Vừa qua vào ngày 15/3, UBND tỉnh Lâm Đồng công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.
Trong đó đáng chú ý là khu trung tâm Hòa Bình (rộng 3,37 ha) được quy hoạch thành khu giải trí đa chức năng để phục vụ người dân, du khách trong và ngoài nước. Như vậy rạp hát Hòa Bình vốn đang bị xuống cấp sẽ bị đập bỏ. Đồng thời khu vực đồi Dinh (rộng 4,43 ha) được quy hoạch để xây khu thương mại, dịch vụ cao cấp, theo đó Dinh tỉnh trưởng cũ sẽ được di dời nguyên khối đến đến vị trí mới.
Bản đồ quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hoà Bình, Đà Lạt.
Bản quy hoạch rất đẹp, nhưng đó là một thành phố khác
Nhiều ngày qua đã có khá đông người dân đến rạp Hoà Bình để xem quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hoà Bình, thành phố Đà Lạt. Trong khi một số người tỏ ra thích thú với thiết kế có phần hiện đại của bản quy hoạch, thì không ít người dân tỏ ra tiếc nuối khi những bản sắc của thành phố mù sương dần biến mất.
Người dân Đà Lạt đến xem triển lãm.
Chú Khánh (63 tuổi) ghé rạp Hoà Bình từ sáng sớm, chăm chú đọc từng ghi chú trên những tấm bản đồ rồi cẩn thận chụp lại hình. Người đàn ông đã gắn bó với Đà Lạt hơn 30 năm tâm sự: "Tôi sinh ra ở Sài Gòn, nhưng hồi đó bà xã của tôi thích không khí bình yên của Đà Lạt, nên hai vợ chồng bỏ phố lên đây sống. Những năm trước đây Đà Lạt thanh bình lắm, nhưng mấy năm gần đây khách du lịch mỗi ngày một đông, có khi cuối tuần vào trung tâm tôi cảm thấy bị ngộp".
Chú Khánh gắn bó với Đà lạt hơn 30 năm.
Nhắc đến bản quy hoạch khu Hoà Bình, chú Khánh khách quan chia sẻ: "Thành phố nào rồi cũng phát triển, nhưng cái nào là dấu ấn, là nét đẹp riêng của vùng đất đó thì nên gìn giữ. Đừng vì xây cái mới lên rồi làm mất cái chất của Đà Lạt. Bản quy hoạch này rất đẹp, nhưng nhìn vào đây chỉ thấy một thành phố nào đó, không phải Đà Lạt!".
Cũng là người con Sài Gòn lên Đà Lạt lập nghiệp, chú Kính có hơn 40 năm làm nghề sửa đồng hồ ở rạp Hoà Bình. Khi nghe thông tin rạp sẽ dỡ bỏ để xây dựng một khu trung tâm hiện đại, chú Kính không tiếc nuối. "Tiếc chớ, nếu đập rạp Hoà Bình thì ai cũng tiếc, vì nơi này là ký ức của biết bao con người Đà Lạt mà. Hồi xưa dãy bên phải rạp là người Chà Và buôn bán, dãy bên trái là chuyên bán và sửa đồng hồ" - nói đoạn người đàn ông buông nhẹ câu nói: "Nhưng đã quyết tháo dỡ rồi thì cũng khó thay đổi được".
Chú Kính làm nghề sửa đồng hồ ở rạp Hoà Bình.
Chú Kính bảo: "Tôi có ghé qua xem bản đồ quy hoạch, nhìn trên giấy tờ thì đẹp đó, nhưng không biết ra thực tế có đẹp như vậy hay không!? Chẳng phải đã có rất nhiều dự án đề ra cho hoành tráng rồi cuối cùng không có kinh phí bỏ dở nửa chừng, khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng đó sao. Nếu đã làm thì phải làm cho tới nơi tới chốn".
Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, sau này lại làm công việc chạy xe ôm ở khu Hoà Bình thành ra cái rạp phim cũ kỹ này không còn xa lạ với ông Minh (65 tuổi). Như một hướng dẫn viên du lịch nhiệt tâm, ông Minh tươi cười kể: "Trước đây rạp Hoà Bình là cái chợ, có người Pháp, Chà Và, Tàu và người Việt mình buôn bán. Sau này mới chuyển thành cái rạp Xi-nê. Hồi đó cả thành phố có 3 cái rạp thôi, mà rạp này là bự nhứt, xung quanh tập trung nhiều hàng quán xầm uất lắm".
Rạp Hoà Bình tiền thân là chợ cũ Đà Lạt.
"Không giống như rạp phim bây giờ, người ta có suất chiếu, rạp hồi xưa nó chiếu thường trực, từ 7h sáng đến 9h tối vào coi lúc nào cũng được, mà ưng ra lúc nào cũng được luôn. Nhiều người vào trỏng ngủ mấy tiếng đồng hồ (cười). Hồi mới giải phóng dân mình đâu phải nhà nào cũng có ti vi để coi phim, thành ra rạp Xi-nê đông khách lắm, người ta chen lấn nhau mua vé xem phim mà" - chú hào hứng kể.
Rạp Xi-nê Hoà Bình thu hút đông đảo thị dân Đà Lạt.
Hồi ức về khu Hoà Bình, một người con của Đà Lạt đã viết: "Rạp xi-nê Hoà Bình to nhất trong ba rạp chiếu bóng ở Đà Lạt. Điểm đặc biệt là có một cái chuông cao để gắn cái còi ụ, báo động giới nghiêm. Cửa vào rạp được nâng cao lên vì cái nền của rạp bên trong được xây cao từ cửa ra vào và nghiêng thấp từ từ xuống màn ảnh để người ngồi dãy ghế phía sau không bị cái đầu của khán giả phía trước che khuất. Phía bên trái là phòng bán vé mà mình từng chen lấn như đi ăn cướp để mua vé nhất là ba ngày Tết. Thường mấy ngày Tết họ chiếu phim tồi nhất vì ai cũng đi coi, sau đó vài tuần khi khán giả hết tiền lì xì thì mới chiếu phim hay".
Nếu Đà Lạt là nhà băng ký ức của thị dân Sài Gòn, thì bằng một cách âm thầm nào đó rạp xi-nê Hoà Bình đã trở thành nhà băng ký ức của người Đà Lạt. Nếu một ngày nào đó ngôi nhà cũ kỹ ấy bị dỡ bỏ, chắc hẳn sẽ là mãi là một mảnh khuyết trong tâm hồn người dân nơi đây.
Rạp Hoà Bình còn được biết đến là một dấu ấn đầy tự hào của người Việt ở Đà Lạt. Bởi giữa rất nhiều kiến trúc của người Pháp ở Đà Lạt, thì rạp Hoà Bình là một công trình do kiến trúc sư người Việt thiết kế.
Nhà sưu tập cổ vật Ngô Bảo Hưng - người đang gắn bó từng ngày với rạp Hoà Bình, chia sẻ: "Cái rạp này nó có cái nét riêng của nó, là một phần lịch sử của Đà Lạt. Kiến trúc xưa làm nên linh hồn cho mảnh đất, là thứ không thể nói dỡ bỏ là dỡ bỏ được. Tôi nghĩ chỉ nên nâng cấp sửa chữa chứ không nên bỏ".
Nhà sưu tập cổ vật Ngô Bảo Hưng mong muốn rạp được nâng cấp sửa chữa.