Gần đây, một người phụ nữ họ Tôn ở huyện Bình Âm, thành phố Tế Nam, Trung Quốc đến ngân hàng tại địa phương để rút 200.000 NDT (hơn 700 triệu đồng) trong tài khoản của mình. Sau khi kiểm tra lịch sử giao dịch, nhân viên ngân hàng phát hiện cô Tôn đã từng nhiều lần rút các khoản tiền lớn như thế này ở các chi nhánh khác của ngân hàng. Nghi ngờ khách hàng bị lừa đảo, nhân viên nhân hàng đã âm thầm gọi điện báo cho Cục cảnh sát huyện Bình Âm.
Khi thấy cảnh sát đến ngân hàng, cô Tôn liền lập tức giải thích rằng mình cần rút tiền để đặt cọc mua nhà. Nhưng cảnh sát hỏi cụ thể về việc mua nhà ở đâu và chủ sở hữu là ai, cô Tôn lại do dự không trả lời. Sau đó, cô Tôn tiếp tục thay đổi và trả lời đây là tiền người khác vay cô, vừa gửi trả lại. Hành vi bất thường của người phụ nữ khiến cảnh sát càng thêm nghi ngờ rằng cô Tôn có thể đang dính vào một vụ lừa đảo hoặc cố che giấu điều gì đó.
Vì cô Tôn không chịu nói thật, cảnh sát đã bắt đầu tiến hành điều tra sâu hơn và phát hiện sự thật về khoản tiền 200.000 NDT. Trên thực tế, cô Tôn không rút tiền của mình để đưa cho kẻ lừa đảo, mà đang giúp những kẻ lừa đảo rửa tiền. Sau khi thực hiện các hành vi gian lận, kẻ lừa đảo sẽ gửi tiền vào tài khoản thông thường của cô Tôn và nhờ cô đi rút. Mỗi lần như vậy, cô Tôn sẽ được chia một khoản hoa hồng là 10.000 NDT (hơn 35 triệu đồng).
Mặc dù biết không được phép cho người khác mượn tài khoản ngân hàng để làm các hoạt động như thế này, cô Tôn vẫn thực hiện nhiều lần. Tính đến thời điểm bị cảnh sát phát hiện, cô Tôn đã giúp những kẻ lừa đảo lạ mặt rút tổng cộng 900.000 NDT (khoảng 3,1 tỷ đồng).
Khi cảnh sát đến ngân hàng làm việc, cô Tôn mới chịu khai thật nguồn gốc của khoản tiền lớn mà mình định rút
Cảnh sát cho biết, mặc dù không trực tiếp lừa đảo, nhưng hành vi của cô Tôn là vi phạm pháp luật và bị khép vào tội giúp che giấu khoản tiền bất chính. Cô Tôn sau đó đã bị cảnh sát huyện Bình Âm bắt giữ. Phần lớn tổng số tiền 900.000 NDT (khoảng 3,1 tỷ đồng) mà cô Tôn rút ra đều đã được gửi đến tay những kẻ lừa đảo. Cơ quan chức năng hiện vẫn tiếp tục truy tìm kẻ cầm đầu bằng nhóm lừa đảo và rửa tiền này.
Theo Tòa án và Cục cảnh sát Tế Nam, theo luật pháp Trung Quốc, mức án tối đa cho hành vi che giấu tài sản phạm tội là 7 năm, trong khi mức án tối đa cho hành vi hỗ trợ và tiếp tay cho tội phạm là 3 năm.
Trên thực tế, các cơ quan tư pháp sẽ xem xét người hỗ trợ ngoài việc ngoài việc cung cấp thẻ ngân hàng, có tham gia vào các hoạt động khác như rút tiền mặt, đổi tiền, chuyển tiền, v.v. hay không. Từ đó sẽ xác định mức phạt cho tội giúp sức, tiếp tay và tội che giấu tài sản phạm tội. Hành vi của cô Tôn sẽ được xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Qua sự việc, cảnh sát cũng nhắc nhở mọi người không tham lam các khoản lợi nhuận dễ dàng từ người lạ, không đưa số điện thoại hay thẻ ngân hàng cho người khác sử dụng. Nếu không sẽ có nguy cơ vướng vào vòng lao lý mà không hay biết như cô Tôn. Theo đó, những người phạm tội đồng phạm hay hỗ trợ đường dây lừa đảo đều sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật định.
Không chỉ cô Tôn, trong thời gian gần đây, cảnh sát Trung Quốc liên tục phát hiện các trường hợp người dân có hoạt động gửi và rút tiền trong tài khoản ngân hàng một cách bất thường. Đặc biệt, những kẻ tội phạm thường chọn đối tượng giúp rửa tiền là những người lớn tuổi, không hiểu rõ về luật pháp và quy trình sử dụng tài khoản ngân hàng. Nhiều người chỉ vì tham lam khoản lợi trước mắt mà dễ dàng nghe theo, không biết rằng mình đã tiếp tay cho hanh vi phạm pháp.
(Theo Toutiao)