Thuê "ốc đảo" để sống như "những ngày sông nước tuổi thơ" ngay giữa Sài Gòn
Nằm lấp ló sau những bụi cây rậm rạp, lênh đênh giữa sông nước là căn chòi xập xệ được dựng lên tạm bợ của ông Đào Văn Phương (64 tuổi, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP. HCM). Cuộc sống của ông Phương biệt lập trên một ốc đảo chỉ có cây cỏ, một đàn vịt và vài con chó luôn sủa inh ỏi mỗi khi có tiếng động.
Từ bên kia thành phố, muốn một lần được qua nhà của ông Phương phải canh đúng thời điểm nước rút, rồi gọi ông đến khi nào ông nghe thấy, chèo xuồng qua đón mới vào được "vương quốc" của ông.
Căn chòi của ông Phương nằm cô độc giữa sông nước, bị che khuất bởi cây cối um tùm.
Ông Phương chia sẻ đã quen với cuộc sống nơi "ốc đảo".
Ông kể, sinh ra và lớn lên ở Cà Mau, quanh năm chỉ làm bạn với sông nước, chài lưới đánh bắt cá, cua ghẹ. Cuộc sống ngày càng khó khăn, đến năm 1997, ông khăn gói lên Sài Gòn để mưu sinh. Ông Phương làm đủ mọi công việc từ chạy xe ôm, xích lô đến làm thợ hồ... sau đó lập gia đình, cùng vợ con sinh sống ở huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Ông tâm sự: "Khoảng hơn 10 năm trước, vùng này vẫn còn đầm lầy chứ chưa có nhà cửa khang trang như hiện nay. Sau đó, vùng đất được quy hoạch xây dựng khu dân cư nhưng vẫn còn vùng đầm lầy, sông nước này nên được một người mua lại. Sau nhiều năm bôn ba, con cái cũng đã trưởng thành và mình cũng đã già nên tôi muốn tìm một chỗ nào đó giống ở miền quê sông nước và thuê lại nơi này để dựng chòi kiếm sống".
Sau đó ông Phương thuê lại mảnh đất sông nước đang bị bỏ hoang để canh tác với giá 20 triệu đồng/năm. Thấy cha muốn sống một mình trên sông nước, các con ông (2 trai, 1 gái đã có gia đình) mặc dù lúc đầu không đồng ý nhưng cũng đành lòng dựng tạm căn chòi để cha chui ra chui vào lúc nắng mưa rồi làm những gì mình thích.
Có những lúc ông muốn lên bờ sống nhưng miền sông nước đã thấm vào xương máu nên ông không thể rời bỏ. Ông chọn cuộc sống biệt lập để tìm sự thanh thản ở tuổi già.
Thỉnh thoảng ông Phương mới rời "vương quốc" của mình về thăm gia đình và các con ông cũng dăm bữa, nửa tháng cũng ghé lại thăm cha mình. Ông chia sẻ: "Vợ tôi mới mất chưa lâu vì bạo bệnh nên các con buồn lắm, lâu nay cũng ít ghé lại thăm, chỉ gọi điện. Các con cũng muốn tôi về sống cùng để chăm sóc về già nhưng tôi không chịu, vì sống ở đây quen rồi, về thành phố sống không biết làm gì, chán lắm...".
Có lẽ kí ức tuổi thơ với những lần bơi lội bắt cá, chăn vịt ở quê vùng sông nước Cà Mau đã in sâu vào máu thịt của ông Phương nên ông chưa muốn nghĩ đến một ngày nào đó sẽ rời khỏi "ốc đảo này".
Ông Phương với căn chòi tạm bợ suốt hơn 10 năm qua.
Vùng đầm lầy lại có nhiều cá nên không lo đói
Gần tới căn chòi, vài con chó được ông xem như người bạn thân thuộc hàng ngày vẫn không ngừng sủa inh ỏi vì có khách lạ. "Có chúng trông nhà và làm bạn cũng đỡ buồn hàng ngày. Cuộc sống có mình tôi, có lúc tĩnh lặng đến não nề nên tiếng sủa của bầy chó cũng xua tan phần nào không khí u buồn", ông Phương vừa chèo thuyền đưa chúng tôi vào thăm chòi vừa chia sẻ.
Bên trong căn chòi của ông Phương.
Căn chòi cũ nát được che chắn bởi ván gỗ và tôn rộng khoảng 5m2 do ông và các con dựng tạm để ở. Những đồ dùng trong nhà hầu hết được mọi người cho, cũng có một số thứ được các con ông mua. Về điện sinh hoạt thì được câu nhờ từ bên kia bờ, còn nước thì dùng nước mưa để tắm giặt.
Theo ông Phương, tuy sống trong căn chòi rách nát nhưng đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đối với mình ông như vậy là đủ. Đặc biệt, ông còn nuôi cá cảnh, con cá la hán có khắc chữ nho được nuôi trong bể kính là do ông chài lưới bắt được.
Con cá la hán được ông Phương chài lưới bắt được.
Góc bếp nhỏ trong căn chòi tạm bợ. Mọi xoong nồi nấu ăn phải treo lên để không chiếm diện tích.
Ông Phương sống trên "ốc đảo", ngày qua ngày với công việc sáng sớm lùa đàn vịt bơi sông đi kiếm ăn, rồi ông chèo xuồng ra thăm cánh đồng sen được trồng để phát triển kinh tế. Đến chiều chiều đi giăng lưới bắt cá làm bữa ăn hàng ngày. Ông cho biết, mặc dù vùng nước đầm lầy nhưng vẫn có khá nhiều cá nên không lo đói.
Lối dẫn ra sau căn chòi là nơi nhà vệ sinh khuất sau những bụi cây.
Ông Phương tận dụng nước mưa để sinh hoạt tắm rửa và giặt quần áo.
Chuồng nuôi vặt của ông Phương.
Hỏi ông, chọn cách sống dị biệt như vậy có gặp những khó khăn gì không? ông Phương bảo: "Sống riết rồi cũng quen, chưa thấy khó khăn gì trong cuộc sống sinh hoạt lênh đênh trên sông nước. Cái khó nhất là sen mất mùa vì thường bị hư hoặc rớt giá".
Theo ông, mỗi năm chỉ có được trung bình 2 mùa sen nhưng thỉnh thoảng giá lại rớt thê thảm. Đến khi có giá lên cao, sen lại mất mùa do hư nhiều.
Ông Phương thăm cánh đồng sen của mình.
Cuộc sống của ông là vậy, không ồn ào và náo nhiệt như thế giới bên ngoài, không cần quần áo đẹp, ông chỉ cần cuộc sống không bị ai làm phiền. Những hôm trời mưa to gió lớn, căn nhà lợp tôn cũ dột tứ phía, ông vẫn hài lòng với kiểu ngủ ngồi trùm áo mưa.