Kể cả khi bạn không ngủ đủ 8h/ngày như khuyến cáo của các chuyên gia, thì bạn vẫn luôn cố gắng duy trì ở mức 6-7h/ngày. Đây đã được coi là một khoảng thời gian lý tưởng đủ để đảm bảo cho chất lượng giấc ngủ của bạn, đúng không?
Vậy mà cuối cùng, bạn vẫn không tài nào lý giải nổi tại sao mắt mình cứ luôn có xu hướng díp lại, đầu thì không ngừng gà gật, trông thảm thương vô cùng. Bạn cũng từng đổ lỗi cho thời tiết mát mẻ, gió dìu dịu hiu hiu khiến bạn muốn thăng hoa cùng giấc ngủ. Nhưng khổ nỗi, càng cố ngủ bù thì lại càng mệt mỏi uể oải, cảm giác người bạn như bị hút cạn kiệt năng lượng vậy. Lý do chính xác cho hiện tượng này chỉ có thể là:
Trầm cảm hoặc căng thẳng
Đây là trạng thái tâm lý có ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng giấc ngủ của bạn. Chính vì bạn cảm thấy bức bối khó chịu, hoặc căng thẳng về một vấn đề nào đó mà giấc ngủ của bạn cũng trở nên chập chờn, không ngon giấc. Thay vì cứ cố nằm dài để ngủ liền một mạch, bạn có thể tập vài động tác cho cơ thể khỏe khoắn, sau đó giấc ngủ của bạn cũng trở nên hiệu quả hơn.
Không
tập thể dục đủ
Nếu bạn là một nhân tố lười vận động thì đây là lý do không thể chối cãi rồi nhé! Hãy nghĩ mà xem, cơ thể của bạn nếu cứ ì ạch ngồi một chỗ, hết ngồi rồi lại tới nằm, sẽ dẫn tới nhức mỏi và chậm chạp như thế nào. Vậy cho nên khi bạn muốn mình luôn trong trạng thái minh mẫn, khỏe khoắn, thì hãy bắt đầu làm quen với những bài vận động đơn giản đi nhé!
Không uống nước đủ
Bạn cần 8-10 cốc nước mỗi ngày để cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể. Nếu bạn quá lười uống nước, hoặc uống loại nước có nhiều đường, nhiều cafein - những loại nước này khiến tiêu tốn năng lượng nhiều hơn – là một trong những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy cơ thể luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi, thiếu sức sống.
Thực đơn ăn uống nghèo nàn
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng quan trọng tới thời lượng và chất lượng của giấc ngủ. Nếu bạn sử dụng quá nhiều thực phẩm nhiều chất béo hay có hàm lượng carb cao thì chúng có thể gây ra cảm giác mỏi mệt hơn bình thường. Và ngược lại, chế độ ăn lành mạnh, cân bằng sẽ có ảnh hưởng lớn tới cơ thể và trí óc, là chìa khóa để đánh bại cảm giác mỏi mệt. Chính vì vậy, bạn cần nghiêm túc xem xét lại thực đơn hằng ngày của mình nhé!
Thường xuyên bỏ qua bữa sáng
Chính là tình trạng ngủ xuyên từ đêm hôm trước tới trưa ngày hôm sau trong truyền thuyết. Này bạn, chẳng hay ho gì khi gộp 2 bữa sáng và trưa vào làm một đâu. Bởi vì khi dạ dày bạn không được tiếp tế kịp thời, nó sẽ sử dụng tới năng lượng dự trữ trong cơ thể bạn, khiến bạn cảm thấy có vẻ như mệt mỏi hơn so với những người bình thường. Do vậy, thay vì ngủ nướng khét lẹt, hãy dậy sớm, ăn bữa sáng đầy đủ và đúng giờ.
Lượng đường trong máu không cân bằng
Tình trạng mất cân bằng đường trong máu có thể dẫn tới thiếu năng lượng. Nếu sử dụng nhiều thực phẩm đóng hộp hay thực phẩm có hàm lượng đường cao thì bạn có thể phải chịu cảnh mỏi mệt bởi hiện tượng có tên là "sugar crash" - mệt mỏi do tiêu thụ lượng lớn carbonhydrate.
Nếu gặp tình trạng này thì còn chần chừ gì nữa, bạn phải đưa mình vào khuôn khổ với những món ăn hạn chế đường và tinh bột, nhanh còn kịp nào!
Các vấn đề bệnh lý khác
Nếu bạn cho rằng chế độ dinh dưỡng của mình đã lành mạnh, bạn đã uống đủ nước, không gặp vấn đề căng thẳng nào và thường xuyên tập thể dục mà vẫn cảm thấy mệt mỏi thì có lẽ vấn đề nằm ở tình trạng sức khỏe.
Ở trường hợp này thì bạn sẽ không thể tự mình chuẩn đoán mà nên đi khám bác sĩ để nắm bắt rõ hơn về tình trạng cơ thể mình, bạn nhé!