Người trẻ bảo vệ môi trường hay chỉ “đu trend”: Khi sự khắt khe và hoài nghi che mờ đi những điều tốt đẹp

Diep Nguyen, Theo Diep Nguyen 14:24 23/07/2019

Nếu gọi là trào lưu, đó là những trào lưu tích cực. Nếu coi là “sống ảo”, đó là những hành động “sống ảo” để ra cho những kết quả không thể thật hơn.

Năm 2019 đã trôi qua được hơn một nửa và nếu nhìn lại, 6 tháng vừa rồi thực sự bùng nổ những chiến dịch, thử thách của người trẻ dành cho môi trường. Mở đầu bằng thử thách #nostrawchallenge — nói không với ống hút nhựa, không gian mạng trở thành một diễn đàn mở cho những giải pháp thay thế và bỏ sử dụng ống hút. Chuyển biến tích cực là điều có thể dễ dàng thấy khi nhiều bạn trẻ đã ngừng sử dụng ống hút hay chuyển qua các loại ống hút thân thiện với môi trường khi đi uống cà phê. Tới tháng 3, chiến dịch #trashtag hay #ChallengeforChange — dọn dẹp bãi rác, trở thành tâm điểm mới và thu hút đông đảo cư dân mạng. Xuất phát từ nước ngoài, thử thách này đã nhanh chóng được các bạn trẻ Việt hưởng ứng với hàng loạt bức ảnh trước-sau của một địa điểm ô nhiễm môi trường với thay đổi đáng kinh ngạc.

Với "WeDo - Cuộc Chiến Trộm Nhựa", sự hưởng ứng đông đảo của các bạn trẻ và người nổi tiếng tham gia vào các thử thách liên quan tới môi trường đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong suy nghĩ của nhiều người. Câu chuyện rác thải nhựa đã không còn quẩn quanh với chiếc ống hút, chai nhựa và túi nilon khi chiến dịch đã “làm đầy” kiến thức của người tham gia xoay quanh vấn đề rác thải nhựa.

Người trẻ bảo vệ môi trường hay chỉ “đu trend”: Khi sự khắt khe và hoài nghi che mờ đi những điều tốt đẹp - Ảnh 1.

Ở một khía cạnh, các thử thách trên có được sự hưởng ứng của phần đông cộng đồng. Tuy nhiên, đâu đó vẫn văng vẳng câu nói cửa miệng: “Bảo vệ môi trường cái gì, chỉ là “đú” theo trào lưu mà thôi” hay “làm chút để chụp ảnh để rồi ưỡn ẹo đi về”.

Khắt khe và hoài nghi với người trẻ như vậy, liệu có giúp gì cho việc bảo vệ môi trường hay chỉ tạo nên tâm lý chán nản, mệt mỏi cho những người trẻ đang thực sự nỗ lực? Và có thực sự rằng, những việc các bạn trẻ làm chỉ là “đú” theo trào lưu không có tác dụng?

Người trẻ bảo vệ môi trường hay chỉ “đu trend”: Khi sự khắt khe và hoài nghi che mờ đi những điều tốt đẹp - Ảnh 2.

Không ai liều mình sống ảo trèo xuống những bãi biển hiểm trở để nhặt rác - giả dụ có cũng đã lên báo vì hiếm hoi, chứ không phải cả một nhóm người. Đám đông hoài nghi thấy đó là sống ảo, chúng tôi thấy một bãi biển được trả lại cảnh quan và sạch bóng rác. Họ còn trông chờ điều gì? Điều quan trọng cần nhìn ra là một bãi biển được dọn sách rác - đó không phải mục đích của vấn đề bảo vệ môi trường hay sao? Sao chỉ nhìn vào những bức hình hay nói rằng họ chỉ làm được 1-2 lần rồi bỏ.

Thử thách #ChallengeforChange đi qua là rất nhiều bãi biển được dọn sạch, những điểm đổ rác thải bừa bãi hay các khu vực bờ sông được thay đổi diện mạo. Trên khắp Việt Nam, các nhóm bạn trẻ đã thực hiện nhiều thử thách “sống thật”. Nhóm bạn trẻ đu dây tại đèo Lương Sơn, ven biển Nha Trang để nhặt sạch rác, cộng đồng người trẻ ở Đà Nẵng nhiều ngày liền cùng nhau dọn dẹp rác thải trên bán đảo Sơn Trà - chỉ trong vòng 2 tháng và 10 lần dọn dẹp, họ đã thu được 700 bao tải rác. Những người trẻ ở Đà Lạt cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi mỗi người một tay dọn rác quanh khu chợ Đà Lạt, cầm biển nhắc du khách không xả rác khi đi du lịch. 

Nếu gọi là trào lưu, đó là những trào lưu tích cực. Nếu coi là “sống ảo”, đó là những hành động “sống ảo” để ra cho những kết quả không thể thật hơn. Người trẻ Việt không chỉ xem vài clip, đọc vài bài báo là ngày mai tất cả cùng nhau đi dọn rác, chung tay bảo vệ môi trường. Đừng nâng cao quan điểm hay làm khó nhau, một bãi rác hay mười bãi rác, chụp ảnh để thể hiện hay để nhìn lại kỷ niệm vui đã có, ít nhất họ đã làm được điều có ý nghĩa.

Người trẻ bảo vệ môi trường hay chỉ “đu trend”: Khi sự khắt khe và hoài nghi che mờ đi những điều tốt đẹp - Ảnh 3.

Bạn có thể gọi là một “chiến dịch” nếu nghe nó có phần nghiêm túc hơn, hay gọi đó là “thử thách” - cách dùng từ khiến nhiều người lườm nguýt nghĩ đó chỉ như một thứ à ơi hời hợt. Bỏ qua yếu tố hình thức hay cái tên mà tập trung vào câu hỏi: Liệu cách thức như nào sẽ thu hút được nhiều bạn trẻ hơn? Xét trong phạm vi cộng đồng, vấn đề cốt lõi của việc bảo vệ môi trường là thay đổi nhận thức. Dù đó là trào lưu, một cuộc cách mạng hay phương pháp khoa học bài bản, làm sao để thu hút được nhiều người và thay đổi ý thức của đông đảo mọi người mới là vấn đề.

Người trẻ bảo vệ môi trường hay chỉ “đu trend”: Khi sự khắt khe và hoài nghi che mờ đi những điều tốt đẹp - Ảnh 4.

Nếu ai đó coi “nhặt vài cọng rác cũng bày đặt” - hãy nghĩ tới những ảnh hưởng xa hơn của từng hành động nhỏ. Mạng xã hội, nơi người trẻ chọn làm điểm dừng chân trong thời gian rảnh, có khả năng lan tỏa cả những điều nhỏ nhất. Người nhỏ nhen nhìn bức ảnh như một sự khoe mẽ, đại đa số mọi người coi đó như một hành động đẹp cần được học tập. Một bức ảnh dọn sạch bãi rác, thêm vài dòng suy nghĩ và cảm nhận - không ai làm sai khi tận dụng mạng xã hội cho những điều tích cực và ý nghĩa như vậy.

Những trào lưu đó có thể đến và đi nhưng chắc chắn có hai điều sẽ xảy ra: (1) cộng đồng đã hiểu được phần nào giá trị của trào lưu đó và cùng nhau thực hành, (2) những trào lưu khác sẽ tới khi vấn đề môi trường giờ đây không phải là chuyện của riêng các nhà nước hay trong những buổi hội nghị. Một trào lưu có thể không thay đổi được nhận thức nhưng làn sóng các trào lưu - “trò vui xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn”, sẽ cộng hưởng để thực sự thay đổi nhận thức của mọi người. Đó mới là ý nghĩa thực sự của các thử thách trên mạng xã hội về môi trường.

Người trẻ bảo vệ môi trường hay chỉ “đu trend”: Khi sự khắt khe và hoài nghi che mờ đi những điều tốt đẹp - Ảnh 5.

Không thể phủ nhận rằng, để có thể làm tốt và hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có những người có chuyên môn cùng chung tay giúp đỡ. Vấn đề nằm ở thái độ của đại đa số người phản đối: Thay vì chỉ ra những cái chưa phù hợp hay đề xuất để cùng nhau cải thiện, điều duy nhất họ làm là chê bôi và phản đối. Thậm chí, các ý kiến như vậy cũng xuất phát từ những người có kiến thức hơn về môi trường và sống xanh. 

Câu hỏi được đặt ngược lại cho những người “có chuyên môn và kiến thức”: Việc họ lên tiếng chê bai, công kích những bạn trẻ khác có phải chăng chỉ là muốn thể hiện kiến thức của bản thân thay vì thực sự muốn chung tay cùng nhau bảo vệ môi trường?

Không giống như những vấn đề khác, bảo vệ môi trường không phải hoạch định chính sách; nó cần đến sự tham gia của rất nhiều người, đông đảo các quốc gia. Đại đa số các ý kiến phản đối đều chỉ dừng lại ở lập luận: “Làm chưa tới, làm ít chỉ để chụp ảnh, cần có kế hoạch và tầm nhìn hơn” chứ không phải “họ làm sai”. Trong một khuôn khổ chấp nhận được, nếu cứ khắt khe như vậy, liệu có đủ mọi người để cùng nhau giải quyết các vấn đề môi trường?

Không có một chiến dịch, phong trào nào trên toàn thế giới có thể thành công ngay từ đâu. Khi cô bé Greta bãi khóa vì biến đổi khí hậu, cầm tấm biển ngồi trước tòa nhà Quốc hội, ai nghĩ rằng đây sẽ trở thành một phong trào toàn cầu hay “trò trẻ con không tác dụng” của một cô bé 16 tuổi với những hiểu biết về môi trường hạn chế?

Người trẻ bảo vệ môi trường hay chỉ “đu trend”: Khi sự khắt khe và hoài nghi che mờ đi những điều tốt đẹp - Ảnh 6.

Chúng ta không thể ép một người đang sử dụng 10 chiếc túi nilon một ngày cắt bỏ hoàn toàn để rồi nói “đấy, chỉ là hình thức thôi chứ vẫn dùng túi nilon”. Cắt giảm số lượng không phải điều khó, thay đổi nhận thức mới quan trọng, điều cần thiết chỉ là vấn đề thời gian. Nếu chỉ nhìn vào số lượng rác nhặt được ít ỏi, số lượng ống hút nhựa tiết kiệm không đáng là bao, họ sẽ thấy mọi trào lưu chỉ toàn mang tính hình thức nhưng thực sự nó đang dần thay đổi nhận thức của mọi người. Chưa bao giờ, người trẻ Việt lại nói về môi trường nhiều đến như vậy.

Hãy có một cái nhìn thoáng hơn về vấn đề môi trường, và nếu bạn nghĩ rằng ai đó đang “đu trend”, ít nhất bạn biết rằng, một bức ảnh theo trào lưu của họ cũng đang giúp nhiều người nhìn nhận ra vấn đề cấp bách của việc bảo vệ môi trường. Trào lưu hay không trào lưu, góp thêm một công sức, còn tốt hơn cả một xã hội chọn im lặng.

WeDo - Cuộc Chiến Trộm Nhựa (nằm trong khuôn khổ Wechoice) là một thử thách môi trường hoàn toàn khác mang trong mình sứ mệnh của các "phản anh hùng" bất bình với thực trạng rác nhựa.

Chiến dịch gồm chuỗi 30 thử thách nhằm thay đổi thói quen sử dụng nhựa của người trẻ. Cùng theo dõi các thông tin từ chương trình tại website: https://cuocchientromnhua.wechoice.vn/.

WeDo - Cuộc Chiến Trộm Nhựa xin trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các đơn vị tiên phong: thương hiệu thời trang BOO Vironment, thương hiệu đồng hồ Việt Curnon, dòng sản phẩm sinh học phân huỷ hoàn toàn Aneco, chuỗi cửa hàng The Coffee House và các đối tác truyền thông: TikTok, BeatVN, Én Comics, Vẽ Bậy,... đã cùng chương trình tạo nên một trào lưu sống xanh mới cho người trẻ hiện đại và góp phần cùng xã hội tích cực bảo vệ môi trường.

Người trẻ bảo vệ môi trường hay chỉ “đu trend”: Khi sự khắt khe và hoài nghi che mờ đi những điều tốt đẹp - Ảnh 8.