Năm 2010, tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ông Mã Kiến Quốc – khi đó đã ngoài 50 tuổi tình cờ biết được một cơ hội mua nhà hấp dẫn. Một dự án bất động sản đang ưu đãi đặc biệt: giảm giá 1.000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng) mỗi mét vuông cho khách hàng thanh toán bằng tiền mặt.
Nhận thấy đây không chỉ là một khoản đầu tư tiềm năng, ông Mã quyết định xuống tiền ngay. Ông chi hơn 3,49 triệu NDT (hơn 12 tỷ đồng) để mua liền 5 căn nhà lớn.
Suốt nửa cuộc đời, ông Mã Kiến Quốc miệt mài với công việc kinh doanh gia súc và da cừu – nghề truyền thống của gia đình qua nhiều thế hệ. Nhờ sự cần cù và nhạy bén, ông đã tích luỹ được một khối tài sản đáng kể.
Bước sang tuổi ngũ tuần, khi các con đã trưởng thành và bắt đầu cuộc sống riêng, ông Mã trăn trở về cách bảo toàn và phát triển tài sản cho thế hệ sau. Tin rằng bất động sản là kênh đầu tư an toàn và bền vững, ông quyết định mua nhà không chỉ để giữ gìn thành quả lao động của mình, mà còn để đảm bảo rằng, dù sau này ra sao, con cái vẫn có nền tảng vững chắc để duy trì cuộc sống ổn định.
Đối với ông Mã, việc chi tiền mặt mua nhà là điều hết sức bình thường, không cần suy tính. Trong ngành kinh doanh gia súc và da cừu mà ông gắn bó suốt nhiều năm, các giao dịch luôn diễn ra trực tiếp, tiền trao tay ngay lập tức, không qua trung gian. Chính thói quen này khiến ông tin rằng thanh toán bằng tiền mặt là lựa chọn an toàn, minh bạch và thuận tiện nhất, ngay cả khi đầu tư vào bất động sản.
Sau khi mua nhà bằng tiền mặt và sinh sống tại đó suốt 7 năm, ông Mã tin rằng mọi thứ đã ổn thỏa. Tuy nhiên, một sự việc không ngờ đã xảy ra. Khi mua 5 căn nhà, ông chỉ nhận được biên lai và thỏa thuận đăng ký nhà, chứ không có hợp đồng mua bán chính thức. Thời điểm đó, đây là cách giao dịch phổ biến của các nhà đầu tư, nên ông không hề nghi ngờ gì, nhất là khi thấy nhiều người xung quanh cũng làm như vậy.
Sau khi hoàn tất giao dịch, ông Mã dọn vào ở và tiến hành sửa sang, trang trí. Thế nhưng, sau nhiều năm sinh sống, ông bàng hoàng phát hiện một vấn đề nghiêm trọng rằng các căn nhà mà ông bỏ tiền mua vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu, dù đã có người ở từ lâu.
Sự việc này khiến ông vô cùng hoang mang, không hiểu vì sao chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý. Dù nhiều lần thương lượng và yêu cầu giải quyết, nhưng ông chỉ nhận lại những lời hứa hẹn mơ hồ, mà không có bất kỳ động thái nào thực sự được thực hiện.
Đến năm 2018, khi mọi nỗ lực thương lượng đều rơi vào ngõ cụt, ông Mã quyết định kiện chủ đầu tư ra tòa.
Khi xét xử, toà án tuyên bố rằng giao dịch mà ông Mã thực hiện không đủ điều kiện pháp lý để được công nhận quyền sở hữu nhà. Do giao dịch không có hợp đồng mua bán hợp pháp và chưa được đăng ký tại cơ quan chức năng, toà tuyên bố rằng ông Mã không có quyền sở hữu những căn nhà này.
Thực tế, chủ đầu tư không đòi lại nhà mà chỉ không giao giấy chứng nhận sở hữu do những căn nhà đã bị thế chấp. Việc ông Mã kiện ra tòa là để bảo vệ quyền lợi, nhưng do giao dịch ban đầu không hợp pháp, toà đã bác bỏ yêu cầu của ông.
Câu chuyện của ông Mã là bài học đắt giá về việc tuân thủ quy trình pháp lý khi mua bán bất động sản. Việc không ký kết hợp đồng hợp pháp và đăng ký chứng nhận sở hữu đã dẫn đến kết quả đáng tiếc.
Theo Baidu