Sai lầm khiến người đàn ông suy thận cấp
Mới đây, bệnh nhân T.V.M (47 tuổi, trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng mệt mỏi, nôn nhiều, không thể đi tiểu được.
Gia đình cho biết bệnh nhân có tiền sử sỏi thận, đã phát hiện cách đây khoảng 1 năm nhưng không nhập viện điều trị mà ở nhà tự uống thuốc lá (thảo dược không rõ nguồn gốc).
Bệnh nhân cho rằng uống thuốc lá "lành tính, loại bỏ được sỏi thận mà không cần phải phẫu thuật". Sau hơn một năm uống thuốc lá, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau mỏi lưng 2 bên, mệt nhiều.
Khi các triệu chứng đau xuất hiện rầm rộ, bệnh nhân không thể đi tiểu được, gia đình mới đưa tới bệnh viện khám.
Kết quả khám ban đầu và xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị suy thận cấp, vô niệu do sỏi niệu quản 2 bên. Bệnh nhân được phẫu thuật tán sỏi cấp cứu.
Hiện tại, sau mổ ngày thứ 3, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt, các chỉ số chức năng thận và kali máu trở về bình thường, tiếp tục được theo dõi thêm.
Bác sĩ CKI Ma Đình Đức, Phó trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Sỏi niệu quản có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trong đó, sỏi niệu quản 2 bên gây suy thận cấp vô niệu là biến chứng nguy hiểm nhất của sỏi niệu quản, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.
Triệu chứng của sỏi thận
Theo TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, trong quá trình thăm khám, bác sĩ đã gặp một số bệnh nhân sỏi thận được chỉ định mổ nhưng sợ phẫu thuật nên xin về uống thuốc Nam. Sau khoảng 5-6 tháng, bệnh nhân quay lại khám thì 2 quả thận đã mất chức năng hoàn toàn, có chỉ định phải ghép thận.
Đối với sỏi thận lớn, khi đã bị canxi hóa thì rất cứng, dù cho axit vào cũng không thể tan. Do vậy, thuốc Nam, thuốc lá không thể loại bỏ được sỏi thận khi đã có chỉ định can thiệp.
Bác sĩ Liên cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận, ví dụ như dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu, canxi niệu, thay đổi pH nước tiểu, cường tuyến cận giáp… Một số yếu tố nguy cơ là tiền sử gia đình, môi trường lao động, bệnh chuyển hóa, nhiễm trùng, chế độ ăn không uống đủ nước, lười vận động gây ra ứ đọng nước tiểu.
Ngoài ra, ở một số nơi, người dân dùng nước cứng (nước chứa hàm lượng chất khoáng cao, chủ yếu là hai ion canxi và magie) cũng sẽ có nguy cơ hình thành sỏi cao hơn. Thói quen ăn mặn dẫn tới cô đặc nước tiểu thì cũng có nguy cơ tạo ra sỏi.
Sỏi thận có triệu chứng điển hình là đau vùng hông lưng. Trường hợp khi sỏi di chuyển xuống niệu quản sẽ gây ra cơn đau quặn thắt, đau đột ngột lan ra sau lưng và lan xuống vùng hông, tiểu lắt nhắt rất khó chịu.
Để có 2 quả thận khoẻ mạnh, bác sĩ khuyên mọi người:
- Cần có lối sống lành mạnh, tránh các bệnh chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng acid uric…
- Dùng thuốc đúng chỉ định, không lạm dụng thuốc giảm đau.
- Uống nhiều nước.
- Đi khám sức khỏe mỗi năm, tầm soát bệnh thận bằng ít nhất 3 loại xét nghiệm: Thử nước tiểu, thử máu đánh giá chức năng thận, siêu âm hệ niệu.
- Người bị sỏi niệu quản, sỏi thận... không nên tự ý sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc.