Người trẻ có nên làm hợp đồng tiền hôn nhân trước khi về một nhà?

Hoàng Thanh, Theo Infonet 08:16 06/07/2022
Chia sẻ

Có sẵn tài sản hơn chục tỷ, chuẩn bị tiến tới hôn nhân, cần làm gì để sau khi kết hôn không mất một đồng nào cho vợ, nếu ly hôn thì nuôi hết con? Một bạn trẻ xin tư vấn về hợp đồng tiền hôn nhân.

Cụ thể, bạn này viết: "Mình là nam 30 tuổi có tài sản bao gồm bất động sản và công ty riêng trị giá trên 15 tỷ đồng. Mình sắp kết hôn và mình muốn lập hợp đồng tiền hôn nhân với các yêu cầu:

1. Cả 2 độc lập tài chính và mình không muốn mất 1 đồng nào cho vợ nếu ly hôn.

2. Mình muốn giành toàn bộ quyền nuôi con nếu ly hôn.

3. Cài các điều khoản làm sao cho nếu mình có ngoại tình hay phạm lỗi gì cũng không ảnh hưởng đến tài sản và quyền lợi.

Mong được các bạn tư vấn và hỗ trợ mình nếu ai làm được nhé".

Dòng trạng thái của bạn trẻ này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Một số người thì cho rằng việc lập hợp đồng tiền hôn nhân và quy ước về tài sản là việc làm rất tiến bộ, bởi lẽ, nó đảm bảo về tài sản nếu không may cuộc hôn nhân tan vỡ.

Thế nhưng, có người lại cho rằng nếu vậy tốt nhất cứ sống với nhau, cần gì kết hôn bởi lẽ nhiều cặp vợ chồng sống với nhau, sinh con đẻ cái cũng có cần kết hôn đâu và nếu quá sân si vì tiền bạc thì việc ký vào tờ giấy kết hôn là không cần thiết.

Người trẻ có nên làm hợp đồng tiền hôn nhân trước khi về một nhà? - Ảnh 1.

Lập hợp đồng tiền hôn nhân, quy ước trước về tài sản đang gây tranh cãi

Người trẻ có nên làm hợp đồng tiền hôn nhân trước khi về một nhà? - Ảnh 2.

Vũ Diễm Ngọc - sinh viên khoa Luật, Đại học Luật Hà Nội

Vũ Diễm Ngọc - sinh viên khoa Luật, Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: "Theo quan điểm từ 1 người học luật, em nghĩ là không nên lập hợp đồng tiền hôn nhân và quy ước về tài sản trước hôn nhân.

Hiện nay pháp luật cũng có những quy định rõ những tài sản trước và sau hôn nhân và em nghĩ là những nhà làm luật quy định như vậy cũng là do xuất phát từ những tranh chấp xảy ra trong hôn nhân ví dụ như sự xuất hiện của người thứ 3.

Đứng từ phương diện của 1 người trẻ thì em nghĩ rằng nên có những thoả thuận rõ ràng với nhau về kinh tế trước khi tiến vào hôn nhân. Tuy nhiên không nên quá rạch ròi, ví dụ như những khoản đóng góp chung thì vẫn phải có để đảm bảo sự công bằng như đóng góp về ăn uống, tiền nhà, tiền nuôi con hay đóng góp phụ dưỡng cha mẹ 2 bên".

Diễm Ngọc cho rằng phụ nữ cũng có nhiều thiệt thòi hơn khi bước vào một mối quan hệ hôn nhân so với nam giới. Còn bên cạnh đó, nếu muốn cả 2 đều có thể để cho mình những "quỹ đen" phòng trường hợp cần thiết.

"Em nghĩ khi mình rạch ròi quá với nhau cũng sẽ làm mất đi sự tin tưởng trong mối quan hệ hôn nhân và cũng là lý do khiến cuộc hôn nhân không thực sự hạnh phúc bởi chỉ khi người ta tin tưởng nhau mới trao hết tâm can, yêu đương cho nhau được", Ngọc tâm sự.

Nguyễn Phương Chi (sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng hợp đồng trước hôn nhân quy định về tài sản là một điều rất tốt vì mất lòng trước được lòng sau, nó tốt cho cả hai phía vì tài sản và nghĩa vụ 2 bên đươc rạch ròi dẫn đến hạn chế sự vi phạm quyền lợi.

"Hơn thế, hợp đồng tiền hôn nhân còn góp phần đảm bảo được ổn định tài chính cho con cái trong lúc có bất trắc gì xảy ra cho cuộc hôn nhân. Thỏa thuận tiền hôn nhân là hợp lý. Trước hết là phân định rõ tài sản riêng, tránh tranh chấp khi chia tay. Đó là biện pháp ngăn chặn lòng tham của một bên nếu có ý định cướp tài sản. Trong quá trình sống chung, hai bên vẫn có quyền sử dụng (tiền bạc thỏa thuận góp riêng).

Đây là điều rất văn minh nên làm nếu cuộc hôn nhân hạnh phúc trọn thời thì hợp đồng không cần dùng tới nhưng nếu có trục trặc và phải chia tay thì có hợp đồng này làm căn cứ ly dị khỏi phải cãi nhau về tài sản riêng và phân chia tài sản chung cũng như nghĩa vụ với con chung của từng bên.

Xã hội đang phát triển trong xu thế nên có hợp đồng tiền hôn nhân và khám sức khỏe tiền hôn nhân để đảm bảo quyền lợi cho các bên", nữ sinh này cho hay.

Tuy nhiên, một người với cuộc hôn nhân 15 năm - chị Nguyễn Thu Trà (Hà Nội) cho biết: "Tôi cho rằng hôn nhân là duyên phận, có người sống với nhau cả đời, có người ngay sau đám cưới đã muốn tan rã, lý do thì muôn kiểu.

Không có một công thức chung hay những lý giải chung cho những gì diễn ra trong hành trình của một cuộc hôn nhân. Vì thế, chẳng có một lời khuyên nào đúng, bởi nó đúng với người này nhưng không đúng với người khác.

Cuộc hôn nhân của mình đã kéo dài được gần 15 năm nhưng mình nghĩ bạn không nên bước vào hôn nhân khi bạn có tư tưởng quá rạch ròi về tiền bạc vì nó sẽ giết chết cảm xúc yêu đương giữa hai người và từ đó khiến hôn nhân bạn sẽ rất khó có được hạnh phúc".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày