Với nhiều bố mẹ, sự cố gắng cả đời của họ là để con cái có cuộc sống ổn định nhất. Vì vậy họ sẵn sàng bán hết đất đai nhà cửa ở quê để mua nhà cho con trên thành phố. Nhưng không phải người con nào cũng sống tình cảm, hiếu thảo, biết đền đáp sự hy sinh đó, để mặc bố mẹ tổn thương, khổ sở.
Đó chính là câu chuyện của một người mẹ đến chia sẻ với chuyên gia, Tiến sĩ Tâm lý Đinh Đoàn trên talkshow Tâm Sự Cùng Đinh Đoàn được đăng trên kênh YouTube Bài Học Sống.
Theo đó, bà là người miền Bắc, lấy chồng về Thanh Hóa. Hai vợ chồng có 3 người con gồm 2 con gái và 1 con trai út. Cuộc sống gia đình bình thường, không khá giả nhưng đủ ăn đủ mặc nuôi các con trưởng thành.
Hai con gái lớn lấy chồng và đều sống ở gần nhà bố mẹ còn con trai út lên Hà Nội học đại học rồi ở lại làm việc. Năm 2020, anh chàng lấy vợ và vợ chồng trẻ phải đi thuê nhà vì chưa đủ tiền để mua nhà.
Thời điểm dịch bệnh, con trai về quê và than thở cuộc sống khó khăn, nhà thuê cách xa chỗ làm việc. Thậm chí người này còn nói rằng vì kinh tế eo hẹp, phải đi thuê nhà nên 2 vợ chồng không dám sinh con. Vậy nên anh muốn bố mẹ bán hết đất đai nhà cửa ở Thanh Hoá gộp với một ít tiền từ nhà ngoại hỗ trợ để mua nhà ở Hà Nội. Sau đó vợ chồng anh sẽ đón bố mẹ về ở chung để tiện chăm sóc.
Nghe con nói người mẹ vừa mừng vừa lo vì con biết nghĩ đến mình, đặc biệt là chuyện báo hiếu. Sau đó bà nói với con gái về ý định thì cả 2 người phản đối, nhất định không đồng ý cho bố mẹ bán nhà. Tuy nhiên vợ chồng bà không nghe vẫn bán hết nhà cửa đất đai vườn tược rồi đưa hết tiền cho con trai.
Sau khi ra thành phố sống cùng con trai và con dâu, cặp vợ chồng già mới nhận ra nhiều điều bất cập.
Đầu tiên là sự khác biệt về lối sống. Vì con cái còn trẻ nên nhiều thứ không hợp với bố mẹ, bố chồng góp ý mà con không nghe thì lại nóng tính, huyết áp cao.
Tiếp theo là con dâu sinh cháu và đi làm sau khi hết thời gian thai sản. Bố mẹ chồng không biết con dâu làm gì nhưng đi từ sáng sớm đến tối muộn, phó mặc cháu và toàn bộ công việc nhà cho ông bà chăm sóc.
“Chúng tôi cứ phải cơm nước, lo hết đầy đủ cho cháu. Đến lúc con dâu về thì cháu cũng đã ngủ rồi. Con dâu ăn uống tắm rửa xong thì chui tọt vào phòng riêng. Chồng tôi không đồng ý những hành động đó chút nào. Thực ra chúng tôi không ngại chăm cháu nhưng càng sống với con trai con dâu thì càng có những mâu thuẫn” - người mẹ nói.
Sau cùng bố mẹ chồng quyết định ăn riêng và sinh hoạt riêng. Tuy nhiên trong không gian chung cư hạn chế nên cũng không giải quyết được vấn đề. Có thời gian con dâu “chiến tranh lạnh” với bố mẹ chồng, cả tháng trời đi đi về về không chào hỏi ai.
Cuối cùng, bố mẹ chồng còn khó hòa nhập với cuộc sống xa lạ ở thành phố, không có bạn bè, không biết chia sẻ với ai. Vì vậy mà ông bà cảm thấy đau khổ, buồn bã, đêm không ngủ được và khóc suốt đêm. Hiện tại, con gái gọi điện hỏi thăm thì họ cũng không dám nói thật vì trước đây đã không nghe lời khuyên của con, muốn về quê cũng không có chỗ mà về.
Kể xong câu chuyện của mình, người mẹ khóc nức nở ngay trên sóng chương trình.
Về phần mình, chuyên gia Đinh Đoàn khẳng định chuyện này không hiếm và bản thân luôn nhắc bố mẹ phải nghĩ cho mình, tự lo cho mình trước vì: “Con cái không phải là của để dành, con cái cũng không phải tài sản vô giá”. Chuyên gia cũng cho rằng nếu đất rộng thì bố mẹ có thể bán một phần để hỗ trợ con cái còn nhất định không bán nhà. Và lẽ ra đất đai tài sản của bố mẹ khi để lại cho các con thì phải chia cho cả 2 cô con gái nữa nhưng bố mẹ trong câu chuyện đã không làm như thế.
Với sự tình hiện tại, chuyên gia Đinh Đoàn khuyên bố mẹ chồng trước mắt học cách bình tĩnh hơn một chút, chủ động một chút như đề xuất cho cháu đi học, không trông cháu nữa. Khi có thời gian ông bà dành thời gian tập thể dục, đi dạo,... và tranh thủ về quê chơi với cháu ngoại.
Cùng với đó, bố mẹ nên nói thẳng với con trai để nhắc nhở vợ biết cách ứng xử. Nếu con dâu quá đáng quá thì có thể nhờ người có uy tín trong gia đình trao đổi với các con hoặc đến nước cùng là doạ con rằng sẽ rời đi. Tuy nhiên chuyên gia nhấn mạnh bố mẹ chồng đã không chừa đường lùi cho mình nên mọi biện pháp chỉ để làm giảm bớt sự bức bối chứ không có cách giải quyết triệt để vấn đề.
S.A
Nguồn: Bài học sống