Nghiên cứu mới cho thấy, hầu hết mọi người không muốn trở thành tỷ phú: Tiền bạc có quan trọng như bạn nghĩ?

Thuý Phương, Theo Trí Thức Trẻ 12:04 20/07/2022

Bạn có thích gia nhập hàng ngũ tỷ phú giống như Elon Musk, Bill Gates và Warren Buffett hay không? Nếu câu trả lời là “Có”, bạn chỉ thuộc nhóm thiểu số, theo kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Paul Bain, được công bố trên tạp chí Nature Sustainability.

Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng, phần lớn mọi người mong muốn cuộc sống lý tưởng của mình chỉ cần có một khoản tiền nhiều nhất là 8,2 triệu bảng Anh (tương đương khoảng 9,8 triệu USD).

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát hơn 7.800 người sống ở 33 quốc gia trên thế giới, bao gồm Anh, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ và Úc. Các câu hỏi được đặt ra nhằm kiểm tra xem họ muốn có bao nhiêu tiền để đạt được tiêu chuẩn cuộc sống “lý tưởng”.

Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy rằng: Câu nói “Lòng tham không đáy” không phải lúc nào cũng đúng.

Nghiên cứu mới cho thấy, hầu hết mọi người không muốn trở thành tỷ phú: Tiền bạc có quan trọng như bạn nghĩ? - Ảnh 1.

Elon Musk, Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, hiện là người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản là 216 tỷ USD (176 tỷ bảng Anh). Ảnh: Dailymail

Hầu hết mọi người tham gia khảo sát chỉ mong muốn có được một số tiền vừa đủ để trở thành triệu phú. Có lẽ vì họ tin rằng, ham muốn quá nhiều là tham lam.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà tâm lý học tại các trường đại học Bath, Bath Spa và Exeter, và được công bố trên tạp chí Nature Sustainability.

Tiến sĩ Paul Bain, tác giả của nghiên cứu, cho biết: ''Tư tưởng về nhu cầu tiền bạc vô hạn có thể làm sai lệch bản chất của con người. Điều đó tạo ra áp lực xã hội khiến mọi người phải mua nhiều hơn mức họ thực sự mong muốn.”

Ông nói thêm: “Nghiên cứu này đã cho thấy, cuộc sống lý tưởng của hầu hết mọi người đều an toàn, ổn định và nằm trong tầm với. Điều này có thể tác động tích cực tới cách mà mọi người cư xử về mặt xã hội. Họ cũng dễ cảm nhận niềm hạnh phúc và sống có trách nhiệm với cộng đồng hơn.”

Bao nhiêu tiền sẽ đem tới cho bạn hạnh phúc?

Ở 86% các quốc gia, đa số đều nghĩ rằng họ sẽ đạt được cuộc sống lý tưởng với 10 triệu đô la trở xuống. Ở một số quốc gia khác, con số này chỉ là 1 triệu đô la trở xuống.

Chỉ một thiểu số, từ 8 đến 39%, muốn có càng nhiều tiền càng tốt.

Nhìn chung, những người thuộc nhóm “đa số” đều là cư dân thành phố, coi trọng thành công, quyền lực và sự độc lập hơn là tiền bạc.

Tiến sĩ Renata Bongiorno, là đồng tác giả của nghiên cứu, đã nói thêm: ''Những phát hiện này là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng, không phải lúc nào suy nghĩ số đông cũng có thể phản ánh thực tế.”

Nghiên cứu mới cho thấy, hầu hết mọi người không muốn trở thành tỷ phú: Tiền bạc có quan trọng như bạn nghĩ? - Ảnh 2.

Biểu đồ hiển thị kết quả trung bình về số tiền để có một cuộc sống lý tưởng của những người tham gia. Nguồn: Nature Sustainability

Mặt khác, một nghiên cứu đến từ Đại học Purdue trước đây cũng phát hiện ra rằng: Thu nhập hàng năm từ 43.000 bảng Anh (60.000 đô la) đến 54.000 bảng Anh (75.000 đô la) là số tiền lý tưởng để đạt được hạnh phúc về mặt tinh thần.

Nhóm nghiên cứu đã tìm ra kết quả này dựa trên dữ liệu từ Cuộc thăm dò của Gallup World, đại diện cho hơn 1,7 triệu người từ 164 quốc gia. Đồng thời, họ cũng chỉ ra, thời điểm mà hầu hết mọi người cảm thấy mình đạt được thành công trong cuộc sống là khi thu nhập đạt con số 68.000 bảng Anh (95.000 đô la).

Một nghiên cứu của đại học Pennsylvania ở Mỹ cũng chỉ ra mối liên hệ tích cực giữa mức thu nhập và sự thoả mãn trong cuộc sống.

Nếu so sánh với những người “ăn bữa nay, lo bữa mai”, tiền bạc giúp họ làm chủ cuộc sống tốt hơn và có tự do lựa chọn cuộc sống mà họ mong muốn.

Tuy nhiên mối liên hệ của tiền và hạnh phúc trở nên yếu đi khi mức thu nhập này vượt qua một ngưỡng nhất định. Vì thời điểm đó, những người kiếm được nhiều tiền hơn lại có ít thời gian hơn và gặp nhiều áp lực trong cuộc sống hơn. Kết quả là họ trở nên ít hạnh phúc hơn.

Trong tháp nhu cầu của Maslow, các trật tự nhu cầu con người được nêu ra một cách rõ ràng. Ở đáy tháp là nhu cầu sinh tồn như có cơm ăn áo mặc, có một nơi trú ngụ. Đó là nhu cầu mà người ta hoàn toàn có thể đạt được bằng tiền bạc.

Khi vượt qua nhu cầu sinh tồn, người ta tìm đến nhu cầu được bảo vệ, được yêu thương và nhu cầu được coi trọng, nhu cầu được khẳng định bản thân. Ở đây, tiền bạc không còn là một công cụ có thể thỏa mãn được nhu cầu phía trên nữa.

Nhiều người tin họ có thể dùng tiền bạc để mua tình yêu, mua sự tôn trọng. Nhưng đi cùng với đó là nỗi sợ hãi, sợ một ngày tiền bạc mất đi, tình yêu và sự tôn trọng đó cũng sẽ biến mất. Nỗi sợ hãi đó khiến cảm giác hạnh phúc giảm đi.

Do đó, ở một khía cạnh nào đó, quả thật người ta không cần quá nhiều vật chất hay tiền bạc để đạt được cuộc sống lý tưởng.

*Theo Evening Standard, Dailymail

https://cafef.vn/nghien-cuu-moi-cho-thay-hau-het-moi-nguoi-khong-muon-tro-thanh-ty-phu-tien-bac-co-quan-trong-nhu-ban-nghi-20220719234550904.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày