Có nhiều nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh cho con mình học chữ trước khi vào lớp 1. Sợ con không theo kịp chúng bạn, sợ con chán nản thiếu tự tin hay cuối năm xếp loại "bết bát"... Kiến thức lớp 1 tưởng đơn giản nhưng xung quanh chuyện dạy con tiền lớp 1 cũng có đủ chuyện dở khóc dở cười.
"Năm nay con em bắt đầu luyện vào lớp 1 nhưng mà ông bà nội lại dạy con như thế này thì con có loạn lên không các chị?" - mới đây, một bà mẹ đặt câu hỏi và chia sẻ cùng hình ảnh tập vở của con trong hội nhóm dành cho phụ huynh khiến dân tình bàn luận rôm rả.
Trong những trang vở có thể thấy bé viết khá lộn xộn và không theo một nguyên tắc nào. Các chữ cái dù chưa rành, viết không đúng độ cao, độ rộng nhưng bé đã được dạy nguyên âm, phụ âm... Người mẹ này chia sẻ, dù con chưa biết chữ nhưng ông bà vẫn nhất định dạy cháu viết chữ ghép trước, đồng thời cho rằng dạy các nét ngang, nét sổ, nét khuyết trước như chị đang dạy cho con là sai cách.
Câu chuyện của người mẹ này sau đó khiến các phụ huynh chia thành hai luồng tranh luận. Một số cho rằng, bố mẹ đi làm cả ngày, cháu ở nhà rảnh rỗi học thế này còn hơn cho cháu xem tivi, điện thoại, ông bà như vậy là rất yêu quý cháu. Có thể viết không đẹp nhưng quan trọng là con được vui vẻ và cảm nhận được tình yêu thương của ông bà, dù sao cũng là 1 kỷ niệm đẹp trong ký ức tuổi thơ của con.
"Mẹ mình cũng vậy, thay vì dịch ở nhà chơi điện thoại thì bà cho cháu đi đạp xe, nấu cơm cùng, phụ việc nhà, dạy cháu học. Tất nhiên là mẹ tớ có mua sách vở về cho bé học và tập viết đúng cách nhưng bạn có thể chỉ ông bà cách mà.
Hai thế hệ khác nhau nhưng có thể cùng nhau học hỏi, rút kinh nghiệm vì tương lai của các bé. Nhiều ba mẹ cầu còn không được, bạn được ông bà phụ giúp thế là mĩ mãn rồi", một phụ huynh nêu ý kiến.
Bên cạnh đó nhiều người nhận xét, dù biết ông bà thương cháu nhưng con mình, mình phải có trách nhiệm bởi tư duy về nền giáo dục của thế hệ ông bà giờ không phù hợp nữa, dạy cháu học sai cách sẽ hại nhiều hơn lợi: "Viết lộn xộn thế kia thì vỡ hết cả nét. Thà không biết gì cô còn dễ dạy. Sửa 1 thói quen bao giờ cũng khó hơn học mới. Dạy thế này rồi đi học cô giáo bó tay luôn".
Những phụ huynh này cho rằng, nếu ông bà vẫn muốn dạy cháu thì mẹ nên lên nội dung học của bé từng ngày rồi nhờ ông bà hướng dẫn: "Theo mình rút kinh nghiệm con đã qua lớp 1 thì các bác cứ cho con học thuộc bảng chữ cái, 11 chữ cái ghép. Nếu ổn hết thì mua quyển ghép vần về dạy cho con tập ghép vần. Còn nét chữ cứ để cô giáo rèn 1 tháng là ổn hết chứ dạy con ở nhà không đúng cách cầm bút đến lúc cô dạy gãy hết nét chữ", một bà mẹ cho biết.
Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho rằng, ông bà có thể dạy con đọc, dạy chữ cái, dạy ghép vần. Còn nếu dạy viết, phải tìm hiểu trước kiến thức chuyên môn rồi hẵng dạy. Các con thời gian này mới làm quen với học chữ và nét chữ nên những gì được dạy đầu tiên thường sẽ ghi vào bộ nhớ khá lâu. Khi trở thành thói quen, sau này nếu cô giáo dạy đúng kiến thức và chuyên môn, các con sẽ phải tiếp nhận kiến thức kiểu khác nhau.
"Lúc này có 2 vấn đề xảy ra. Một, con sẽ thấy phức tạp và rắc rối không hiểu tại sao mình phải tiếp nhận kiến thức khác với kiến thức cũ. Hai là việc thay đổi những thói quen. Việc đó với người lớn còn khó, trẻ con còn khó hơn nên không nhất thiết phải tự dạy con viết trước nếu không có đủ kiến thức chuyên môn, nó không có lợi cho con sau này.
Kể cả cô giáo tiểu học nhưng không chuyên về lớp 1, khi dạy lớp 1 cũng phải dành thời gian nghiên cứu lại giáo trình dạy tập viết vì nó là mảng kiến thức đặc thù. Nên tốt nhất là nếu bố mẹ không chuyên thì không nên dạy viết. Chỉ cần cho con tập tô các nét, để kĩ năng cầm bút và đưa bút mềm mại. Ít nữa con có kĩ thuật viết tiến bộ hơn, không sợ viết bài là được", cô Ngọc Anh nói.