Bác sĩ Tiết niệu Hoàng Vỹ Luân (Đài Loan, Trung Quốc) cảnh báo rằng táo bón là một rối loạn tiêu hóa rất phổ biến nhưng thường bị xem nhẹ. Trong khi đó, táo bón lâu ngày có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tới tính mạng.
Trong số bệnh nhân gần đây của bác sĩ Hoàng có một người đàn ông ngoài 60 tuổi, họ Trần. Ông này không thích ăn rau củ, bị táo bón dai dẳng đã nhiều năm nhưng chỉ cho đây là khó chịu khi ăn uống ai cũng gặp phải, nhất là ở những người có tuổi nên không để tâm. Đến khi ông thường xuyên đau nhức vùng bụng, sốt kéo dài, tiểu ra máu và lẫn cả cặn mùi hôi thối giống như phân mới chịu tới bệnh viện.
Khi tiến hành nội soi bàng quang, bác sĩ Hoàng phát hiện một điều khó tin - bên trong bàng quang không chỉ chứa nước tiểu mà còn lẫn đầy cặn thực vật và phân. Qua các xét nghiệm chuyên sâu, bệnh nhân được chẩn đoán bị rò bàng quang - đại tràng do viêm túi thừa đại tràng kéo dài.
Bàng quang bệnh nhân chứa cặn thực vật và phân, bị viêm nhiễm (Ảnh BV cung cấp)
Bác sĩ Hoàng giải thích: “Táo bón lâu năm đã khiến niêm mạc ruột suy yếu, tạo thành túi thừa, sau đó dẫn đến viêm nhiễm và dính vào bàng quang, hình thành lỗ rò. Chính vì thế, phân từ đại tràng đã chảy ngược vào bàng quang, gây nhiễm trùng nghiêm trọng”.
Sau khi nhập viện, tình trạng ông Trần bắt đầu không thể đi tiểu và chuyển biến xấu rất nhanh. Để cứu mạng ông, các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng sigma bị tổn thương và sửa chữa bàng quang. Tuy nhiên, vì lỗ rò nằm gần niệu quản nên phần niệu quản cũng phải được tái tạo lại. Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 6 giờ, bệnh nhân may mắn hồi phục nhưng phải đối mặt với quá trình chăm sóc hậu phẫu phức tạp. Khả năng tiêu hóa cũng như đại tiện, tiểu tiện về sau rất khó trở lại được như bình thường.
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Hoàng Vỹ Luân, táo bón là rối loạn tiêu hóa cực phổ biến ở thời hiện đại, ở mọi lứa tuổi. Bởi lý do dẫn tới táo bón không chỉ do chế độ ăn uống không lành mạnh hay uống thiếu nước mà còn nhiều nguyên nhân khác ít ai ngờ tới. Có thể kể đến như ngồi nhiều, lười vận động, nhịn đi vệ sinh hoặc quá vội vã khi đại tiện, căng thẳng hay áp lực kéo dài…
Thông qua trường hợp của ông Trần, bác sĩ Hoàng cảnh báo rằng táo bón thực ra nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ, nhất là nếu để kéo dài mà không can thiệp. "Ngoài cảm giác khó chịu, nó có thể gây đau đớn, nứt hậu môn, bệnh trĩ. Nghiêm trọng hơn là tắc ruột, phình đại tràng, viêm túi thừa đại tràng, hình thành lỗ rò đại tràng - bàng quang, thậm chí tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Chưa kể, táo bón kéo dài dù đã thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt còn có thể là triệu chứng báo hiệu nhiều bệnh lý khác. Nên tốt nhất hãy đi thăm khám sớm".
Ăn thiếu chất xơ và uống thiếu nước là nguyên nhân hàng đầu gây táo bón (Ảnh minh họa)
Để ngăn ngừa, cải thiện tình trạng táo bón, bác sĩ Hoàng đưa ra một số gợi ý đơn giản nhưng hiệu quả. Về ăn uống, hãy ăn nhiều chất xơ một cách đều đặn và đảm bảo uống đủ nước, hạn chế thực phẩm khó tiêu. Về vận động, hãy chú trọng vào tập luyện nhẹ nhàng nhưng đều đặn, ưu tiên các bài tập kích thích nhu động ruột như yoga, bơi, đi bộ. Rèn luyện thói quen đi vệ sinh hàng ngày, không nhịn đại tiện hay rặn quá mạnh. Ngoài ra, ngủ đủ giấc, thư giãn và tránh stress cũng quan trọng để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Family Doctor