Người đàn ông ở TP.HCM đau răng 10 ngày không khỏi, bác sĩ mở vùng dưới hàm phát hiện cả ổ mủ "bốc mùi"

Mỹ Diệu, Theo Phụ nữ mới 16:45 09/03/2024
Chia sẻ

Đây là trường hợp của nam bệnh nhân N. V. T (49 tuổi, TP.HCM) bị viêm tấy sàn miệng lan toả Ludwig’s angina được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175.

Vừa qua, Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận và điều trị phẫu thuật cấp cứu nhiều ca bệnh nặng liên quan đến nhiễm trùng răng miệng. Điển hình trong số đó là bệnh nhân nêu trên.

Được biết, trước khi nhập viện, bệnh nhân đã đau răng 10 ngày liên tục, tự điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng bệnh không thuyên giảm, tình trạng sốt cao, sưng nề sàn miệng, dưới hàm, khó nuốt, nói khó do cứng hàm, khó thở do sàn miệng sưng nề chèn ép đường thở vẫn diễn biến kéo dài.

Bệnh nhân được nhập Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng khó thở nhiều, lưỡi sàn miệng phù nề, sưng nề dưới hàm, cổ phải. Sau khi tiến hành xét nghiệm chụp cắt lớp vi tính, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết đường vào từ viêm tấy sàn miệng lan tỏa do răng. Sau đó, đội ngũ y, bác sĩ tiến hành hội chẩn và tiến hành phẫu thuật.

Người đàn ông ở TP.HCM đau răng 10 ngày không khỏi, bác sĩ mở vùng dưới hàm phát hiện cả ổ mủ bốc mùi - Ảnh 1.

Hình ảnh bệnh nhân sau khi phẫu thuật

Khi rạch vùng dưới hàm người bệnh, các bác sĩ phát hiện nhiều mủ rất thối, ổ mủ thông vào các khoang dưới lưỡi, dưới hàm phải và dưới cằm, lan xuống vùng cổ và có nguy cơ lan trung thất nếu không được xử lý kịp thời.

Theo ThS. BS Đỗ Văn Tú, Khoa Hàm mặt của bệnh viện: "Viêm tấy lan tỏa vùng sàn miệng là bệnh lý nhiễm khuẩn diễn biến cấp tính và rất nguy hiểm. Những trường hợp nặng thường là do đến muộn, bản thân có một số bệnh gây suy giảm miễn dịch cơ thể như bệnh đái tháo đường, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng do nhiễm trùng nhiễm độc, đặc biệt do ảnh hưởng đến đường hô hấp vì bị khối mủ đè ép vùng hầu họng và lưỡi, chèn khí quản thậm chí đẩy lệch khí quản sang bên đối diện, người bệnh không nuốt cũng không thở được".

Để điều trị cho tình trạng này, các bác sĩ sẽ tiến hành:

- Điều trị toàn thân dùng kháng sinh liều cao, phổ rộng, phối hợp các nhóm chống nhiễm trùng, thuốc chống viêm nhóm steroid, bù nước điện giải… hồi sức và thông khí qua đặt nội khí quản hoặc mở khí quản cấp cứu.

- Điều trị tại chỗ bằng cách phẫu thuật rạch mở ổ mủ dẫn lưu rộng, càng sớm càng tốt. Đường rạch da từ góc hàm bên này sang góc hàm bên kia theo kiểu móng ngựa, làm thông thương giữa các vùng với nhau, rửa sạch ổ áp xe và lấy tổ chức hoại tử, sau đó đặt dẫn lưu to qua đường rạch và bơm rửa nhiều lần trong ngày bằng huyết thanh mặn. Sẽ giải quyết nhổ răng hoặc những nguyên nhân khác về sau.

- Điều trị các bệnh lý vùng miệng và bệnh lý rối loạn chuyển hoá như bệnh đái tháo đường để dự phòng bệnh. Nếu thấy các dấu hiệu biến chứng bệnh viêm tấy sàn miệng lan tỏa cần sớm, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế có chuyên môn để điều trị, tuyệt đối không được tự điều trị vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Viêm tấy sàn miệng lan tỏa Ludwig’s angina là gì?

Viêm tấy sàn miệng lan tỏa Lugwig’s angina là tình trạng viêm mô tế bào đe dọa tính mạng ở mô mềm liên quan đến sàn miệng và cổ. Viêm tấy làn tỏa sàn miệng bao gồm 3 khoang: dưới lưỡi, dưới cằm và dưới hàm. Nhiễm trùng tiến triển nhanh chóng, dẫn đến tắc nghẽn đường thở. Nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng răng hàm dưới, chủ yếu là răng hàm thứ hai và thứ ba, chiếm trên 90% trường hợp. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tiểu đường, bệnh ác tính ở miệng, sâu răng, nghiện rượu, suy dinh dưỡng và tình trạng suy giảm miễn dịch.

Bệnh lần đầu được mô tả bởi bác sĩ người Đức Wilhelm Frederick von Ludwig năm 1836 nên về sau bệnh còn được gọi là viêm tấy sàn miệng lan tỏa Ludwig - Ludwig angina. Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tỷ lệ tử vong rất cao do không hiểu rõ cơ chế bệnh, và chưa có kháng sinh.

Nguồn và ảnh: Bệnh viện Quân y 175

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày