Tin lời một cô gái, hai bà bán tăm bị dân đánh "thừa sống thiếu chết"
Chiều 23/7, một ngày sau clip xôn xao hai phụ nữ đi bán tăm bị đánh dã man vì nghi bắt cóc trẻ em xảy ra tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chúng tôi đã tìm về nhà bà Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Ngồi trong ngôi nhà nằm ngay ven con đường đê, khuôn mặt bà Phúc sưng húp, đôi mắt cùng một số vị trí trên cơ thể thâm tím vì bị những trận đòn oan "thừa sống thiếu chết".
Clip: Bà Nguyễn Thị Phúc kể lại sự việc bị đánh oan vì nghi bắt cóc trẻ em. Thực hiện: Định Nguyễn
Nhiều người dân khi nghe tin bà Phúc xin xuất viện về nhà đã kéo đến hỏi thăm. Khi xem lại clip bà Phúc cùng chị Lê Thị Bảy (40 tuổi, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bị người dân đánh đập dã man được đăng tải trên mạng, ai ai trong làng cũng bức xúc.
Khuôn mặt bầm tím khiến bà Phúc lâu lâu lại nhăn mặt vì đau nhức, không kiềm được nước mắt, bà Phúc bàng hoàng nhớ lại sự việc. Cho đến lúc này khi bình tâm lại, bà vẫn không hiểu nổi chỉ vì lời nói của 1 người phụ nữ mà bà bị hành hung không thương tiếc.
Hai người phụ nữ bị người dân tập trung vây bắt nghi bắt cóc trẻ em. Ảnh: Facebook
Bà Phúc kể, mới thử việc bán tăm cho Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức được khoảng 10 ngày nay. Sáng 22/7, bà bắt xe buýt từ Hà Đông sang Long Biên thì gặp chị Bảy. Hai người có quen nhau từ trước do một vài lần đi bán tăm cùng. Chị Bảy rủ bà Phúc về thôn Thái Phù, xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) để bán.
"Hai chị em lần lượt đi bán ở một số khu vực công nhân làm với một số hộ dân rồi khoảng 10h quay ra khu vực thôn Thái Phù, xã Mai Đình, đi dọc hai bên đường để mời chào mua tăm giúp đỡ những người khuyết tật.
Căn nhà bà Phúc sinh sống.
Trên gương mặt người phụ nữ có nhiều vết bầm tím.
Lúc đó, chị Bảy gọi vào một hộ dân đang khóa cửa nhưng có cháu nhỏ đứng trong nhà. Cùng lúc một người phụ nữ đi xe máy đến hỏi chúng tôi gọi cháu bé ra làm gì, định bắt cóc trẻ em à? Chị Bảy chỉ giải thích là gọi xem có ai ở nhà thôi, sau nghĩ không có chuyện gì chúng tôi đi bán tăm tiếp", bà Phúc nhớ lại.
Sau khi mời chào bán tăm ở quanh khu vực đó được khoảng 1 tiếng thì họ gặp lại cô gái đi xe máy ban đầu. Lúc bà Phúc cùng chị Bảy định bắt xe buýt đi về thì một người đàn ông trung tuổi ra trạm xe buýt giữ lại không cho về. Và chỉ ít phút sau những người trên gọi điện cho nhiều người kéo đến làm ầm ĩ.
"Chị Bảy và tôi có đưa giấy giới thiệu của hợp tác xã và nhiều gói tăm nhưng những người trên không nghe giải thích mà lao vào đánh, đá túi bụi mặc cả hai chúng tôi van xin. Chị Bảy bị đánh chảy máu đã núp vào một nhà bán hàng quán ven đường, họ cũng khuyên người dân không được đánh nữa. Sau một hồi họ bảo tôi là đồng phạm rồi lao vào đạp đá vào người, đầu, chân tôi", bà Phúc kể.
Vết thương trên người đau nhức khiến bà Phúc không thể chợp mắt ngủ.
Khi xem lại clip người dân trong làng ai cũng bức xúc.
Chủ nhiệm hợp tác xã tình thương: Vô cớ đánh đập người lớn tuổi như thế là không chấp nhận được!
Người đàn bà tuổi ngũ tuần cho biết, lúc đó rất đông người dân hung hãn nghe tin lao vào đánh đập khiến bà dường như bất lực, chỉ biết van xin. Chỉ tới khi có lực lượng chức năng tới giải vây đưa cả hai về trụ sở thì mới may giữ được tính mạng.
Nói về thông tin người dân nói có chai thuốc mê, bảng giá bán nội tạng và lá bùa trong túi, bà Phúc giải thích: "Trong túi tôi làm gì có chai thuốc mê nào. Tờ giấy kia là tôi ghi lại thông tin và số điện thoại của một người chữa sỏi thận vì tôi đang bị sỏi thận còn lá bùa là của chùa trong làng tôi mới khánh thành, ai cũng có chứ riêng gì tôi".
Sau khi xác định mọi việc chỉ là hiểu lầm, đêm qua, bà Phúc xin xuất viện về nhà điều trị, còn chị Bảy hiện vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn. "Về nhà, cả đêm qua đến hôm nay tôi không hề chợp mắt nổi. Đôi mắt đỏ tấy đau nhức, người nhà phải thay phiên chườm đá, xoa bóp. Đáng ra họ nghe tôi giải thích, chúng tôi đã chứng minh rằng mình chỉ là người bán tăm lương thiện mà họ vẫn lao vào đánh không thương tiếc".
Chị Bảy hiện vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn.
Qua sự việc, bà Phúc mong mỏi cơ quan chức năng giúp bà minh oan, lấy lại danh dự vì những tiếng ác do một số người đăng tải lên mạng xã hội. "Tôi mong muốn cơ quan chức năng xác định những người đã có hành vi đánh đập phải công khai xin lỗi tôi. Chỉ vì việc trên đã ảnh hưởng đến tinh thần, giá trị của tôi".
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hùng (30 tuổi, con trai bà Phúc) cho biết, ngày mai (24/7) anh sẽ đưa mẹ đi chụp chiếu xác định thương tật. Từ đó, gia đình sẽ có đơn kiến nghị gửi cơ quan Công an huyện Sóc Sơn điều tra làm rõ những người đã có hành vi đánh đập mẹ anh.
Anh Nguyễn Văn Hùng (con trai bà Phúc).
"Những người đánh đập đã làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe mẹ tôi và cô Bảy đi cùng nên gia đình chúng tôi mong cơ quan công an vào cuộc điều tra làm sáng tỏ sự việc", anh Hùng chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Lê Hồng Mạnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức xác nhận, bà Phúc là nhân viên của Hợp tác xã. Theo ông Mạnh, do Hợp tác xã của ông mới thành lập được hơn 2 tháng nên thông tin về sản phẩm còn ít người biết đến. Vì thế cần những người như bà Phúc đi bán hàng và giới thiệu sản phẩm.
"Thấy bà ấy là người hiền lành, gia cảnh lại khó khăn nên tôi nhận vào làm việc. Ai ngờ xảy ra sự việc đau lòng như thế, người ta vô cớ đánh đập một người lớn tuổi như thế là không chấp nhận được. Hy vọng các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc để trả lại sự trong sạch cho bà Phúc", ông Mạnh bức xúc.