Người Thái Lan sẵn sàng "mạo hiểm" mua mỹ phẩm đã qua sử dụng, vì đâu đến nỗi?

Diệp Lục, Theo Phụ nữ Việt Nam 12:45 24/10/2022

Người dân nơi đây bất chấp rủi ro để sử dụng lại những đồ mỹ phẩm từng qua tay người khác.

Một cuộc khảo sát cho thấy, phần lớn người tiêu dùng Thái Lan sẵn sàng mua các sản phẩm làm đẹp đã qua sử dụng trên các kênh mạng xã hội.

Bất chấp chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn mua phải hàng giả, 22% người tiêu dùng Thái Lan sẵn sàng mua những sản phẩm làm đẹp đã cũ trên Twitter và Instagram cùng một số kênh truyền thông xã hội khác. Thông tin này do Mintel, một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu cho biết.

Không thoát khỏi nỗi lo 'lạm phát'

Chayapat Ratchatawipasnan, nhà phân tích chăm sóc cá nhân và sắc đẹp cao cấp của Mintel cho biết, Thái Lan hiện trải qua mức lạm phát 7,1%. Chính vì vậy, người tiêu dùng đang cố gắng tiết kiệm chi phí khi mua các sản phẩm làm đẹp.

Chayapat cho hay chủ sở hữu các thương hiệu làm đẹp có thể mất một số khách hàng vào tay người bán đồ cũ. Mintel nhận thấy rằng nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang mạng xã hội để tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp đã qua sử dụng thay vì tìm các mẫu sản phẩm mới trên phương tiện thông thường.

Ông Chayapat tiết lộ rằng, một số thương hiệu mỹ phẩm đang thu hút khách hàng trung thành bằng cách tạo ra một thị trường trao đổi để người dùng bán đồ cũ của họ. TikTok, một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, đã được giới trẻ Thái Lan sử dụng triệt để nhằm tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp đã qua sử dụng.

Theo ông Chayapat, doanh số bán các sản phẩm làm đẹp đã qua sử dụng trên nền tảng TikTok dự kiến sẽ tăng 42%. Mintel phát hiện ra rằng 46% Gen Z Thái thừa nhận mạng xã hội ảnh hưởng đến việc họ mua các sản phẩm làm đẹp thông qua các cửa hàng trực tuyến.

Người đàn ông này cũng chia sẻ thêm rằng, nghiên cứu của Mintel cho thấy hầu hết người mua, từ 45 tuổi trở lên, không thích mạo hiểm dùng các sản phẩm đã qua sử dụng. 40% nhóm này nói rằng họ mua các sản phẩm làm đẹp trực tiếp từ các cửa hàng trực tuyến của thương hiệu đó.

Vì vậy, theo ông Chayapat, các thương hiệu mỹ phẩm có thể tiếp cận nhóm người mua trên 45 tuổi để phát triển các dòng sản phẩm mới trong tình hình hiện nay.

Thức ăn bình dân cũng tăng giá

Tỷ lệ lạm phát của Thái Lan đã cán mốc cao nhất trong 14 năm. Chỉ riêng giá thực phẩm đã tăng 6,42% so với năm trước. Giá cả leo thang khiến ngay cả món ăn giá rẻ như mì gói cũng phải "chịu thua".

Mặt hàng chủ lực của Thái Lan là gạo nhưng mì gói là một mặt hàng thiết yếu trong tủ đựng thức ăn của nhiều người vì giá cả phải chăng.

"Mì ăn liền đã tồn tại trong xã hội Thái Lan từ lâu. Đó là một người bạn của mọi người vào cuối tháng", ông Ungkool, người chuyên bán mì gói cho hay.

Người Thái Lan sẵn sàng mạo hiểm mua mỹ phẩm đã qua sử dụng, vì đâu đến nỗi? - Ảnh 1.

Thị trường mì ăn liền Thái Lan cũng bị xáo động bởi lạm phát.

Tại Thái Lan, mì ăn liền nằm trong số 18 sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng không được phép tăng giá nếu không có sự chấp thuận của Cục Nội thương, thuộc Bộ Thương mại nước này. Song do ảnh hưởng của lạm phát, lần đầu tiên trong 14 năm qua, khiến mặt hàng vốn được xem là thực phẩm chủ lực của các hộ gia đình có thu nhập thấp này đã tăng giá.

"Hiện nay mọi thứ đều tăng giá. Thông thường mỗi người chỉ mua từ 2 - 3 gói mì ăn liền mỗi lần, nhưng bây giờ phải mua ít hơn, có khi chỉ mua một gói. Giá mì đã tăng nên mức chi chỉ có thể như vậy, tiền còn phải để dành mua những thứ khác", bà Chanthana Srisahwat, một người dân Thái Lan chia sẻ.

Trên thực tế, Thái Lan không sản xuất đủ lúa mì và dầu cọ - 2 nguyên liệu cơ bản để sản xuất mì ăn liền, vì vậy nước này phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Trong khi đó, nguồn nhập khẩu cũng không ổn định bởi nhiều lý do khác nhau, khiến giá hai nguyên liệu này càng tăng lên.

Nguồn: ANN, SCMP