Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại

Lucas Luân, Theo Helino 20:21 14/05/2019

Ở Người Vợ Ba, khán giả có thể thấy truyền thống ở lớp vỏ ngoài và bối cảnh phim, nhưng lại thức thời và đậm tính nữ quyền ở phía sâu bên trong đó, như những đợt sóng ngầm không thể nhìn bằng mắt mà chỉ có thể cảm thụ.

Từ lúc phim bắt đầu đến lúc kết thúc, Người Vợ Ba đưa khán giả vào một thế giới vừa gần gũi thân quen nhưng cũng quá đỗi xa lạ. Tự nhiên mà lại ngượng ngùng, đằm thắm mà lại dữ dội, từ tốn mà cũng gấp gáp, đó là những thái cực đối lập nhau trong phim đầu tay của đạo diễn Ash Mayfair, cùng với sự cố vấn của đạo diễn Trần Anh Hùng. Có thể nói, Người Vợ Ba là một tác phẩm hài hòa giữa truyền thống và hậu hiện đại.

1. Hành trình của Mây

Phim là hành trình khám phá bản thể cá nhân của Mây (Nguyễn Phương Trà My), cô gái trẻ được gả làm vợ ba của một gia đình giàu có cuối thế kỷ 19. Mây đẹp tinh khôi, hồn hậu như sương sớm và mơn mởn như chính làn nước đã đưa cô đến ngôi nhà đó. Từ những thước phim đầu, phim đã tạo cảm xúc hiệu quả bằng nhịp phim chậm, mang tính ước lệ cao khi liên tục có những phân cảnh xen kẽ giữa cảnh thiên nhiên và con người.

Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 1.

Cũng chính những thước phim đầu đó, Mayfair như muốn nhắn gửi: Xem Người Vợ Ba không thể vội, mà phải từ tốn ngắm từng khung hình được canh chuẩn đến mức "sướng người", hay ánh sáng được dàn dựng để tạo nên cảm giác vừa mờ ảo hư vô của thời xưa, lại vừa sắc nét rõ ràng của thời nay.

Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 2.

Sự phát triển nhân vật của Mây được đặt trong mối quan hệ của cô với những người trong gia đình của cậu Hùng, đặc biệt là với mợ Hà (Trần Nữ Yên Khê), mợ Xuân (Maya) và những con người ở gia trang: hai đứa con gái của mợ Xuân, bà Lao quản gia hay cả Sơn, con trai cả của mợ Hà. Trong tất cả những mối quan hệ này, Mây như một chứng nhân, theo dõi và quan sát tất cả. Ngây thơ, hồn hậu nhưng cũng đầy sự tò mò, câu chuyện xoay quanh góc nhìn của Mây rất ít thoại hay những lời giải thích dông dài.

Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 3.
Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 4.

Mayfair khéo léo xây dựng được một sự kín đáo và khẽ khàng rất truyền thống của phụ nữ Việt Nam cuối thế kỷ 19, nhưng đột phá ở chỗ cô không để nhân vật của mình là một người phụ nữ bị động và chịu sự chi phối bởi quy chuẩn xã hội hay người đàn ông. Tương tự với những mợ Hà, mợ Xuân, bé Liên (Lâm Thanh Mỹ) hay bé Nhàn (Mai Cát Vi), Mayfair đều cho họ có những phân cảnh tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng lại là hạt mầm gieo vào lòng Mây những khát khao rất con người đã bị xã hội phong kiến đè nén từ lâu.

Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 5.

Vợ cả Hà của Trần Nữ Yên Khê với nét đẹp ám ảnh.

2. Người Vợ Ba, tác phẩm điện ảnh gợi tình đậm nét Á Đông

Lấy câu chuyện về đời sống vợ chồng và những ẩn ức giới, Vợ Ba là một tác phẩm erotic (gợi tình) thuần Á Đông mà không phải khán giả nào cũng mở lòng đón nhận được. Đạo diễn Mayfair cho những người phụ nữ của mình được nói lên những tâm tự thầm kín và nhạy cảm nhất mà tất cả những tác phẩm khác xem là "taboo", cấm kỵ.

Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 6.

Có bao nhiêu bộ phim Á Đông lấy bối cảnh xưa cho phép người phụ nữ được bàn về sắc dục hay chuyện giường chiếu (những điều rất con người) một cách tự nhiên như Người Vợ Ba? Có bao nhiêu bộ phim Việt Nam bối cảnh phong kiến cho phép mối quan hệ bí mật của mợ Xuân diễn ra? Và cuối cùng, người viết khẳng định, có lẽ chỉ có Ash Mayfair mới cho phép Mây nói ra những cảm xúc thầm kín nhất của mình, bất chấp mọi định kiến xã hội với mợ Xuân: "Em yêu chị".

Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 7.

"Làm sao để thỏa mãn hả chị?", một câu hỏi rất đời trong phim.

Sự nguy hiểm của những tác phẩm gợi tình như Người Vợ Ba chính là phim sẽ dễ sa đà vào việc biến cơ thể con người thành một món đồ để trang trí và trầm trồ. Trong nhiều tác phẩm kinh điển của Hollywood, châu Á luôn được khắc họa bằng góc nhìn rất phiến diện mà Edward Said đã gọi là "học thuyết phương Đông" (1978).

Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 8.

Người đàn ông châu Á luôn là người chủ động, đa thê, còn người phụ nữ châu Á thì luôn là sự bị động, là quyến rũ về da thịt, đầy sự mê hoặc và huyền bí khi đặt cạnh cái đẹp chuẩn của phương Tây. Họ không có giọng nói hay tính chủ thể, mà chỉ là một bệ đỡ để tôn người đàn ông, hoặc một bức tranh làm nền cho câu chuyện thêm hương sắc. May mắn thay, có lẽ vì cùng là phụ nữ, lại là tuýp phụ nữ hiện đại, Mayfair không cho phép điều này xảy ra trong phim của mình. Nét đẹp Việt Nam với tóc dài, yếm đào, làn da bóng lưỡng trong đêm có thể làm khán giả xao xuyến, nhưng chính những tư tưởng hiện đại then cài suốt phim qua cử chỉ, hành động đã thổi sức nặng đến phim.

Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 9.

Khi phim kết thúc, có lẽ người viết sẽ không bao giờ quên được ánh mắt sắc và đầy quyết tâm của Mai Cát Vi khi bé xuống tóc để thực hiện câu nói bâng quơ ngày nào: "lớn lên em sẽ làm đàn ông". Đôi khi ta tưởng nữ quyền là phải khắc họa những người phụ nữ dữ dội, với siêu sức mạnh và nắm quyền làm chủ, nhưng đôi khi, nữ quyền chỉ đơn giản là cho nhân vật nữ của mình một cơ hội để được nói ra tâm tư và làm chủ cuộc đời mình trong phút chốc.

Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 10.

Maya quyến rũ và gợi cảm trong vai mợ hai Xuân.

3. Bí ẩn hình ảnh con tằm

Câu chuyện của Mây, của những người phụ nữ còn được khắc họa rất rõ qua hình ảnh con tằm nhả tơ được cài cắm suốt phim. Hai số phận này giống nhau ở chỗ, cả đời chỉ sống vì người khác, ít nhất là trong xã hội lúc bấy giờ. Các mợ luôn đau đáu việc hầu chồng, sinh con trai cho cậu Hùng, còn con tằm thì suốt đời nhả tơ, chưa kịp hóa thành ngài thì đã bị thả vào nước sôi để ươm tơ và kết thúc cuộc đời ngắn ngủi.

Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 11.

Tuy nhiên, trong phim có một con tằm đã thoát kiếp đau khổ và hóa thành ngài, đó là người vợ xấu số của Sơn. Tủi nhục vì gia đình không chấp nhận mình sau cuộc hôn nhân không thành, cô treo cổ bên suối tự vẫn. Lúc Mây tới bên thi hài cô, một con ngài đã bay ra từ trong quan tài. Ngoài ý nghĩa tâm linh gắn liền với hình ảnh bươm bướm, con ngài lúc này tượng trưng cho sự giải thoát và tự do tuyệt đối khỏi những rào cản xã hội. Phải chăng vì vậy mà Mayfair đã để cho Mây đứng trước một lựa chọn khó khăn vào cuối phim.

Người Vợ Ba: Vẻ đẹp nước đôi về nữ quyền giữa truyền thống và hiện đại - Ảnh 12.

Với số điểm hiện tại 91% trên Rotten Tomatoes, cũng như gặt hái được rất nhiều thành quả ở các liên hoan phim quốc tế, "phim châu Á xuất sắc nhất" ở Toronto sẽ được công chiếu ngày 17/5 tới tại Việt Nam. Hy vọng phim sẽ vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ điện ảnh để đến với khán giả đại chúng, góp phần tăng thêm sức sống và niềm tự hào cho phim Việt.

Trailer "Người Vợ ba"

Người Vợ Ba khởi chiếu trên các cụm rạp từ 17/5.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày