Người nhập cảnh đã tiêm vắc-xin Covid-19 có còn phải cách ly 14 ngày?

D.Thu, Theo Người lao động 15:49 11/03/2021
Chia sẻ

Chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng đến nay Việt Nam chưa có thay đổi gì về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Vì thế, người nước ngoài nhập cảnh vào dù đã được tiêm vắc-xin vẫn phải cách ly tập trung 14 ngày.

Sau khi nhiều quốc gia triển khai tiêm vắc-xin Covid-19, nhiều ý kiến băn khoăn trước việc người đã tiêm vắc-xin Covid-19 khi nhập cảnh Việt Nam có phải thực hiện cách ly y tế 14 ngày. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết hiện nay những trường hợp này vẫn buộc phải cách ly tập trung 14 ngày và có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 giống như những trường hợp nhập cảnh khác.

Người nhập cảnh đã tiêm vắc-xin Covid-19 có còn phải cách ly 14 ngày? - Ảnh 1.

Kể cả khi đã tiêm vắc-xin Covid-19 người nhập cảnh vẫn phải cách ly 14 ngày (Ảnh: Ngô Nhung)

Cùng quan điểm, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế, cũng cho biết thêm đến thời điểm này Việt Nam chưa công nhận hộ chiếu vắc-xin và chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng chống dịch cũng như biện pháp cách ly với người nhập cảnh dù có hộ chiếu vắc-xin.

Về vấn đề này, PGS Phu thông tin, trước đây, để phòng chống bệnh truyền nhiễm, các nước cũng đã áp dụng việc chứng nhận việc tiêm vắc-xin khi đi lại như với dịch tả, dịch hạch, bệnh sốt vàng (chỉ lưu hành ở châu Phi, lây qua muỗi đốt lây cho người ở châu Phi và người khác đến châu Phi)… "Tương tự với vắc-xin phòng Covid-19, hộ chiếu vắc-xin cũng có những điểm lợi. Một người được tiêm vắc-xin, nếu thực sự có miễn dịch thì khi sang nước khác không bị lây bệnh và cũng không làm lây truyền bệnh. Như vậy, sẽ giải tỏa được khó khăn cho ngành du lịch, hàng không, đi lại, phát triển kinh tế…"- PGS Phu nói.

Theo các chuyên gia dịch tễ, sự thành công của hộ chiếu vắc-xin sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của vắc-xin. Tuy nhiên, đến nay thế giới vẫn còn biết chưa thật đầy đủ về hiệu quả của tất cả các loại vắc-xin trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Trước đây, để nghiên cứu ra một vắc-xin cần 4-5 năm, thậm chí 10 năm; trong khi đó vắc-xin phòng Covid-19 được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp. Vì thế, có thể có một số vấn đề chúng ta chưa biết hết được như các vắc-xin khác nhau, hiệu lực bảo vệ khác nhau; có vắc-xin chưa biết được biết giảm lây nhiễm như thế nào mà chỉ giảm mức độ nặng của bệnh, giảm triệu chứng; cũng chưa biết kháng thể bảo vệ tồn tại trong cơ thể bao lâu… Thứ hai, virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục nên vắc-xin có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả với các biến thể mới. Thứ ba, cũng không loại trừ trường hợp có hộ chiếu vắc-xin giả.

Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên… để có thể có hình thức áp dụng phù hợp. Có thể kết hợp "hộ chiếu vắc-xin" với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để giảm thời gian cách ly…

Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi thận trọng, yêu cầu các nhà chức trách và các nhà điều hành du lịch không đưa ra bằng chứng về việc tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế. Lý do vì hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa lây truyền chưa rõ ràng và nguồn cung cấp vắc-xin toàn cầu còn hạn chế.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày