Tại chợ rau của một ngôi làng thuộc huyện Đài Nhi Trang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, gian hàng của một ông lão có điểm đặc biệt. Tay phải ông cầm những bó rau tươi xanh, còn tay trái lại cầm cọ vẽ nên những bông hoa mẫu đơn, hoa thược dược và hoa mai rực rỡ trên giấy.
Tờ Cover News đưa tin, câu chuyện về một "Van Gogh của chợ rau" đã làm lay động hàng triệu người trên mạng xã hội.
Video về ông lão được đăng tải đã thu hút hàng triệu lượt xem. Ông lão cho biết tên mình là Lý Vân Hiệp và hội họa là niềm đam mê của ông suốt hơn 60 năm qua. Nhiều người xem video bày tỏ mong muốn mua tranh của ông để ủng hộ giấc mơ hội họa. Tuy nhiên, ông Lý và gia đình mong mọi người đừng mua tranh một cách bốc đồng. Họ hy vọng "những người thực sự yêu thích tranh mới mua, đó cũng là sự công nhận dành cho ông Lý".
Cháu gái của ông Lý, cô Hầu, cho biết: "Cậu tôi bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ, nhưng hội họa đã trở thành ánh sáng cuộc đời cậu". Cô Hầu chia sẻ thêm, ông Lý bán rau để mua dụng cụ vẽ, nuôi gà, trồng hoa để tìm cảm hứng sáng tác. Ông đã kiên trì với niềm đam mê này suốt gần 60 năm. "Nhờ vẽ tranh nhiều năm mà cậu tôi ngày càng minh mẫn hơn", cô Hầu nói.
"Tôi thích vẽ hoa mai nhất, mai nở rộ trong giá rét, chúng tôi làm nghệ thuật cũng vậy", ông Lý chia sẻ, dù khó khăn đến mấy cũng phải nở hoa, hơn nữa còn phải nở rộ thơm ngát.
Cô Hầu giới thiệu, cậu mình năm nay 71 tuổi, sinh ra tại một ngôi làng ở huyện Đài Nhi Trang, thành phố Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông. Lý Vân Hiệp là bút danh ông tự đặt, tên thật là Lý Doãn Đường. Một cán bộ thôn xác nhận ông Lý đúng là người trong thôn và đã say mê hội họa từ khi 10 tuổi.
"Mẹ tôi kể rằng, cậu tôi bị sốt cao khi hơn 1 tuổi, não bị tổn thương. Sau đó, cậu nói năng khó khăn, đi lại xiêu vẹo, cả đời không lập gia đình, cũng không có con cái", cô Hầu kể. Ông Lý bắt đầu học vẽ từ năm 12 tuổi, khi thấy người khác vẽ ở làng bên. Về nhà, ông lấy cành cây vẽ trên đất, trên tường, có thể coi là "tự học thành tài". Để vẽ tranh phong cảnh, ông xem tranh trên lịch cũ rồi bắt chước, gà vịt trong làng cũng là đối tượng ông thường vẽ.
Cháu gái cho biết, hiện tại ông Lý là người được bảo trợ xã hội và được thôn quan tâm chăm sóc. "Cậu tôi sống một mình, sức khỏe yếu, không làm được nhiều việc nông, nhưng nhờ vẽ tranh lâu năm nên đầu óc ngày càng minh mẫn hơn".
4 năm trước, cô Hầu tình cờ quay lại câu chuyện về cậu mình và những bức tranh rồi đăng lên mạng. Câu chuyện đã nhận được nhiều sự yêu thích từ cư dân mạng và nhiều người xa lạ đã khen ngợi tranh của ông Lý. "Tôi đọc từng lời khen cho cậu nghe và cậu rất vui. Thời gian trôi qua, tôi thấy ánh mắt cậu cũng ngày càng sáng hơn".
Ông Lý còn khoe tấm danh thiếp của mình, chỉ vào bản thân và cười lớn nói: "Người đứng đầu giới họa sĩ Trung Quốc". Nói về tấm danh thiếp này, cô Hầu có chút ngại ngùng: "Đây là do cậu tự làm. Mấy năm nay tôi đã giấu đi không ít lần, nhưng lần nào cậu cũng lại lấy ra một cái".
Cảnh này cũng được đăng lên mạng. Ban đầu, cô Hầu lo lắng mọi người sẽ cho rằng cậu mình quá tự cao, nhưng sau khi đọc bình luận của cư dân mạng, cô cảm thấy rất an ủi. Có blogger cho rằng, tấm danh thiếp thể hiện sự dám theo đuổi ước mơ của ông Lý. Một số người khác nhận xét: "Quầy hàng bán một nửa là rau, một nửa là tranh, thực chất là sự cụ thể hóa của cuộc sống và ước mơ". Có người còn khen ngợi: "Nỗi khổ của cuộc sống không thể dập tắt được khí chất của người nghệ sĩ".
"Thực ra, câu chuyện của cậu tôi đã được nhiều người biết đến từ lâu. Mỗi khi câu chuyện hot trở lại, lại có người muốn mua tranh của cậu", cô Hầu nói. Ông Lý cho biết ông không cần sự thương hại, tranh của ông nên thuộc về những người thực sự yêu thích chúng. Ông cũng mong mọi người đừng mua tranh một cách bốc đồng.
Cô Hầu thường khuyên những người muốn mua tranh: "Hãy suy nghĩ kỹ, vài ngày nữa hãy quyết định". Cô cũng chia sẻ, trước đây có một số người muốn tổ chức quyên góp cho cậu mình. Ngoài ra, cũng có những người hảo tâm mua màu vẽ, cọ vẽ tặng cậu. Vì lịch sự, cô và gia đình hầu như đều tặng quà đáp lễ cho những người này.
Người cháu chia sẻ, cậu mình cả đời chịu nhiều khổ cực, bị không ít người chế giễu, nhưng ông vẫn kiên trì vẽ tranh, làm điều mình thích. Nếu chỉ đơn thuần bán tranh của ông Lý thì không có nhiều ý nghĩa. Chỉ khi những bức tranh này đến tay người thực sự yêu thích chúng, ông Lý được công nhận thì mới có ý nghĩa.
Hiện tại, cụ ông bán rau có cuộc sống ổn định và vẫn tiếp tục theo đuổi giấc mơ hội họa. "Cậu tôi đã nỗ lực cả đời, cuối cùng cũng để nhiều người biết đến một ông lão như vậy. Tôi biết mọi người đều có lòng trắc ẩn, thấy mọi người quan tâm đến cậu tôi, tôi rất cảm động. Cậu tôi đã kiên trì làm một việc suốt bao nhiêu năm, hy vọng câu chuyện của cậu có thể truyền cảm hứng cho những người trẻ đang khởi nghiệp".
Nguồn: ETtoday