòng chứa đồ tạp hóa để bán của hai vợ chồng.

"Vợ chồng tôi sống với nhau mấy chục năm không có tiếng gây gổ. Vậy mà giờ đây cô ấy đã đi rồi", anh nức nở.

Anh chị có một đứa con sinh năm 2004, hiện đang ở với dì tại huyện Hóc Môn. Cháu lên chơi với dì rồi bị kẹt lại từ ngày giãn cách xã hội.

"Không kịp gặp mẹ lần cuối, cháu khóc rất nhiều và quyết định ăn chay. Giờ tôi chỉ biết động viên con để nó tiếp tục học", anh cho biết.

Hai vợ chồng có sạp bán tạp hóa tại chợ Rạch Ông (quận 8), anh quyết định sau giãn cách sẽ đem hết hàng hóa để phát từ thiện. Còn về phần mình, sau khi hết bệnh anh đã xin vào Bệnh viện Phục hồi chức năng gần nhà để giúp đỡ mọi người.

Anh kể: "Sau cái chết của vợ, vài người thân của gia đình cũng ra đi. Tôi thấy cuộc đời sao mà khổ hạnh quá, người ta sống đó, rồi mất đó. Tôi muốn góp chút sức mình, giúp được ai thì mình giúp".

"Anh Út ơi"

Quét rác, đổ bô, thay tã, đấm lưng, châm nước… anh Út chưa bao giờ từ chối bất kì công việc nào. Ai cần gì cứ gọi "anh Út ơi", anh sẽ có mặt để giúp đỡ họ. Anh dọn vào bệnh viện ở, ăn ngủ tại đây. Trưa trưa, anh xin y tá về thắp nhang cho vợ.

Người xin vào bệnh viện châm nước, thay tã cho bệnh nhân: Vợ anh mất vì Covid-19 rồi, về nhà anh sẽ buồn lắm - Ảnh 2.

Anh Út trong bệnh viện (Ảnh cắt từ clip)

Những ngày trong bệnh viện, không ít lần anh xót xa trước lằn ranh sinh - tử của con người. Đó là cặp vợ chồng nằm đối diện giường nhau, cả hai đều yếu ớt. Người chồng ra đi trước, vợ ở lại nhưng không ai dám nói với bà về cái chết của chồng.

Thi thoảng, bà lại hỏi chồng đâu, ông có ăn được không, mọi người phải nói là ông vẫn khỏe, đã chuyển đi bệnh viện khác để bà không sốc tinh thần mà điều trị tiếp.

Anh kể: "Nhìn những cảnh đó, không ai có thể kiềm nén được nỗi xót xa trong lòng mình. Mỗi lần bệnh nhân than mệt quá, tôi muốn đứng tim, chắp tay cầu nguyện trong khi các bác sĩ đang giúp họ. Tôi từng trải qua cảm giác này nên hiểu".

Ngoài ra, khi có bệnh nhân Covid-19 qua đời, anh phụ nhân viên y tế chuyển xác đi an táng. Sau đó, anh lại lặng lẽ đứng trong góc, cầu nguyện và thắp cho họ một nén nhang tiễn biệt.

Có khi đang quét sân, anh nhặt được 50.000 của ai rơi rớt. Anh nói với điều dưỡng rồi đặt lại trên bàn, dù mọi người cứ nói anh giữ đi. Anh tâm sự: "Mùa dịch này có ai làm ra tiền đâu mà lấy của người ta".

Hỏi rằng anh có ngại khi thay tã, vệ sinh cho những bệnh nhân ở đây không, anh chỉ cười: "Mình đã vào đây để giúp đỡ thì không bao giờ sợ gì cả. Hồi còn sống, vợ tôi là một người rất lương thiện, cô ấy hay giúp đỡ mọi người. Những bệnh nhân trở nặng đa phần họ đều là người lớn tuổi, không thể tự đi vệ sinh, lấy nước… Mình thương họ lắm nên muốn giúp họ". Có những hôm gần 12 giờ đêm, anh vẫn còn lui cui châm nước đầy bình cho các bệnh nhân.

Mấy lần về nhà, anh chỉ dám thắp nhang cho vợ rồi đi. Nhìn khói nhang hờ hững ngang khung ảnh thờ, lòng anh vô cùng đau xót.

Nhưng hiện tại, anh đã cảm thấy nguôi ngoai vì được giúp đỡ mọi người. Anh cảm thấy mình phải sống tiếp vì con, vì cuộc đời này vẫn còn nhiều điều quý giá.

Gói ghém niềm thương nhớ trong lòng, ngày mai, anh sẽ sống phần đời của mình như thế.

Nỗi lòng của "bác sĩ 91" đi chống dịch từ Đà Nẵng, Bắc Giang đến TP.HCM: "2 cái sinh nhật của con qua rồi, tôi đều thất hứa với nó..."