Người đàn ông cải tạo căn hộ thành homestay, 11 hàng xóm đồng loạt khởi kiện đòi 69 triệu đồng, tòa án tuyên bố: Anh phải bồi thường

Nguyên An, Theo Đời sống pháp luật 15:10 20/01/2025
Chia sẻ

Cải tạo ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của mình, người đàn ông vẫn không hiểu tại sao lại bất ngờ bị yêu cầu bồi thường cho người khác.

Cuối tháng 11/2024, người đàn ông họ Vương ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đang tiến hành việc cải tạo lại căn hộ mình sống để làm homestay cho thuê thì bất ngờ giấy triệu tập của tòa án. Theo đó, tòa án địa phương thông báo ông Vương bị 11 hộ dân trong cùng khu chung cư ký đơn kiện, yêu cầu ông ngừng ngay việc cải tạo, đồng thời phải bồi thường thêm cho họ.

Điều này khiến ông Vương vô cùng khó hiểu. Trong suốt thời gian qua, ông chỉ cải tạo căn hộ của chính mình, không hề tác động gì đến khu vực chung của chung cư. Căn hộ thuộc quyền sở hữu của ông Vương và có giấy tờ hợp pháp, do đó, ông Vương càng không hiểu vì lý do gì mà mình lại phải bồi thường cho cả hàng xóm.

Tại phiên tòa, phía 11 hộ dân khởi kiện cho rằng căn hộ chung cư của ông Vương nằm trong khu dân cư phức hợp, việc chuyển đổi hình thức nhà ở cá nhân thành homestay để cho khách đến thuê gây ảnh hưởng đến những người dân khác. Cụ thể, những người hàng xóm cho biết, việc ông Vương đã đăng địa chỉ của cả chung cư lên nền tảng trực tuyến để thu hút khách đã khiến họ mất đi sự riêng tư và gây ra nhiều phiền toái khác. 

Trước sự phàn nàn của hàng xóm, ông Vương khẳng định mình chỉ muốn cho thuê nhà ngắn hạn để kiếm thêm chút tiền trả nợ. Ngoài ra, phần lớn người thuê nhà đều là bạn bè của ông lưu trú khi đến thành phố này du lịch, chi phí thuê cũng không nhiều nên ông Vương cho rằng mục đích sử dụng của ngôi nhà vẫn không thay đổi. Mặc dù vậy, các hộ dân khác vẫn không chấp nhận và yêu cầu tòa án ra lệnh cho ông Vương phải ngừng ngay hoạt động kinh doanh, chỉ được sử dụng căn hộ để ở và bồi thường cho khu dân cư 20.000 NDT (khoảng 69 triệu đồng).

Người đàn ông cải tạo căn hộ thành homestay, 11 hàng xóm đồng loạt khởi kiện đòi 69 triệu đồng, tòa án tuyên bố: Anh phải bồi thường- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Sau khi xem xét sự việc, Tòa án Diêm Điền - Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông cho rằng khi ông Vương cho bên thứ 3 công bố thông tin nhà ở trên Internet, cho biết giá cả, nhận đặt chỗ, nhận đặt phòng…. Có nghĩa là đây chính xác là một ngôi nhà cung cấp dịch vụ lưu trú. Ông Vương đã tự ý chuyển nơi ở thành địa điểm kinh doanh thương mại.

Bên cạnh đó, những người thuê nhà ngắn hạn từ 1 - 2 ngày là những người không cư trú cố định, điều này sẽ gây ra sự hỗn loạn trong cộng đồng. Việc người lạ thường xuyên đến sống làm tăng thêm khó khăn trong việc quản lý tài sản, mất an toàn trong cộng đồng, cản trở cuộc sống bình thường của chủ sở hữu và gây ra các vấn đề khác về chỗ đậu xe, thang máy, nước, điện… 

Theo "Bộ luật Dân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", chủ sở hữu không được vi phạm luật pháp và quy định quản lý khi chuyển đổi tòa nhà dân cư thành tòa nhà thương mại. Trường hợp chủ sở hữu muốn chuyển nơi ở của mình thành nơi kinh doanh, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định quản lý, thì còn phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu có liên quan (những chủ hộ khác trong khu chung cư). Trong trường hợp này, ông Vương đã thay đổi căn hộ của mình thành homestay cho thuê mà không có sự đồng ý của 11 hộ dân khác. Vì vậy, 11 hộ dân yêu cầu ông Vương ngừng vận hành homestay và bồi thường thiệt hại vì đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống chung của họ trong thời gian qua là điều hợp lý.

Tòa án tuyên bố, ông Vương phải khôi phục căn hộ về trạng thái sử dụng làm nhà ở, không được tiếp tục kinh doanh homestay và bồi thường cho những người hàng xóm 20.000 NDT (khoảng 69 triệu đồng) để bảo vệ quyền lợi hợp lý của họ. Hiện bản án đã có hiệu lực thi hành.

Thẩm phán nhắc nhở, ngoài việc tuân thủ pháp luật, quy định và quy định quản lý, chủ sở hữu căn hộ chung cư sử dụng nhà ở để hoạt động cho thuê trực tuyến phải được sự đồng ý nhất trí của các chủ sở hữu khác trong tòa nhà. Ngoài ra, kể cả khi được sự đồng ý, vẫn nên cố gắng tránh ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của hàng xóm.

Trường hợp chủ sở hữu sử dụng nhà ở vào mục đích kinh doanh mà không được phép thì hàng xóm có quyền yêu cầu chủ sở hữu ngừng hoạt động và bồi thường nếu gây ảnh hưởng đến trật tự sinh hoạt chung.

(Theo Sohu)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày