Hà Tĩnh: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn
Chiều 18-9, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh, cho biết có 528 tàu, thuyền của Hà Tĩnh và các tỉnh, thành khác đã vào neo đậu, tránh trú.
Hiện các khu neo đậu tránh trú bão ở đây còn có thể tiếp nhận thêm 772 tàu, thuyền của ngư dân. Trong đó, tại khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót 206 phương tiện, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Nhượng 127 phương tiện, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ 43 phương tiện và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu - Kỳ Hà 152 phương tiện.
Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đã phối hợp với lực lượng BĐBP kiểm tra, kiểm soát và sắp xếp các tàu cá vào neo đậu an toàn.
Theo thống kê từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, tỉnh này hiện có 3.651 phương tiện với 10.666 lao động. Tổng số tàu không ra khơi, đang neo đậu tại các bến, bãi là 3.643 phương tiện với 10.633 lao động.
Như vậy, hiện vẫn đang còn 8 phương tiện đang hoạt động trên biển với 33 lao động.
Đà Nẵng: Khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão
Sáng 18-9, ngư dân TP Đà Nẵng đang khẩn trương thu gọn ngư lưới cụ vào bờ. Hàng trăm chiếc thuyền được ngư dân Đà Nẵng khẩn trương kéo lên đường tập kết, chằng néo trước khi áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và hướng về đất liền các tỉnh miền Trung.
Ghi nhận tại khu vực cầu cảng tại biển Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), nhiều ngư dân đã thuê xe cẩu đưa tàu, thuyền về nơi tránh trú. Tàu thuyền được cẩu lên nằm dọc vỉa hè tuyến đường Hoàng Sa.
Ngư dân Phạm Văn Tuấn cho biết gia đình anh có 4 thuyền thúng, từ sáng sớm anh cùng người thân ra chân cầu cảng thuê xe cẩu thuyền lên bờ tránh bão. "Giá cẩu tùy vào thuyền lớn nhỏ, như gia đình tôi thuê cẩu mỗi chiếc là 300.000 đồng" - anh Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều ngư dân chia sẻ tranh thủ cẩu thuyền lên bờ sớm để tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, lo mưa lớn gây ngập nặng, người dân vùng rốn lũ Mẹ Suốt ở TP Đà Nẵng đã thu dọn đồ đạc, kê lên chỗ cao để tránh thiệt hại.
Từ sáng 18-9, nhiều hộ dân ở khu vực rốn lũ Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã tất bật lo dọn dẹp, kê cao đồ đạc.
Người dân rốn lũ Mẹ Suốt - Đà Nẵng cấp tập kê dọn đồ đạc để tránh lũ
Do mưa lớn kéo dài, sáng 18-9, trên một số tuyến đường ở Đà Nẵng nước ngập sâu 30-50 cm khiến tình hình giao thông hỗn loạn.
Trước diễn biến phức tạp, nhiều khả năng trở thành bão số 4 của áp thấp nhiệt đới, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã cho học sinh toàn thành phố nghỉ học vào chiều 18-9 và ngày 19-9.
Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) mạnh lên thành bão số 4, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ người dân triển khai các biện pháp để phòng, chống
Đến trưa 18-9, 2.280 chiếc tàu thuyền tại tỉnh Quảng Trị đã cơ bản vào bờ neo đậu, tránh trú an toàn trước tình hình ATNĐ mạnh lên thành bão số 4.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong sáng nay, tại các khu neo đậu tránh trú bão ở huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), ngư dân đang hối hả neo đậu tàu thuyền, đưa ngư lưới cụ vào bờ.
Lực lượng biên phòng Quảng Trị cũng có mặt tại các khu vực trên để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong việc phòng, chống ATNĐ mạnh lên thành bão số 4.
Ngư dân Nguyễn Quang Dinh (ngụ thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong) cho biết sau khi nghe dự báo thời tiết, ông đã đưa thuyền vào bến để neo đậu để đảm bảo an toàn.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ, lúc 7 giờ ngày 18-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61 km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ khoảng 15 km/h.
Dự báo, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4, cường độ cấp 8, giật cấp 10.
Đến 7 giờ ngày 19-9, tâm bão số 4 cách Quảng Trị khoảng 210 km về phía Đông Đông Nam, cách Đà Nẵng khoảng 120 km về phía Đông. Bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Trong những giờ tiếp theo, bão số 4 sẽ đi vào đất liền trên khu vực tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới